Theo Bộ NN&PTNT, thời tiết từ tháng 3 tới tháng 5 năm nay được dự báo thuận lợi cho vải, nhãn nở hoa, đậu quả và phát triển. Tỷ lệ vải, nhãn ở miền Bắc ra hoa đạt 95%, được đánh giá là được mùa nhất trong 5 năm trở lại đây. Nhưng người trồng vẫn lo lắng khi thị trường tiêu thụ vẫn chưa mở rộng.
Dự kiến năm nay vải thiều sẽ được mùa.
Vải, nhãn là hai loại cây ăn quả chủ lực của các tỉnh miền Bắc với tổng diện tích năm 2017 là 98.000ha, chiếm 27% tổng diện tích cây ăn quả miền Bắc. Trong đó vải chiếm 16% và nhãn chiếm 11%. Năm nay, sản lượng vải của Bắc Giang ước 150.000 tấn, Hải Dương 55.000 tấn, Hưng Yên 12.000 tấn.
Nhãn tại Hưng Yên dự kiến có sản lượng 41.000 tấn, Sơn La 38.000 tấn. Dự kiến, từ ngày 5-5, trà vải sớm của tỉnh Hải Dương, gồm vải u trứng và vải hang son bắt đầu cho thu hoạch. Trà vải sớm thu hoạch tập trung từ 15 – 25/5 và trà vải thiều thu hoạch tập trung từ 20/5 – 20/6.
Hải Dương đã xây dựng được 13 vùng sản xuất vải phục vụ xuất khẩu đi Mỹ, Australia, EU, với diện tích 131,68ha (năm 2017, diện tích này mới đạt 88,54ha), sản lượng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu khoảng 1.000 tấn; diện tích vải đạt tiêu chuẩn VietGAP là 187ha, sản lượng 1.500 tấn.
Năm 2017, các hợp đồng thu mua vải VietGAP, vải xuất khẩu có giá cao hơn thị trường 2.000 – 3.000 đồng/kg so với đại trà. Trong đó, tỉ lệ tiêu thụ vải nhãn ở thị trường nội địa chiếm khoảng 50% và đang có xu hướng tăng. Địa bàn tiêu thụ chính là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Với thị trường xuất khẩu, hiện vải tươi đã xuất khẩu tới nhiều thị trường như: Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Malaysia, Asean, Trung Đông…