Ngày Tết với người Việt mang nhiều ý nghĩa đặc biệt. Ảnh: TL
Mệt như… ăn Tết
Mới đây, bài văn của một học sinh với chủ đề “Ghét Tết vì Tết làm mẹ mệt mỏi” đã nhận được chia sẻ của đông đảo người dùng mạng xã hội Facebook đồng thời dấy lên tranh luận: Chỉ là ăn Tết, nghỉ Tết, chơi Tết mà sao vẫn mệt?
Chia sẻ với báo chí quanh chủ đề này, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng bài văn trên thể hiện góc nhìn thực tế, hiện đại khi Tết trở thành chuỗi ngày vất vả, cầu kỳ và khiến cho con người, đặc biệt là người phụ nữ mệt mỏi.
“Tết phải là sự sung sướng, trẻ thơ vui mừng nhận bao lì xì đỏ một cách đầy trong sáng, người lớn dọn dẹp trang hoàng nhà cửa, mua sắm với một tâm thế thoải mái nhẹ nhàng nhất có thể. Còn bây giờ Tết là gì? Nó đang dần trở thành chuỗi gánh nặng của mọi nhà với sự cầu kỳ, tiểu tiết trong các công tác chuẩn bị”, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái chia sẻ.
Trao đổi với chúng tôi về quan điểm đang gây “sóng gió” của PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, GS Võ Tòng Xuân cho hay: “Năm 2006, khi tôi công khai đề xuất việc gộp hai cái Tết, đón Tết theo lịch Dương thì số người không đồng tình chiếm khoảng 70 - 80%, nhưng càng về sau số người ủng hộ càng tăng.
Đáng mừng là những người ủng hộ phần lớn đều thuộc thành phần trí thức, có công ăn việc làm ổn định, sự nghiệp thành đạt. Đa số họ đều thấy việc ăn chơi, nghỉ ngơi cả tháng vào Tết cổ truyền sẽ gây thiệt thòi cho công việc, gián đoạn những mối quan hệ giao tiếp với đối tác… Việc những nhà nghiên cứu văn hóa lên tiếng một cách công khai quan điểm này là sự phản biện cần thiết để thay đổi quan điểm đón Tết của chúng ta”.
GS Võ Tòng Xuân dự đoán, dần dần có thể Việt Nam sẽ tiệm cận cách đón Tết theo lịch Dương như thế giới. Ông dẫn chứng thêm, đến một đất nước giàu truyền thống như Nhật Bản với nhiều lễ nghi, phong tục thì cuối thế kỷ 19 đã chuyển sang ăn Tết Dương lịch.
“Năm 2016, nước ta đã chào năm mới vào dịp Tết Dương lịch khá tưng bừng. Tại TP.Hà Nội và TP.HCM có nhiều điểm bắn pháo hoa, đếm ngược đồng hồ đợi khoảnh khắc Giao thừa. Đó là những thay đổi mới mà trước đây chưa có. Tôi nghĩ, dù chưa được công bố bằng chủ trương, quy định nhưng khuynh hướng đón Tết theo lịch Dương đang xích lại gần và như thế cũng phù hợp”, GS Võ Tòng Xuân nói.
Với câu hỏi: “Nếu đón Tết theo lịch Dương thì truyền thống văn hóa của người Việt có bị phai nhạt?”, GS Võ Tòng Xuân nhận định: “Chúng ta mà sợ thì không thay đổi được gì theo nghĩa tích cực. Nhà thơ Tố Hữu đã viết rồi: “Bốn ngàn năm ta vẫn là ta”.
Câu chuyện gộp Tết rất đơn giản là thay đổi thời điểm, thói quen chứ không thay đổi bản chất sự việc. Những giá trị thuộc về bản sắc dân tộc như lễ nghi, thủ tục thờ cúng tổ tiên, chúc mừng năm mới, mừng tuổi người lớn, lì xì trẻ con… vẫn phải gìn giữ, phát huy. Tết Nguyên đán quy định được nghỉ 9 ngày nhưng chúng ta đều biết kiểu gì cũng kéo dài cả tháng từ nông thôn đến thành thị. Cứ tiếp tục duy trì như vậy, chỉ có thiệt thòi thôi”.
Căn tính có dễ thay đổi?
Gộp Tết để tiết kiệm thời gian, tránh lãng phí, rườm rà… là đề xuất khá nhiều người nhìn được ra ưu điểm, nhất là con người trong đời sống hiện đại. Tuy nhiên, cũng có một câu hỏi được đặt ra rằng, với những tập tục, thói quen, căn tính của người Việt thì đề xuất ấy liệu có được áp dụng một cách hiệu quả?
Trao đổi cùng PV Báo Gia đình & Xã hội, nhà nghiên cứu phê bình Nguyễn Thanh Tâm chia sẻ: “Áp lực xung quanh chuyện ăn Tết, nghỉ Tết là điều ai cũng nhận thấy. Từ xưa đến nay, tất cả đều chịu áp lực khi “phú quý sinh lễ nghĩa”, những phong tục tốt đẹp bị biến tướng theo nghĩa rườm rà, cổ hủ.
Nhưng thử nghĩ lại, với căn tính của một cộng đồng nông nghiệp đang gặp gỡ một cách khá bất cập với văn hóa, văn minh phương Tây như chúng ta sẽ tạo nên những hình thái sinh hoạt xã hội rất đặc thù - kiểu Việt Nam. Thế thì chưa hẳn gộp Tết, ăn Tết theo lịch Dương áp lực đã được giải quyết. Có khi, tưởng thay đổi để giải quyết áp lực này thì lại nảy sinh ra áp lực khác. Điều quan trọng có lẽ nằm ở quan niệm về giá trị mà các thế hệ hay các cộng đồng thương thỏa được với nhau”.
Chia sẻ về cách gia đình mình đón Tết, GS Võ Tòng Xuân cho hay, nhiều năm nay gia đình ông đón Tết theo lịch Dương, con cái có thể không về bên bố mẹ mà sum vầy ở chính gia đình nhỏ của mình.
“Tôi có một trường mẫu giáo tư thục và trường cũng đón Tết theo lịch Dương, làm cỗ tất niên, các cháu rộn ràng nhảy múa, nhận phong bao lì xì... Tết cổ truyền tôi vẫn làm việc như bình thường và vào dịp ấy tôi liên tục có những chuyến công tác nước ngoài.
Tâm lý tôi khá chủ động, thoải mái khi không phải dời lịch, hoãn lịch công việc vì Tết. Quan điểm của tôi về lễ Tết là nên gói gọn, không rườm rà, không ảnh hưởng đến kinh tế và bản sắc văn hóa”.
Với đề bài “Phát biểu cảm nghĩ của em về ngày Tết”, một học sinh đã viết bài văn ngắn gọn, giản dị nhưng chạm đến nỗi lòng của nhiều người mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Bài văn kể về những ngày Tết thiếu vắng tiếng cười chỉ vì mẹ quá bận rộn mà trở nên cáu kỉnh với chồng con: “Chắc hẳn ai cũng thích Tết. Từ hồi nhỏ tới giờ, em toàn nghe nói Tết vui. Nhưng đó là ở đâu chứ không phải ở nhà em. Mỗi lần đến Tết là em thấy mệt mỏi, mẹ em mệt mỏi, cả nhà em mệt mỏi...”.
Sau khi được chia sẻ trên mạng xã hội, bài viết thu hút gần 300.000 lượt like, gần 10.000 lượt bình luận, hàng nghìn lượt chia sẻ và những tranh cãi chuyện “mệt như… ăn Tết” được “châm ngòi”.
Theo Thành Nam (Giadinh.net.vn)