Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Kinh tế

Lãi suất của Việt Nam có giảm?

Với “sức khỏe” tốt, thanh khoản dồi dào, từ nay đến cuối năm lãi suất của hệ thống ngân hàng Việt Nam khó có thể giảm được.

Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, từ đầu tháng 8 tới nay đã có 19 ngân hàng Trung ương trên thế giới hạ lãi suất cơ bản. Trong đó, có 3 ngân hàng Trung ương thuộc các nước Đông Nam Á là Indonesia, Thái Lan và Philippines.

Nhiều người băn khoăn, liệu thời gian tới, Việt Nam có động thái hạ lãi suất theo các nước này?

Lãi suất của Việt Nam có giảm? - Ảnh 1.

Từ nay đến cuối năm, lãi suất ngân hàng rất khó giảm. (Ảnh minh họa: KT)

Chuyên gia tài chính - ngân hàng Bùi Quang Tín phân tích, nếu các tháng cuối năm mức lãi suất của Việt Nam được giữ ổn định như hiện nay thì được xem là một thành công lớn, các ngân hàng sẽ không cần phải giảm lãi suất. Có nhiều lý do để khẳng định điều này, đó là mức lãi suất của thị trường liên ngân hàng đang rất ổn định, thậm chí giảm. Bởi có một số thời điểm Ngân hàng Nhà nước mua Việt Nam đồng, khiến thanh khoản dư thừa.

Trước đó, việc lãi suất tăng một phần do sự cạnh tranh giữa các ngân hàng, chủ yếu tăng ở các kỳ trung và dài hạn để chuẩn bị cho việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sắp tới xuống còn 30%. Còn hiện nay, bản thân các ngân hàng cũng phải chuẩn bị nguồn vốn đáp ứng cho việc cho vay trung, dài hạn thay vì chủ yếu sử dụng nguồn vốn ngắn hạn.

“Từ những lý do trên có thể thấy, mặt bằng lãi suất từ nay đến cuối năm sẽ rất khó giảm, nhất là trong bối cảnh, các ngân hàng vẫn tiếp tục chạy đua cạnh tranh, đẩy lãi suất huy động ở một số kỳ hạn trung và dài hạn, họ không tăng ở kỳ ngắn hạn nhiều. Bên cạnh đó, các ngân hàng lớn ít tham gia vào cuộc đua tăng lãi suất. Thông thường các cuộc chạy đua tăng lãi suất thường xảy ra tại các ngân hàng nhỏ để cạnh tranh giành thị phần, giành khách hàng… Cho nên, mặt bằng lãi suất từ nay đến cuối năm chủ yếu là do các ngân hàng lớn cầm chịch còn các ngân hàng nhỏ tăng lãi suất chỉ chiếm thị phần rất nhỏ”, tiến sĩ Bùi Quang Tín cho hay.


Cũng theo ông Tín, định hướng của Ngân hàng Nhà nước từ nay đến cuối năm là sẽ nỗ lực để duy trì ổn định mặt bằng lãi suất. Do đó mức lãi suất sẽ không thay đổi nhiều, nếu có giảm cũng không đáng kể.

Còn theo đánh giá của các chuyên gia, kinh tế Việt Nam đang ổn định, tỷ giá và lạm phát đều trong tầm kiểm soát ngay cả khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc ngày càng căng thẳng. Bên cạnh đó, Việt Nam đồng là đồng tiền ổn định hiếm có trên thế giới dù rằng nhiều đồng tiền đã mất giá mạnh trong thời gian qua.

Quan trọng hơn cả, sức khỏe của các ngân hàng cũng rất tốt, vốn điều lệ cùng tổng tài sản đều tăng trong vài tháng trở lại đây và đã có 8 ngân hàng đáp ứng được Basel II về an toàn vốn. Thanh khoản của hệ thống dồi dào, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế ổn định, dư nợ tín dụng đi theo đúng mục tiêu.

Về phía cơ quan quản lý, mới đây đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, không có lý do gì để Việt Nam hạ lãi suất theo các nước. Hiện tại Ngân hàng Nhà nước vẫn sẽ giữ nguyên các mức lãi suất điều hành. Năm 2018, khi một loạt Ngân hàng Trung ương các nước trên thế giới tăng lãi suất thì Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ ổn định, không tăng.