TP. Hồ Chí Minh có nhiều hình thức hỗ trợ người dân mua, thuê nhà giá rẻ
Vì vậy, làm thế nào để mua được một ngôi nhà giá rẻ, phù hợp với mình là điều mà nhiều người băn khoăn. Hiện nay, để tạo lập được nhà ở thì có nhiều phương thức như thuê, mua nhà trả góp hoặc mua nhà trả ngay tùy theo khả năng tài chính của mỗi người.
Trên thị trường thực tế đang rất thiếu loại nhà cho thuê vừa túi tiền, loại nhà bán trả góp dài hạn. Hiệp hội Bất động sản TP.Hồ Chí Minh kiên trì đề xuất và đã được đưa vào Luật Nhà ở về việc Nhà nước đầu tư ngân sách để phát triển nhà ở xã hội cho thuê, nhà ở xã hội bán trả góp và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội bằng vốn ngoài ngân sách để bán.
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định mức lãi suất 4,8%/năm áp dụng đến hết ngày 31/12/2016 đối với nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Hiệp hội đang đề nghị Ngân hàng Nhà nước quyết định mức lãi suất này áp dụng tại các ngân hàng Vietcombank, ViettinBank, AgriBank, BIDV để áp dụng thống nhất trong toàn quốc.
Đồng thời, Hiệp hội đề nghị Chính phủ và UBND Thành phố tạo điều kiện để hình thành các khu nhà ở hỗn hợp bao gồm nhà ở xã hội, nhà ở thương mại "chuẩn thấp" (có nhiều căn hộ quy mô vừa và nhỏ, tối thiểu 25 m2/căn hộ như nhà ở xã hội) để đáp ứng nhu cầu của người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp và người nhập cư.
Cũng theo ông Châu, "người mua nhà luôn mong chờ một mức giá càng thấp càng tốt, nhưng như ông bà ta thường nói "tiền nào của nấy". Cho nên, giá càng thấp chưa chắc đã là tốt cho người mua. Đặc biệt, đối với bất động sản thường là tài sản lớn nhất của một gia đình và có giá trị sử dụng lâu dài. Do vậy, theo tôi giá nhà hợp lý thì tốt hơn, giá này phải loại trừ các chi phí bất hợp lý, chi phí ngầm".
Phân khúc cao cấp đang dư thừa
Trước đây khủng hoảng thị trường trầm trọng ở phân khúc bất động sản cao cấp, hiện hàng tồn kho cũng ở phân khúc này. Nhưng vẫn có nhiều nhà kinh doanh bất động sản đầu tư vào và liên tục tung sản phẩm ra thị trường.
Theo ông Trần Ngọc Quang, Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam, một trong những lo ngại chung của thị trường hiện nay là các chủ đầu tư đang quá tập trung vào phát triển hàng hóa cao cấp, trong khi đó, khoảng 70% nhu cầu thị trường đang tập trung vào phân khúc nhà ở có giá trung bình trở xuống.
Đây là một thực tế của thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay. Nhưng chúng ta chưa thể khẳng định được phân khúc cao cấp hiện nay là khủng hoảng thừa bởi các hàng hóa của phân khúc này vẫn được nhà đầu tư quan tâm và tính thanh khoản vẫn tốt. Điều này có thể lý giải được bởi các lý do:
Thứ nhất, lợi nhuận đầu tư vào phân khúc cao cấp sẽ đạt được kỳ vọng của chủ đầu tư.
Thứ hai, bản thân các chủ đầu tư đưa ra các sản phẩm cao cấp nhưng quy mô, cơ cấu của các sản phẩm và tổng giá trị của các bất động sản cao cấp đã được tính toán hợp lý với nhu cầu của người mua.
Thứ ba, thủ tục để đầu tư vào dự án bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn, thời gian chuẩn bị lâu... Vì vậy, khi các chủ đầu tư đã có được dự án, họ sẽ hướng tới việc đầu tư vào các sản phẩm phân khúc nào phù hợp với họ mà vẫn có tính thanh khoản cao.
"Vì những lý do đó mà các chủ đầu tư đang tập trung mạnh vào phân khúc bất động sản cao cấp", ông Quang cho biết.
Còn theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Nghiên cứu CBRE, việc giá đất ngày càng tăng cao sẽ khiến các nhà đầu tư bất động sản khó khăn trong việc chọn lựa phân khúc nào để phát triển sản phẩm. Trong rất nhiều trường hợp, các chủ đầu tư bắt buộc phải chào bán sản phẩm với giá cao để đảm bảo đạt lợi nhuận kỳ vọng do chi phí đầu vào (chi phí đất, chi phí mềm, giá thành xây dựng) cao.
Việc tỷ lệ hấp thụ trên phân khúc cao cấp cao trong năm 2015 (do người mua thấy triển vọng tỷ suất lợi nhuận cao từ việc thuê nhà) cũng khuyến khích các chủ đầu tư vào phân khúc này.
"Tuy nhiên, chúng tôi tin sau một thời gian thị trường và các chủ đầu tư sẽ tự điều chỉnh để trở về mức cân bằng hợp lý cho thị trường", bà Dung nhận định.