Các chỉ tiêu về An sinh xã hội tỉnh Lâm Đồng xây dựng trong Nghị quyết 2020-2025, cụ thể là: Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 85,0 – 86,5%; trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp bằng cấp, chứng chỉ chiếm 23,5%. Tỷ lệ thất nghiệp dưới 1,2%; Trong đó khu vực thành thị dưới 2%. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1,0 – 1,5%; trong đó hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm 2,0 -3,0%.
Về mục tiêu nay, năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo của Lâm đồng là 70%. Trong khi đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 53,1% ; tỷ lệ lao động có bằng chứng chỉ đạt 20%. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi chung của tỉnh năm 2020 là 0,89%. Công tác giải quyết việc làm trong điều kiện dịch bệnh Covid – 19 cũng có nhiều cố gắng. Năm 2020 đã giải quyết việc làm cho 21.000 người; giảm 28% so với cùng kỳ. Hiện nay kế hoạch chung của tỉnh, hàng năm giải quyết việc làm cho 28 – 30.000 lao động.
Việc triển khai thực hiện Bộ Luật lao động được ngành LĐ-TB&XH triển khai hướng dẫn cho các doanh nghiệp thực hiện đạt kết quả; quyền lợi của người lao động và người sử dụng lao động cơ bản được đảm bảo. Các chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế được triển khai thực hiện có hiệu quả. Lâm Đồng đã ban hành mức hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng mô hình an toàn vệ sinh lao động cho hơn 50 doanh nghiệp thuộc dự án tăng cường an toàn vệ sinh lao động của chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp- việc làm và an toàn lao động năm 2020. Các chỉ tiêu về việc thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công; Luật Bình đẳng giới, Luật phòng chống ma túy, mại dâm... được ngành LĐ-TB&XH Lâm Đồng triển khai và tích cực thực hiện.. Hoàn thành 100% việc hỗ trợ nhà ở cho đối tượng người có công theo đề án hỗ trợ nhà ở cho đối tượng người có công. Tổng cộng đã hỗ trợ xây dựng 703 căn nhà cho người có công khó khăn về nhà ở.
Thực hiện gói hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Ccovid-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính Phủ, đến ngày 9/8/2021 tỉnh Lâm Đồng đã hộ trợ: 1.831 người có công; 29.955 đối tượng Bảo trợ xã hội; 13.459 Hộ nghèo, hộ cận nghèo; lao động tự do: 5592 người; người bán vé số lưu động: 357 người ...mỗi người 1.500.000 đồng..
Hộ nghèo ở Lâm Đồng cuối năm 2020 giảm còn 4.488 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,32%; hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số còn 2.793 hộ, chiếm tỷ lệ 3,58%. Các chính sách hỗ trợ giảm nghèo đa chiều như: Giáo dục, y tế, Chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo vay vốn, chính sách trợ giúp pháp lý.. .được triển khai thực hiện có hiệu quả. Thực hiện Quyết định số 33/2015/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ toàn tỉnh Lâm Đồng đã hoàn thành 1.786 căn nhà ở cho hộ nghèo. Trong đó xây mới 1.463 căn, sửa chữa 323 căn. 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện theo quy định của Nhà nước được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Được cấp thẻ bảo hiểm y tế 100% trẻ em được khai sinh, trẻ em dưới 6 tuổi được khám chữa bệnh; 97% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chính quyền và các ban ngành đoàn thể trợ giúp. 80,3 % xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em. Ban điều hành bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp, có kế hoạch, quy trình hoạt động thống nhất, duy trì hộp thư, số điện thoại, tiếp nhận thông tin có liên quan đến bạo lực, xâm hại trẻ em để kịp thời triển khai các biện pháp xử lý phù hợp hiệu quả.
Có thể nói, việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội có ý nghĩa rất lớn trong việc triển khai thực hiện Nghị Quyết Đại hội đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025. Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, để thực hiện tốt các chỉ tiêu, chính sách an sinh xã hội, ngành LĐ-TB&XH cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Sở, Ban, Ngành, các địa phương đơn vị ,tham mưu Tỉnh ủy, UBND, HĐND cụ thể hóa các chính sách an sinh xã hội do Chính phủ ban hành, phải huy động lực lượng toàn xã hội để thực hiện các chính sách giảm nghèo nhanh và bền vững, nhất là huy động các nguồn lực cho Huyện nghèo Đam Rông, các xã nghèo, thôn nghèo . . .gắn với chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, tạo cơ hội cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững không để tái nghèo. Thực hiện tốt các chính sách bảo trợ xã hội, Ưu đãi Người có công với nước; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Bộ luật lao động trong các doanh nghiệp; đảm bảo quyền lợi giữa người lao động và người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp. Thực hiện tốt các chế độ chính sách về bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. . . Có các biện pháp chế tài khi các doanh nghiệp nợ Bảo hiểm xã hội, không đóng bảo hiểm cho người lao động.
Cấp ủy, Chính quyền, Mặt trận và Đoàn thể các cấp xem việc giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội là việc làm thường xuyên liên tục, vừa là đạo lý vừa là trách nhiệm, góp phần thực hiện mục tiêu Nghi quyết Đại hội XI của tỉnh Đảng bộ Lâm Đồng đã đề ra đến năm 2025 là tỉnh phát triển khá của cả nước.