Đầu năm 2011, toàn tỉnh Lâm Đồng có 34.578 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 12,60%, trong đó hộ nghèo là đồng bào DTTS 18.844 hộ, chiếm tỉ lệ 32,65%. Đến cuối năm 2015, toàn tỉnh còn 5.236 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 1,74%; trong đó hộ nghèo đồng bào DTTS còn 2.531 hộ, tỉ lệ 4,0%. Bình quân mỗi năm toàn tỉnh giảm 5.868 hộ nghèo, tương đương với tỉ lệ giảm 2,17%/năm, trong đó đồng bào DTTS mỗi năm bình quân giảm 3.263 hộ (giảm 5,73%/năm).
Giai đoạn 2016-2018, theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, đầu năm 2016 toàn tỉnh có 20.094 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 6,67%, trong đó hộ nghèo là đồng bào DTTS 12.487 hộ, chiếm tỉ lệ 19,11%. Đến cuối năm 2018, toàn tỉnh còn 9.046 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 2,85%; trong đó hộ nghèo đồng bào DTTS còn 6.008 hộ, tỉ lệ 8,50%. Bình quân mỗi năm toàn tỉnh giảm khoảng 3.000 hộ nghèo, tương đương với tỉ lệ giảm 1,27 %/năm, trong đó đồng bào dân tộc mỗi năm giảm khoảng 2.000 hộ (giảm 3,54%/năm).
Năm 2014, Lâm Đồng có 36 xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu theo Quyết định số 2405/QĐ-TTg ngày 10/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ, đến cuối năm 2018 còn 11 xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu theo Quyết định 582/QĐ-TTg ngày 28/04/2017, như vậy trong 05 năm đã có 25 xã thoát khỏi tình trạng xã đặc biệt khó khăn.
Cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn cũng được đầu tư và phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương, trao đổi hàng hóa. 100% đồng bào DTTS nghèo và đồng bào DTTS sinh sống tại địa bàn các xã khó khăn, đặc biệt khó khăn được mua bảo hiểm y tế. 100% trẻ em học mẫu giáo, học sinh phổ thông con hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS được miễn giảm học phí và chi phí học tập. 100% số thôn dùng điện lưới quốc gia; 98,71% tỷ lệ người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh trong vùng đồng bào DTTS. Chính sách vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ DTTS đặc biệt khó khăn được triển khai kịp thời, giúp bà con có nguồn vốn để đầu tư, phát triển sản xuất, cải thiện kinh tế gia đình. Hầu hết các xã có trạm y tế, trường học, bưu điện văn hóa được xây dựng kiên cố…
Để sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn giảm nghèo, các xã ở huyện Đơn Dương chọn đầu tư vào sản xuất. Ảnh: N.Ngà
Trong những năm qua, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, Nghị định, Quyết định, theo đó tỉnh Lâm Đồng cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, phù hợp với tình hình thực tế và đặc điểm của địa phương.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền tại các địa phương luôn được quan tâm chú trọng, người dân đồng thuận và tích cực tham gia vào chương trình giảm nghèo. Đặc biệt là sự quyết tâm chính trị và các giải pháp đồng bộ trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh, của huyện là tập trung vào các xã, thôn nghèo nhất của địa phương.
Theo lãnh đạo Sở LĐTBXH tỉnh Lâm Đồng, để đạt được những kết quả giảm nghèo nêu trên, bên cạnh sự quan tâm đầu tư của Chính phủ - chính sách của Nhà nước đã giúp đồng bào ổn định nơi ở, phát triển sản xuất, mang các dịch vụ văn hóa, y tế, giáo dục, giao thông… đến với người nghèo. Tỉnh và các địa phương cũng tiếp tục ưu tiên đầu tư từ nhiều chương trình, dự án như: khuyến nông, khuyến công, dạy nghề, xuất khẩu lao động, trợ cấp xã hội… triển khai đồng đồng bộ và đã tác động trực tiếp đến tăng thu nhập, nâng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội đối với người nghèo, đồng bào DTTS, ngày càng nâng chất lượng cuộc sống của nhân dân trên nhiều mặt.
Nhiều địa phương đã có cách làm hay, linh hoạt trong chính sách hỗ trợ, xây dựng được các mô hình phù hợp với điều kiện thực tiễn, tăng tính chủ động cho hộ nghèo phù hợp với khả năng về đất đai, lao động của từng hộ được hỗ trợ. Chính quyền, đoàn thể các xã, thôn quan tâm đến người nghèo, thực hiện kịp thời, công khai các chính sách hỗ trợ. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã tích cực triển khai chương trình giảm nghèo đến đoàn viên, hội viên của mình, tạo ra phong trào rộng khắp hỗ trợ, giúp nhau trong sản xuất, xây dựng nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả, giúp hộ nghèo vươn lên. Việc tham gia quá trình rà soát hộ nghèo, giám sát ngay từ cơ sở đã bảo đảm các chính sách đến kịp thời với người nghèo.
Huân Trần/TC GĐ&TE