Theo đề án, UBND tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu năm 2022 hỗ trợ cho khoảng 60 thanh niên vay vốn để sản xuất, kinh doanh, trong đó ít nhất 5 dự án khởi nghiệp.
Trong giai đoạn 2023 - 2025, mỗi năm, tỉnh Lâm Đồng hỗ trợ cho 300 thanh niên vay vốn để sản xuất, kinh doanh, trong đó ít nhất 20 dự án khởi nghiệp. Còn trong giai đoạn 2026 - 2030, mỗi năm, địa phương này hỗ trợ cho 500 thanh niên vay vốn để sản xuất, kinh doanh, trong đó ít nhất 50 dự án khởi nghiệp.
Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức cho vay tối đa là 2 tỷ đồng/dự án. Đối với cá nhân thanh niên (người lao động), mức vay tối đa là 200 triệu đồng.
Mức vay cụ thể do Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét căn cứ vào nguồn vốn, chu kỳ sản xuất, dinh doanh, khả năng trả nợ vay của đối tượng vay vốn để thỏa thuận với đối tượng vay vốn.
Đối tượng cho vay là thanh niên Lâm Đồng đang sinh sống, học tập, lao động trong tỉnh có nhu cầu khởi nghiệp, có ý tưởng dự án khởi nghiệp sáng tạo; ưu tiên những dự án đạt giải trong các cuộc thi sáng tạo khởi nghiệp (cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên), những dự án có sản phẩm mới, phương thức sản xuất kinh doanh mới, mô hình kinh doanh mới…
Riêng các dự án phục vụ cộng đồng, tỉnh Lâm Đồng ưu tiên người lao động là người dân tộc thiểu số, người khuyết tật. Bên cạnh đó, các tổ chức do thanh niên thành lập và làm chủ (doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh…) có nhu cầu vay vốn để thực hiện ý tưởng lập nghiệp, sản xuất kinh doanh cũng được cho vay.
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, đề án sẽ có tác động trực tiếp đến đông đảo thanh niên có khát vọng khởi nghiệp là cơ sở để tạo việc làm cho thanh niên, góp phần giải quyết việc làm cho thanh niên tại địa phương; đặc biệt, là thanh niên nông thôn, thanh niên dân tộc thiểu số.
Nhiều cơ sở sản xuất nhỏ hoạt động hiệu quả sẽ được tạo ra, làm động lực cho các thanh niên làm giàu ngay tại chính mảnh đất quê hương, từ đó tạo ra nhiều việc làm, tăng năng suất lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, đề án sẽ phát huy vai trò xây dựng tìm kiếm các ý tưởng khởi nghiệp, lập nghiệp mới sáng tạo, đổi mới phương thức kinh doanh - sản xuất của thanh niên; hỗ trợ thanh niên làm kinh tế, nâng cao vị thế của thanh niên trong việc góp phần xây dựng tỉnh Lâm Đồng giàu mạnh.
Để đề án thực sự đạt được hiệu quả cao, UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố thường xuyên tổ chức gặp gỡ, đối thoại với thanh niên; hỗ trợ, tạo điều kiện xây dựng các cộng đồng thanh niên khởi nghiệp trong các lĩnh vực được xem là thế mạnh của địa phương để giao lưu, trao đổi, học hỏi và hỗ trợ nhau hoàn thiện các ý tưởng, các sản phẩm khởi nghiệp.