Theo Sở Lao động –TBXH tỉnh Lâm Đồng, trong giai đoạn 2016-2019, tổng kinh phí thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo được phân bổ cho tỉnh là 441.005 triệu đồng, trong đó ngân sách trung ương là 403.080 triệu đồng; ngân sách địa phương 37.925 triệu đồng.
Thực hiện Chương trình 30a tại huyện Đam Rông, trong giai đoạn 2016-2019, đã đầu tư cơ sở hạ tầng bằng nguồn vốn đầu tư phát triển Chương trình 30a là 123.647 triệu đồng; duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp các công trình đường giao thông với tổng kinh phí thực hiện từ nguồn vốn sự nghiệp là 7.664 triệu đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong các hoạt động sản xuất và sinh hoạt. Qua 04 năm, trồng rừng 30a được 127,84 ha.
Ngoài nguồn vốn của ngân sách trung ương, Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Bộ Tư lệnh Quân khu 7, đơn vị nhận giúp đỡ huyện Đam Rông đã hỗ trợ xây dựng 18 hạng mục công trình trường học và nhà văn hóa thiếu nhi. Các công trình cơ sở hạ tầng được xây dựng đã phát huy hiệu quả đầu tư, góp phần cải thiện đời sống nhân dân trong vùng hưởng lợi, tạo thuận tiện cho việc đi lại giao lưu hàng hóa. Công trình trường học, nhà văn hóa góp phần đáng kể vào đời sống tinh thần cho người dân, đồng thời tạo điều kiện cho người dân có điều kiện tiếp cận những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Chương trình hỗ trợ sản xuất với tổng nguồn vốn hỗ trợ 42.940 triệu đồng, đã giải ngân được 42.830 triệu đồng, đạt 99,74% kế hoạch. Trên cơ sở nhu cầu cần hỗ trợ của người dân, Ban chỉ đạo 30a huyện Đam Rông đã căn cứ nguồn vốn và các tiêu chí hộ nghèo, số hộ nghèo của từng xã để phân bổ kinh phí cho các địa phương lập phương án hỗ trợ sản xuất, trong đó ưu tiên chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ vật tư, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Nhìn chung, các chương trình hỗ trợ đều được triển khai đến người dân; người dân được tiếp cận với giống, cây trồng vật nuôi mới, được tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi đem lại năng suất cao, chất lượng tốt.
Thực hiện chính sách giảm nghèo chung, toàn tỉnh đã cấp 889.807 thẻ bảo hiểm y tế, trong đó hộ nghèo, người đang sinh sống ở vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, người đồng bào dân tộc thiểu số 736.067 thẻ, hộ cận nghèo 103.505 thẻ, hộ gia đình làm nông, lâm ngư nghiệp có mức sống trung bình 50.235 thẻ. Từ năm 2016-2019, thực hiện Đề án 654/UBND-XD ngày 05/02/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng về việc hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, toàn tỉnh đã hoàn thành 1.362 căn nhà ở cho hộ nghèo. Chương trình tín dụng chính sách đã cho 13.510 lượt hộ nghèo vay vốn với số tiền 498.622 triệu đồng…
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã tích cực triển khai chương trình giảm nghèo đến đoàn viên, hội viên của mình, tạo ra phong trào hỗ trợ, giúp nhau trong sản xuất, xây dựng nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả, giúp hộ nghèo vươn lên.
Giai đoạn 2016-2019, cả tỉnh giảm được 13.769 hộ nghèo, bình quân mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm 1,20%. Trong năm 2019, cả tỉnh có 3.228 hộ thoát nghèo, đồng thời có 476 hộ phát sinh nghèo và 28 hộ tái nghèo; nghĩa là khoảng 06 hộ thoát nghèo thì 01 hộ tái nghèo, phát sinh nghèo. Các địa phương có tỷ lệ giảm nghèo cao trong 4 năm qua là huyện Cát Tiên, Lạc Dương, Đam Rông, Di Linh và Đạ Tẻh.
Cuối năm 2016, toàn tỉnh có 11 xã đặc biệt khó khăn, an toàn khu và 110 thôn đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 theo Quyết định số 900/QĐ-TTg ngày 20/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 414/QĐ-UBDT ngày 14/7/2017 của Ủy ban Dân tộc thì đến cuối năm 2019, tỉnh Lâm Đồng còn 6 xã đặc biệt khăn, an toàn khu theo Quyết định 1747/QĐ-TTg ngày 04/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ và 51 thôn đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 958/QĐ-UBDT ngày 13/12/2019 của Ủy ban Dân tộc. Như vậy, trong 03 năm toàn tỉnh có 5 xã, 59 thôn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của các Bộ, ngành Trung ương và của tỉnh (giai đoạn 2016-2018) chưa kịp thời, gây lúng túng cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện, như việc hướng dẫn nội dung thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo... Nguồn vốn ngân sách đầu tư cho chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo còn hạn chế trong đầu tư cơ sở hạ tầng, duy tu bảo dưỡng công trình, hỗ trợ phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Việc huy động nguồn lực xã hội còn gặp nhiều khó khăn, nhất là huy động nguồn vốn từ các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp.
Một buổi tuyên truyền, đối thoại với người dân về chính sách giảm nghèo
Các chính sách hỗ trợ giảm nghèo còn mang tính chia đều, cho không là chính, chưa khuyến khích người nghèo đối ứng, chưa hỗ trợ theo các nguyên nhân nghèo và khả năng từng hộ (tiền điện, chia đều vật tư hỗ trợ sản xuất…). Việc lấy ý kiến người dân trong triển khai các dự án hỗ trợ sản xuất chưa được coi trọng dẫn đến hiệu quả hỗ trợ chưa cao. Tình trạng di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc đến địa bàn sinh sống, phá rừng làm rẫy trái phép trong rừng sâu, tạo áp lực lớn trong công tác giảm nghèo gây ảnh hưởng đến an ninh,chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Giai đoạn 2016-2018, chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định 33/2015/QĐ-TTg của Chính phủ triển khai chậm, nguyên nhân ngoài nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội (25 triệu đồng/căn), vốn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh (5 triệu đồng/căn), nguồn vốn huy động từ cộng đồng, doanh nghiệp còn hạn chế; các địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn thì số hộ nghèo có nhu cầu cần hỗ trợ nhà ở càng cao.
Để thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm từ 1-1,5%, tỉnh Lâm Đồng đề nghị các Bộ, ngành có liên quan cần tiếp tục nghiên cứu, tham mưu để có những chính sách ưu đãi phù hợp nhằm thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số và thực hiện tốt phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Chính sách, chương trình hỗ trợ giảm nghèo bền vững nói chung và hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng cần mang tính hệ thống, toàn diện, đảm bảo nguồn lực để thực hiện và được đánh giá theo kết quả đầu ra nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản; nâng cao trình độ năng lực cho cán bộ cơ sở và cộng đồng; hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập gắn với chuỗi giá trị nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Ngoài ra, cần có chính sách đặc thù, đồng bộ đối với nhóm đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng hỗ trợ theo nhóm cộng đồng, có thu hồi, luân chuyển do cộng đồng tự quản lý và tổ chức thực hiện phù hợp với phong tục, tập quán, điều kiện kinh tế xã hội của từng địa phương nhằm phát huy nội lực của mỗi người dân, hộ gia đình đồng thời hạn chế tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước. Các địa phương cần có giải pháp huy động mọi nguồn lực tập trung phát triển toàn diện kinh tế - xã hội đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là các xã, thôn có điều kiện kinh tế khó khăn; quan tâm bổ sung kinh phí cho một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách thuộc lĩnh vực giảm nghèo nhằm tập trung giải quyết thiếu hụt các chỉ số về nhà ở, y tế, giáo dục, nước sinh hoạt…; cân đối đảm bảo nguồn lực trong đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất nhằm phát huy có hiệu quả các chương trình, chính sách đầu tư cho công tác giảm nghèo. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo và an sinh xã hội cũng như các chính sách có liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt giám sát việc đầu tư ngân sách để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo tại các địa phương.
Thái Hà/GĐ&TE