Bổ sung nhiều vitamin - trẻ sẽ không nhiễm Covid?
Khi số ca Covid-19 ở Hà Nội tăng nhanh, chị Hải (Hà Nội) đã chi mấy triệu đồng mua thuốc bổ và các loại vitamin về cho con uống với mục đích phòng bệnh. Ngày nào, hai cậu con trai (14 và 10 tuổi) cũng được chị cho uống vitamin C, vitamin A, kẽm cùng nhiều loại thuốc bổ khác nữa để tăng đề kháng. Một thời gian sau, cậu con trai 10 tuổi thỉnh thoảng lại kêu đau bụng, buồn nôn. Ði khám, bác sĩ nói cháu có dấu hiệu bị viêm loét đường tiêu hóa. Khi xem các loại thuốc chị Hải mang theo, bác sĩ ngạc nhiên vì chị đã cho con uống quá nhiều vitamin C trong thời gian dài, ngoài viên sủi chứa vitamin C thì một số loại thuốc bổ chị cho con uống kết hợp cũng có thành phần là C.
Anh Hải Anh ở Vĩnh Phúc cho biết, khi con trai test có kết quả dương tính với Covid-19, vợ anh đã mua thuốc theo đơn do bạn mách bảo để cho con uống. Ngoài ra, chị còn bổ sung cho con nhiều loại vitamin, thuốc bổ theo quảng cáo trên Facebook. Mấy hôm đầu, bé Sóc sốt nhưng vẫn ăn uống được. Tuy nhiên, khi dứt sốt bé lại chán ăn và buồn nôn. Kiểm tra các loại thuốc vợ đang cho con uống thì anh Hải Anh mới tá hỏa vì có đến mấy loại thành phần có chứa vitamin C, vitamin D. Hóa ra, cứ loại vitamin nào trên bao bì ghi có tác dụng tăng sức đề kháng là vợ anh mua về bổ sung cho con.
Nhiều phụ huynh cho rằng, bổ sung càng nhiều vitamin thì con sẽ càng khỏe mạnh và phát triển tốt hơn, có khả năng chống chọi với Covid-19. Thế nhưng họ không biết, thuốc là con dao hai lưỡi. Nếu biết uống đúng cách, đúng chỉ định, đúng liều lượng thì có hiệu quả, ngược lại nếu tùy ý sử dụng không đúng cách hay sử dụng không đúng liều, không đúng chỉ định sẽ dẫn đến những nguy hại. Với các loại vitamin, thuốc bổ cũng vậy, chúng ta chỉ nên bổ sung một lượng vừa đủ theo nhu cầu của cơ thể, nếu lạm dụng quá liều chúng sẽ gây hại cho người sử dụng, đặc biệt là với trẻ nhỏ.
Nguy hiểm khi lạm dụng vitamin
Vitamin rất cần cho các hoạt động chức năng và quá trình phát triển bình thường của cơ thể. Thiếu vitamin, cơ thể trẻ dễ mắc bệnh, nhưng dư thừa vitamin cũng vô cùng nguy hại. Do vậy, tuyệt đối không tự ý dùng các vitamin, đặc biệt các loại phối hợp, liều cao và dùng dài ngày cho trẻ.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Dương Công Minh, Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, phụ huynh cần phải hiểu rõ hai nguyên tắc: không dùng vitamin khi không bị thiếu và không được coi vitamin là “thuốc bổ” để khỏe. Ðặc biệt, tình trạng dư thừa vitamin gây hậu quả rất nặng nề.
Vitamin A có tác dụng bảo vệ mắt, chống quáng gà và các bệnh khô mắt, đảm bảo sự phát triển bình thường của xương, răng, bảo vệ niêm mạc và da, tăng cường sức đề kháng cơ thể chống lại các bệnh nhiễm khuẩn... Tuy nhiên, nếu sử dụng lượng lớn mỗi ngày gây dư thừa, vitamin A sẽ gây nên các triệu chứng ngộ độc mạn tính như đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn, ban đỏ, da khô và bong vảy, viêm niêm mạc miệng hoặc đau các xương. Ở trẻ nhỏ, dư thừa vitamin A có thể làm tăng áp lực sọ não, thóp phồng, đau đầu, co giật.
Vitamin C giúp tăng cường hệ miễn dịch, chống nhiễm khuẩn. Các vết thương sẽ mau lành nếu các mô được bão hòa lượng vitamin C. Việc bổ sung vitamin C bằng thuốc cũng chỉ nên sử dụng trong thời gian 7-10 ngày, không nên sử dụng kéo dài. Nếu dùng liều quá cao có thể gây tiêu chảy, loét đường tiêu hóa, sỏi thận khi dùng dài ngày.
Vitamin D có tác dụng giúp cơ thể hấp thu tốt canxi và phôt-pho để hình thành và duy trì xương, răng vững chắc. Tuy nhiên, khi lạm dụng vitamin D liều cao kéo dài sẽ gây ra ngộ độc, làm tăng hàm lượng canxi trong máu, trong nước tiểu; chán ăn, buồn nôn, nôn, khát nước, yếu cơ, mất phương hướng, mệt mỏi; suy thận đọng canxi ở thận… Thậm chí, nếu không can thiệp có thể dẫn tới tử vong.
Kẽm cần thiết cho quá trình tăng trưởng và phát triển của trẻ; cần thiết cho chức năng miễn dịch, chữa lành vết thương, đông máu, thị giác, chức năng tuyến giáp… Mặc dù kẽm có rất nhiều lợi ích đối với cơ thể, nhưng điều đó không có nghĩa là càng bổ sung nhiều kẽm càng tốt. Khi bổ sung kẽm vượt quá ngưỡng dung nạp trong thời gian dài có thể gây ra tình trạng ngộ độc kẽm: ho, ớn lạnh, sốt, buồn nôn, nôn, khó thở, giảm hấp thu đồng thời gây thiếu máu nội bào, rối loạn tiêu hóa, rối loạn phản ứng miễn dịch…
Các bác sĩ cảnh báo, hiện có rất nhiều sản phẩm bổ sung vitamin trên thị trường chứa liều lượng lớn có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng ở trẻ em, ngay cả khi chúng được dung nạp tốt ở người lớn.
Nếu cha mẹ muốn dùng sản phẩm bổ sung vitamin cho con thì cần tham khảo ý kiến bác sĩ, đảm bảo liều lượng ở mức cho phép được khuyến nghị dựa trên độ tuổi của trẻ.
Các chuyên gia nhi khoa nhấn mạnh chế độ dinh dưỡng và hệ miễn dịch của trẻ có mối quan hệ mật thiết với nhau. Để bảo vệ trẻ trong mùa dịch Covid-19, các bậc phụ huynh cần cho trẻ ăn uống lành mạnh, đa dạng các nhóm thực phẩm và đầy đủ theo nhu cầu khuyến nghị.
Phòng ngừa là cách tốt nhất để giữ an toàn cho trẻ
Cách tốt nhất để giữ an toàn cho trẻ trước dịch bệnh là phòng ngừa. Khuyến khích trẻ thực hiện các biện pháp tránh lây nhiễm như rửa tay bằng xà phòng, giữ khoảng cách, đeo khẩu trang khi ra ngoài, không tụ tập nơi đông người.
Trẻ nên có chế độ ăn uống và vận động hợp lý để phòng và giảm béo phì cùng các bệnh tâm lý, tật cận thị do sử dụng nhiều thiết bị điện tử trong thời gian học online và không tham gia các hoạt động ngoài trời.
Trong trường hợp trẻ có dấu hiệu mắc bệnh, cha mẹ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để khám và điều trị. Tuyệt đối không sử dụng các đơn thuốc dự phòng và điều trị Covid-19 trên các trang mạng xã hội hay do bạn bè mách bảo mà chưa được kiểm chứng để áp dụng cho trẻ.