Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Thời sự

Làm gì để chặn quan chức vơ vét trước khi "hạ cánh"?

Sáng 17/11,đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến đã chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ về giải pháp, nhằm "chặn đứng việc quan chức chạy đua nước rút để thực hiện những "chuyến tàu vét cuối" trước khi hạ cánh".

 

Ông Lê Như Tiến (Quảng Trị), Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, bày tỏ sự lo ngại về tình trạng quan chức vét những "chuyến tàu cuối cùng" trước khi hạ cánh - Ảnh chụp qua màn hình

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp tại Quốc hội (QH) sáng 17/11, chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh về phòng chống tham nhũng, đại biểu (ĐB) Lê Như Tiến (Quảng Trị), Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của QH  cho biết, trong nhiệm kỳ này, nhiều đại biểu QH đã cảnh báo về hiện tượng một số quan chức nhà nước thường tăng tốc tham nhũng cả về tần suất và cường độ vào thời điểm "hoàng hôn nhiệm kỳ".

Theo ĐB Tiến, bây giờ là thời điểm rất nhạy cảm, bởi ở giai đoạn cuối nhiệm kỳ của các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương.

“Xin Tổng Thanh tra cho biết trách nhiệm cá nhân và giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt của Tổng Thanh tra để chặn đứng việc quan chức chạy đua nước rút để thực hiện những chuyến tàu vét cuối cùng trước khi hạ cánh, với các hành vi vi phạm biến tài sản nhà nước thành tài sản nhà mình; bất động sản của công thành của tư; việc đề bạt bổ nhiệm không bình thường vào lúc xế chiều của công chức thân hữu vào bộ máy công quyền vì mục đích vụ lợi mà dư luận đã lên án thời gian vừa qua?” - ĐB Tiến chất vấn người đứng đầu ngành thanh tra cả nước.

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh - Ảnh chụp qua màn hình

Trả lời câu hỏi của ĐB Lê Như Tiến, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, rất chia sẻ với câu hỏi của đại biểu và cho rằng, đây là câu hỏi hoàn toàn chính đáng, bởi đặc biệt trong thời gian vừa qua, thực tiễn cũng có xảy ra một số vi phạm.

Ông Huỳnh Phong Tranh cho biết, trong báo cáo của Chính phủ năm 2015 và những nhiệm vụ chủ yếu của năm 2016, có yêu cầu các cấp, ngành thực hiện các giải pháp đồng bộ, các chủ trương, giải pháp phòng, chống tham nhũng. “Trong năm 2016, chúng tôi sẽ lưu ý vấn đề đại biểu nêu trong triển khai nhiệm vụ năm” - ông Tranh nhắc lại 2 lần cụm từ “lưu ý”.

Ngoài ra, trong chỉ đạo thường xuyên phòng chống tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ có nêu trách nhiệm người đứng đầu trong kiểm soát, giám sát, ngăn ngừa tham nhũng. “Nếu đối tượng vi phạm là người đứng đầu thì cần phải phát huy vai trò của tổ chức Đảng, các tổ chức đoàn thể, vai trò của viên chức, công chức. Các tổ chức này phải giám sát thường xuyên việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa; thứ hai là phải tố giác hành vi tham nhũng (nếu có) đến các cơ quan có thẩm quyền”- ông Tranh cho biết.

Thanh tra Chính phủ cũng sẽ tăng cường phát hiện thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, trong đó có dấu hiệu tham nhũng, qua dư luận, báo chí và thư tố giác, tố cáo. “Khi có dấu hiệu, ngành sẽ thanh tra đột xuất việc có dấu hiệu vi phạm, trong đó có dấu hiệu vi phạm về tham nhũng ”- ông Tranh nói.

“Với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước theo dõi, thực hiện các giải pháp phòng ngừa; chức năng thanh tra, phát hiện tiêu cực và tham nhũng, cá nhân tôi và ngành Thanh tra hứa sẽ quan tâm tới câu hỏi này của ĐB Lê Như Tiến” - ông Tranh cho biết.