Muôn vạn kiểu bán
Nếu như trước đây, các mặt hàng chào bán trên mạng xã hội chỉ dừng lại ở quần áo, mỹ phẩm, giày dép thì hiện tại đã có thêm thực phẩm, phụ tùng xe máy… và tất tần tật những gì có thể trao đổi, mua bán được.
Không phủ nhận một điều rằng mua hàng online nhanh, gọn, không mất thời gian, không mất công di chuyển mà giá cả đôi khi còn rẻ hơn nhiều so với bên ngoài. Tuy nhiên, không phải cái nào cũng rẻ, cũng tốt mà nhiều khi đó là hàng kém chất lượng, hàng nhái, hàng giả... được đưa đến người tiêu dùng bằng chiêu thức trá hình.
Chị N.P.V (Bình Đại, Bến Tre) chia sẻ, chị mua hàng của một người quen biết qua mạng. Thấy em ấy đăng bán áo thun trên facebook, chị nhắn tin hỏi mua thì được cam kết hàng thật y hình, bao đổi, bao thử. Chị liền đặt một cái, đến ngày nhận hàng chị mới tá hỏa: hàng thật chẳng những khác kiểu, khác màu mà còn khác luôn cả…giá. Gọi lại cho người bán, chị nhận được lời giải thích là do xưởng hết vải màu chị đặt và chi phí vận chuyển tăng nên giá tăng. Biết là bị lừa nhưng chị V. chỉ còn biết "ngậm bồ hòn làm ngọt".
Giao hàng kém chất lượng đã đành, một hình thức lừa gạt mới nữa chính là lấy lòng tin của khách ở lần mua hàng đầu để tạo uy tín, rồi những lần sau để khách phải ngậm đắng nuốt cay vì “hàng giả, tiền thật”. Chị Phạm Thị D.T. (ở Tân Bình) kể: “Tôi mua hàng ở shop chăn, drap, gối nệm X. được hai lần. Lần đầu giao hàng chất lượng rất ổn, tôi sử dụng gần năm trời không hư không rách. Thế là tôi mua tiếp một bộ drap gối nữa. Lần này thì khác, chỉ đúng mỗi hoa văn, chất liệu không như lần trước mặc dù bằng giá tiền, tôi vừa trải ra nằm đúng hai tuần đã rách nát. Tôi nhắn tin cho shop thì nhận được thái độ thờ ơ lạnh nhạt và bảo do tôi không biết cách sử dụng".
... và sản phẩm thực tế sau khi được giao hàng.
Chẳng những thế, lợi dụng sự gấp gáp, khao khát hàng hóa của khách hàng, các shop online còn có chiêu thức yêu cầu khách hàng chuyển tiền trước vì lý do tiền vốn cao, phí vận chuyển tăng rồi sau đó thì hàng không có mà tiền thì mất. Anh Lê Thanh H. (quận 8) cho biết, vì ngại ra trung tâm bảo hành nên anh đặt hàng của một shop có tiếng trên facebook cặp vỏ xe máy. Thế nhưng sau khi đã chuyển tiền, vị chủ shop kia cứ hẹn mãi với những lý do như trễ máy bay, bận công chuyện đột xuất... Thấy vậy, anh H. đề nghị hủy đơn hàng và chuyển khoản trả lại 70% giá trị đơn hàng cho anh đã thanh toán trước đó.
Thế nhưng một ngày, một tuần rồi hơn nửa tháng anh vẫn không nhận được tiền trả lại. Biết mình có nguy cơ bị lừa, anh H nhắn tin đòi chủ shop, nhưng cuối cùng chủ shop chỉ chuyển có 20% số tiền, sau đó thì tắt máy. Anh H. phải tìm đến tận nhà nói chuyện phải trái mới nhận lại đủ số tiền 5 triệu đồng.
Cảnh giác khi mua hàng
Theo kế hoạch phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đặt mục tiêu vào năm 2020, doanh số thương mại điện tử doanh nghiệp – người tiêu dùng sẽ tăng 20%/năm, đạt 10 tỉ USD, chiếm 5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Ước tính mỗi người Việt sẽ dành khoảng 350 USD chi cho mua sắm qua mạng, gấp hai lần so với năm 2015.
Hầu hết các khách hàng khi tiến hành giao dịch đều phải cung cấp thông tin họ tên, địa chỉ, số điện thoại, email… những thông tin này sẽ bị các đối tượng xấu khai thác để lừa đảo hoặc sử dụng cho các cuộc tấn công, phát tán thông tin độc hại. Chính vì vậy, để tránh bị mất thông tin cá nhân, tránh bị lừa khi mua hàng qua mạng, cần phải tìm hiểu nguồn gốc và độ uy tín của nơi mua hàng.
Chị Nguyễn Thị Thu Dung, Hội Người tiêu dùng Việt Nam, cảnh báo: “Chỉ nên tiến hành giao dịch trên các website lớn có đăng ký với Bộ Công Thương, tìm hiểu nhà cung cấp hàng hóa uy tín, có cơ chế hiển thị thông tin nhà cung cấp như địa chỉ, số phone… trên web. Ngoài ra, cần đọc kỹ mô tả sản phẩm và so sánh giá. Một sản phẩm có thể được nhiều nhà cung cấp bán, chúng ta cần tìm sản phẩm đó trước trên google, hay vào các trang web khác nhau để tìm hiểu thông tin về sản phẩm, so sánh giá cả, chất lượng, đọc bình luận của người mua hàng trước... để có thể đánh giá trước khi quyết định chọn mua sản phẩm”.