Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Làm gì để trị những ông chồng keo kiệt?


Đàn ông keo kiệt thường coi tiền là trên hết. Ảnh: KT
 
Vài câu chuyện về sự keo kiệt
 
Phần lớn những người keo kiệt sống hướng nội. Với họ, tiền là biểu tượng, là mục tiêu cao cả, làm họ đứng ngồi không yên... 
 
Sau năm đầu chung sống, chị Phượng không thể ngờ chồng mình lại “tiết kiệm” đến mức bủn xỉn như vậy. Anh thường xuyên giám sát vợ vì sợ chị “ném tiền qua cửa sổ”. Một lần sinh nhật chị, anh nổi hứng đưa chị vào cửa hàng thời trang bảo chị chọn một bộ váy. Chị thích chiếc váy màu cổ vịt và khi mặc thử vừa như may đo nên quyết định lấy. Nhưng tới khi ra quầy thanh toán, anh bắt chị đổi cái khác vì chê đắt. Người bán hàng kinh ngạc khi thấy chị ngậm ngùi trả lại bộ trang phục đã đóng gói cẩn thận, sau khi thương lượng hồi lâu không thành công với ông chồng. Còn chuyện sau bữa ăn ở nhà hàng, vợ chồng chị luôn “ai trả tiền người nấy”, thì bạn bè chị chẳng còn ai lạ lẫm. Chị Phượng cố nhớ lại thời còn yêu anh, mỗi lần đi với chị, anh chỉ gọi những món rẻ tiền trong quán ăn, tặng những món quà hàng rong và đi xem phim vào buổi sáng cho đỡ tốn kém. Hồi đó, vì quá yêu anh, chị đã không bao giờ suy nghĩ về những hành động này của anh. Và kết quả là giờ đây chồng chị đòi giải trình từng đồng xu chị chi tiêu cho gia đình, làm chị hết sức bức bối, khổ sở.
 
Chị Lan và anh Hùng không phải suy nghĩ về vấn đề tài chính vì cả hai đều có công việc ổn định và lương cao. Nhà đẹp, con khôn, chồng có địa vị trong xã hội… ai cũng bảo chị sướng. Nhưng nỗi khổ tâm lớn nhất của chị, là anh luôn tiết kiệm một cách không giống ai. Là sếp, song anh ăn mặc như công nhân, chẳng bao giờ dám mua bộ complet mới chừng nào bộ đang mặc lót chưa thủng lỗ chỗ. Thấy vậy, chị mua cho anh, anh đành phải mặc mà vẫn mắng chị té tát là phí phạm. Còn với hai đứa con, đứa bé thừa hưởng đồ cũ của đứa lớn. Một lần sinh nhật cu em, chị mua cho nó bộ quần áo mới mà anh cũng không hài lòng, cằn nhằn suốt là chị như vậy làm sao dạy được con tính tiết kiệm, và để con mặc chung thì chúng mới biết chia sẻ với nhau. Nhiều lần chị Lan bức xúc nói anh keo kiệt. Không những chẳng tự ái, anh còn kể chị nghe về vị vua huyền thoại Osman Ali-khan, từng trị vì vùng Haidarabad (nay thuộc lãnh thổ Ấn Độ) từ 1911 đến 1967. Anh bảo, tài sản của ông ta lên đến 70 triệu Đô-la bằng vàng, cùng số châu báu có thể phủ kín quảng trường cung điện. Ấy vậy mà ông chiêu đãi các vị khách cao quý, chỉ mỗi người một tách trà và một chiếc bánh bích quy bình thường. Kể xong anh kết luận, muốn giàu có thì phải tiết kiệm như ông vua trên. So với ông ấy, anh chẳng là gì. Đến nước này, chị Lan đành bó tay.


Lấy phải chồng keo kiệt – nỗi khổ tâm của các bà vợ. Ảnh: KT
 
Định dạng keo kiệt của chồng và ứng phó của các bà vợ
 
Theo một nghiên cứu của các chuyên gia về gia đình ở Nga, người ta có thể phân loại người keo kiệt theo những dạng sau:
 
Loại tự kỷ - Tiền đồng nghĩa với trật tự: Người dạng này luôn sợ hãi những điều không lường trước được trong cuộc sống. Anh ta cố tự bảo vệ bằng cách phân bố rành rọt thu nhập, tính cẩn thận từng khoản chi tiêu và lập kế hoạch mua sắm, tiền trả các khoản… Đấy là một nhà phân tích giỏi. Người vợ đừng có mơ lay chuyển được ý chí của anh ta khi bỗng nhiên muốn mua đôi giày cao gót. Đừng cố thuyết phục, nước mắt cũng chẳng ích gì. Nét đặc trưng của loại người này là thu thập, cất giữ các hóa đơn, biên lai, có sổ ghi chép thu chi hàng ngày, cấp tiền cho bạn vào đúng ngày quy định trong tháng. Về quà tặng, anh ta thường tặng thứ mà vợ đã đề đạt, xin xỏ từ lâu.  
 
Gặp chồng loại này, bạn hãy lập danh sách những thứ mình cần, liệt kê cả những thứ vặt vãnh nhất. Sau đó đưa cho chồng xem những ước muốn của bạn. Anh chồng keo kiệt kiểu tự kỷ không phải kẻ tham tiền, mà chỉ thích dự đoán, lập kế hoạch tương lai, nên thấy bảng liệt kê chi tiết như vậy dễ đáp ứng vợ hơn.
 
Loại hoang tưởng - Tiền là sự bảo vệ: Người dạng này luôn sợ hãi tương lai. Có thể thời thơ ấu anh ta từng có những vấn đề về tâm lý, nên giờ đây cố gắng tạo dựng sự phòng vệ tin cậy bằng tiền. Thậm chí, khi trở nên giầu có, anh ta vẫn không ngừng ky cóp từng xu. Nét đặc trưng cơ bản là, anh ta ưa chuộng các loại khuyến mại và giảm giá; thích trốn vé trên các phương tiện giao thông công cộng, rất hả hê nếu thoát, nhưng lại rất ức chế khi phải nộp phạt; dễ làm to chuyện vì những chi phí theo anh ta là không cần thiết; khi mua hàng thì mặc cả dai dẳng và “rắn”; quà tặng của anh ta là những thứ rẻ tiền và chẳng dùng được.
 
    Nếu bạn cũng đi làm, có thu nhập thì hãy để quỹ riêng và đừng cho chồng biết. Đừng để ông chồng tham gia vào việc chi tiêu riêng của bạn. Khi nào chồng hỏi về những đồ mới xuất hiện, thì tuỳ cơ ứng biến. Nói dối trong trường hợp này có lợi cho cả hai.
 
Loại ham quyền lực - Tiền là quyền lực và sự tự tin: Người dạng này thường thiếu tự tin, nhưng lại thích quyền lực. Họ cho rằng tiền mua được tất cả: quyền lực, danh dự, sự kính trọng, tình yêu…Nét đặc trưng của những người này là thích đến các cửa hàng bán đồ đắt giá, quan tâm đến cuộc sống riêng tư của người giầu có, nhưng cò kè từng xu khi mua thực phẩm, áo quần. Anh ta hứa hẹn với vợ là tặng kim cương, đi du lịch… nhưng đừng hòng moi được tiền để mua một đôi tất. Anh ta tạo ra ảo tưởng cuộc sống giàu có, nhưng thực tế lại hà tiện triệt để. Anh ta tặng những món quà bề ngoài bóng bẩy, hào nhoáng, nhưng rẻ tiền và hoàn toàn vô dụng.
 
    Do đó, nếu bạn muốn có điều gì đó, hãy khoét sâu vào lòng tự ti khốn khổ của ông chồng. Bạn muốn đi nghỉ, hay tham gia câu lạc bộ thể dục nhịp điệu? Hãy thuyết phục ông chồng, rằng người giàu sang thường quan tâm đến sức khỏe theo cách ấy đấy… 
 
    Tóm lại, sống với người chồng keo kiệt không hề dễ dàng. Song các ông chồng này bao giờ cũng có khoản đề phòng cho những “ngày đen tối”, mà có thể người vợ không biết. Đến lúc có những việc lớn xảy ra, khoản tiền này thật sự có ích. Đó phải chăng là điều an ủi cho những bà vợ chẳng may lấy phải ông chồng keo kiệt.
 
 
 

Tuấn Nam/GĐTE