Khi được thông báo hoặc phát hiện ra hành vi bắt nạt của trẻ, thông thường, các bậc cha mẹ sẽ có nhiều cảm xúc lẫn lộn như giận dữ, xấu hổ, cảm thấy tệ hại, tội lỗi, thậm chí suy nghĩ tiêu cực. Có thể việc biết trẻ là kẻ bắt nạt, sẽ gợi lại ký ức trước đây bạn từng là nạn nhân của bắt nạt hoặc từng đi bắt nạt người khác.
Tuy nhiên, bạn không nên để cảm xúc cá nhân khiến bản thân hành động mất kiểm soát như trừng phạt thân thể hoặc tinh thần trẻ. Hãy tập trung vào việc hiểu hành động, động cơ và nhu cầu của trẻ, chứ không phải của cha mẹ.
Hãy tìm hiểu về động cơ trẻ bắt nạt bạn. “Liệu trẻ có đang bắt nạt bạn để trả thù?”. Trẻ đi bắt nạt trên mạng vì trẻ cũng đang bị ai đó bắt nạt trên mạng - hay thậm chí bởi một người nào đó trong gia đình? Trẻ có đang cảm thấy căng thẳng vì các mâu thuẫn trong gia đình hay vì lý do nào khác? Trẻ có cảm thấy việc bắt nạt “vui” không? Trẻ có đang bắt nạt bạn bè trực tuyến chỉ vì trẻ muốn được chơi chung với nhóm bạn nào đó? Hoặc trẻ đang thiếu sự đồng cảm?...
Cha mẹ nên bình tĩnh trò chuyện với con để hiểu rõ sự việc. Căn cứ vào độ tuổi của con trẻ cũng như nạn nhân, sự trưởng thành về suy nghĩ của con, việc bắt nạt trên mạng diễn ra như thế nào, trong bao lâu, có bao nhiêu người bị ảnh hưởng và liên quan, mức độ bắt nạt ra sao, trẻ là người khởi xướng hay a dua theo bạn bè... để đưa ra cách xử lý phù hợp nhất.
Đối với hành vi bạo lực trên mạng, cha mẹ có thể xem xét giúp trẻ gửi lời xin lỗi trực tiếp đến nạn nhân qua tin nhắn riêng tư, hoặc công khai (tuỳ theo nguyện vọng của nạn nhân).
Bạn nên cân nhắc về việc ai sẽ tham gia hỗ trợ để xử lý vấn đề này. Có thể chỉ cần một phụ huynh và trẻ (người bắt nạt), hoặc cả cha, mẹ và trẻ, hoặc thêm một số thành viên khác mà cha mẹ nghĩ là phù hợp như thầy cô giáo bộ môn, thầy cô giáo chủ nhiệm, lãnh đạo trường, cơ quan chức năng, nhà tư vấn tâm lý, bác sĩ tâm lý... Những người cùng tham gia giải quyết cần có sự kết hợp chặt chẽ, xuyên suốt để có thể gửi cho trẻ thông điệp phù hợp nhất (khi kỷ luật trẻ cũng như định hướng thay đổi hành vi).
Bạn cũng cần đưa ra yêu cầu cụ thể đối với trẻ, như từ bây giờ con không được phép bắt nạt bạn qua mạng nữa, con cần hiểu rõ những rắc rối và tổn thương mình đã gây ra, biết hối lỗi và thay đổi tích cực, đồng thời bù đắp cho nạn nhân. Tùy vào thái độ của trẻ: hối hận hay ngoan cố mà cha mẹ có hình thức kỷ luật phù hợp.
Tuyệt đối không nên bỏ qua hành vi bắt nạt bạn của con vì chỉ cần bỏ qua một lần, chính cha mẹ đang khiến việc giáo dục con trẻ thay đổi nhận thức, hành vi, có được bài học về đạo đức khó khăn hơn.
Hãy lưu ý, những tình huống diễn ra có thể quá khả năng xử lý của cha mẹ, hoặc cha mẹ có thể là người biết đến sự việc cuối cùng. Nhà trường hoặc cơ quan chức năng có khả năng là những người biết và phản ứng đầu tiên. Khi đó, việc cha mẹ có thể làm chính là cùng tham gia, phối hợp để xử lý vụ việc dù cho bạn biết đến chuyện này vào thời điểm nào đi chăng nữa.
Một số biện pháp hỗ trợ từ người lớn có thể không hiệu quả hoặc khó thực hiện. Giáo viên và người nhà của nạn nhân không thể truy cập vào các tài khoản mạng xã hội cũng như tham gia vào nhóm trò chuyện của trẻ trên ứng dụng mà nhiều học sinh tham gia. Vì khi một bên thứ ba cố gắng thâm nhập hoặc can thiệp sâu vào các ứng dụng này, sẽ có tranh cãi xảy ra về xâm phạm quyền riêng tư và thông tin cá nhân.
Các bài đăng trên mạng xã hội có thể được xoá hay chỉnh sửa một cách dễ dàng, và nhiều từ lóng được giới trẻ sử dụng trong các nhóm chat, có thể khiến người lớn, người ngoài khó hiểu nếu không có tình huống cụ thể và khó xác định được danh tính các tài khoản mạng xã hội đó.
Giải pháp chính để phòng, chống bạo lực học đường, bắt nạt trực tuyến hiện nay vẫn là giáo dục, trong đó vai trò của gia đình và nhà trường là vô cùng quan trọng.