Chuẩn bị tâm lý vững vàng để chiến đấu với Covid
Chị Nguyễn Thu Hương (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, hai vợ chồng chị cùng mắc Covid-19 từ hồi tháng 10/2021. Chị và chồng tự cách ly trong một phòng, riêng tầng, giữ gìn cho các con rất cẩn thận nên cả hai đứa trẻ đều an toàn, không bị lây nhiễm từ cha mẹ. Thế rồi ngay sau Tết, con đi học và bị lây Covid từ bạn. Lúc đầu, chị cũng hoảng hốt vì con dưới 12 tuổi chưa được tiêm phòng vaccine, nhưng chị nhanh chóng bình tĩnh trở lại. Ðã có kinh nghiệm điều trị cho chính bản thân mình từ trước nên chị cùng các con chỉ mất có 6 ngày để vượt qua Covid.
Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng có đủ bình tĩnh, sự sáng suốt và kinh nghiệm trong điều trị Covid tại nhà như chị Hương. Nhiều người vẫn còn rất lo sợ mỗi khi nhắc đến cụm từ dương tính. Ðiều trị thuốc gì cho con, dùng Tây y hay thảo dược, có phải cho con uống kháng virus hay không?... Có vô vàn câu hỏi được đặt ra khiến nhiều bậc phụ huynh hoang mang.
Theo tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai, khi trẻ không may bị mắc Covid, bố mẹ cần theo dõi trạng thái của trẻ về tinh thần. Những trẻ có thể điều trị ở nhà là trẻ vẫn có những hoạt động, vui chơi tương đối như những ngày khỏe mạnh. Trẻ vẫn đảm bảo được mức độ ăn uống tương đối như ngày khỏe mạnh. Khi điều trị ở nhà, bố mẹ cần dự phòng những thuốc: hạ sốt, bù nước điện giải, có thể bổ sung vitamin tổng hợp, thuốc điều trị ngạt tắc mũi, thuốc ho. Cần dùng thuốc theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Không nên cho trẻ uống ngoài những thuốc được khuyến cáo ở trên.
Hãy bình tĩnh, Covid không đáng sợ như bạn vẫn nghĩ, gia đình bạn sẽ nhanh chóng vượt qua nếu thực hiện đúng cách.
Ðầu tiên, ngay khi phát hiện con có dấu hiệu mắc Covid như: sốt, mỏi, đau đầu, ho khan, đau họng, nghẹt mũi/sổ mũi... bạn cho trẻ test nhanh tại nhà. Nếu test nhanh lên 2 vạch, hãy gọi cho y tế phường/xã để khai báo và được hướng dẫn làm các thủ tục tiếp theo. Tuy nhiên, do tình trạng F0 ngày càng gia tăng nên y tế nhiều địa phương đang trong tình trạng quá tải. Nếu bạn liên lạc với y tế phường/xã không được thì nên chủ động cho con test PCR dịch vụ để xác nhận lại lần nữa có đúng là con bị mắc Covid không. Bắt đầu từ khoảng thời gian này, cần cách ly trẻ với các thành viên khác trong gia đình nhằm ngăn chặn trẻ có thể lây virus sang người khác.
Hướng dẫn mới về chẩn đoán và điều trị Covid ở trẻ em
Bộ Y tế vừa ban hành Hướng dẫn mới về chẩn đoán và điều trị Covid ở trẻ em. Theo đó, phần lớn trẻ mắc Covid không triệu chứng hoặc nhẹ với triệu chứng viêm hô hấp trên hoặc tiêu hoá (55%), trung bình (40%), nặng (4%), nguy kịch (0,5%). Trẻ nhũ nhi < 12 tháng tuổi có nguy cơ cao diễn tiến nặng.
Bệnh nhi mắc Covid có các triệu chứng lâm sàng:
- Thời gian ủ bệnh từ 2 - 14 ngày, trung bình là 4 - 5 ngày.
- Khởi phát: Có một hay nhiều triệu chứng như: sốt, mệt mỏi, đau đầu, ho khan, đau họng, nghẹt mũi/sổ mũi, mất vị giác/khứu giác, nôn và tiêu chảy, đau cơ, tuy nhiên trẻ thường không có triệu chứng.
- Tiến triển: Hầu hết trẻ chỉ bị viêm đường hô hấp trên với sốt nhẹ, ho, đau họng, sổ mũi, mệt mỏi; hay viêm phổi và thường tự hồi phục sau khoảng 1-2 tuần. Khoảng 2% trẻ có diễn tiến nặng, thường vào ngày thứ 5-8 của bệnh. Trong đó một số trẻ (khoảng 0,7%) cần điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực với các biến chứng nặng như: hội chứng nguy kịch hô hấp cấp (ARDS), viêm cơ tim, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm trùng, và hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C). Các yếu tố tiên lượng nặng trẻ béo phì, trẻ chậm phát triển, bại não, bệnh phổi mạn, suy giảm miễn dịch, đái tháo đường, tim bẩm sinh... Tỷ lệ tử vong ở trẻ rất thấp (< 0,1%), hầu hết tử vong do bệnh nền.
- Thời kỳ hồi phục thường trong giai đoạn từ ngày thứ 7-10, nếu không có các biến chứng nặng, trẻ sẽ hết dần các triệu chứng lâm sàng và khỏi bệnh.
Ðiều trị trẻ em mắc Covid
Ðối với trẻ mắc Covid không triệu chứng thì được cách ly tại nhà, theo dõi và chăm sóc theo hướng dẫn của Bộ Y tế (đối với tất cả các lứa tuổi).
Ðối với trẻ mắc Covid ở mức độ nhẹ: Cân nhắc điều trị tại cơ sở y tế nếu trẻ có yếu tố nguy cơ. Ở mức độ nhẹ, Bộ Y tế hướng dẫn điều trị không dùng thuốc như sau:
- Nằm phòng cách ly, hoặc theo hướng dẫn cách ly tại nhà của Bộ Y tế.
- Áp dụng phòng ngừa chuẩn, đeo khẩu trang với trẻ ≥ 2 tuổi.
- Uống nhiều nước hoặc dung dịch điện giải oresol.
- Ðảm bảo dinh dưỡng: bú mẹ, ăn đầy đủ.
- Vệ sinh thân thể, răng miệng, mũi họng.
- Tập thể dục tại chỗ và tập thở ít nhất 15 phút/ngày (trẻ lớn).
- Theo dõi: Ðo thân nhiệt tối thiểu 2 lần/ngày hoặc khi cảm thấy trẻ sốt. Ðo SpO2 (nếu có) tối thiểu 2 lần/ngày hoặc khi cảm thấy trẻ mệt, thở nhanh/khó thở.
Khai báo y tế hàng ngày (qua điện thoại hoặc phần mềm qui định), báo nhân viên y tế khi có triệu chứng bất thường như sốt > 38 độ C; tức ngực; đau rát họng, ho; cảm giác khó thở; tiêu chảy; SpO2 < 96%; trẻ mệt, không chịu chơi; ăn/bú kém.
Bộ Y tế lưu ý các dấu hiệu chuyển nặng cần báo cấp cứu 115 hoặc đội phản ứng nhanh tại xã/phường để được cấp cứu tại nhà hoặc đưa trẻ đến bệnh viện ngay: Thở nhanh; li bì, lờ đờ, bỏ bú/ăn uống; khó thở, cánh mũi phập phồng; tím tái môi đầu chi; rút lõm lồng ngực; SpO2 < 95%.
Cũng tại Hướng dẫn này, Bộ Y tế cũng quy định cụ thể về điều trị đối với trường hợp mức độ trung bình, nặng, nguy kịch, ECMO cho người bệnh Covid-19, điều trị chống đông, kiểm soát đường huyết; điều trị trường hợp trẻ sơ sinh mắc Covid-19…
Không có trong hướng dẫn của Bộ Y tế, nhưng một kinh nghiệm được nhiều bậc cha mẹ từng là F0 hoặc có con F0 chia sẻ là trong những ngày mắc Covid, nếu thời tiết lạnh từ 8-15 độ thì không nên cho trẻ tắm gội. Tắm khi trời lạnh khiến bệnh nhân mắc Covid lâu khỏi. Cha mẹ hướng dẫn trẻ rửa hoặc lau người bằng nước ấm.