Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Làm gì khi trẻ nói không thích cô giáo?

 
Cần phân tích cho trẻ thấy những ưu điểm của thầy, cô giáo.

Nguyên nhân trẻ không thích cô giáo
 
Thu Hà đang học lớp 4 là một cô bé thông minh, lanh lợi nên được nhiều người yêu mến. Điều làm bố mẹ Hà lo lắng là cô bé luôn miệng phàn nàn không thích cô giáo chủ nhiệm lớp với lí do: “Cô không thích con. Lúc nào cô cũng tươi cười với các bạn, nhưng lại nghiêm khắc với con. Con ghét học Tiếng Việt vì cô hay chê con làm bài ẩu. Con đã cố gắng mà cô vẫn bảo con cẩu thả… Con không muốn học cô nữa. Bố mẹ chuyển lớp, hoặc chuyển trường cho con…”. 
 
Theo các chuyên gia về giáo dục, thông thường, trẻ “ghét” thầy cô là do những nguyên nhân: 
 
Trẻ không hứng thú với môn học do giáo viên dạy, thành tích học tập chưa cao. Dù thầy cô không phê bình hay trách mắng thì trẻ vẫn tự cho rằng mình học không tốt, thầy cô sẽ không thích mình, từ đó dẫn tới thiếu thiện cảm với giáo viên dạy môn đó. 
 
Nguyên nhân thứ hai là do áp lực học tập với trẻ quá lớn, bởi kì vọng của cha mẹ đặt lên vai trẻ như phải đạt thành tích xuất sắc trong kì thi, mà trẻ lại thấy mình không thể đạt được nên dẫn tới chán học, nhưng không dám bỏ học mà vin vào một số yêu cầu của thầy cô để lấy lí do không thích học. 
 
Cũng không thể bỏ qua nguyên nhân trẻ từng bị thầy cô trách mắng oan, nhưng một số thầy cô lại không thừa nhận sai lầm của mình. Trẻ thấy ấm ức, tủi thân, nếu không được giải tỏa sẽ oán hận và dần xa lánh thầy cô.
 
Nhiều đứa trẻ do nghịch ngợm, thường bị thầy cô phê bình trước lớp một cách nghiêm khắc. Khi bị phê bình quá nhiều lần, trẻ sẽ chai lì và thiếu cảm giác mình sẽ thành công nên không vui vẻ với thầy cô, từ đó tạo sự ngăn cách về tình cảm giữa hai bên.
 
Với những đứa trẻ trầm tính, ít nói, rụt rè… có một lí do nữa khiến chúng không thích thầy cô, đó là trẻ không được thầy cô “trọng dụng”. Trẻ muốn làm tổ trưởng, lớp phó… nhưng thầy cô không hiểu và không giao cho trẻ “trọng trách” và nhiệm vụ nào. Trong giờ học, trẻ ít được thầy cô gọi hỏi bài và ít trò chuyện với chúng.

 
Hãy tạo cho trẻ niềm vui khi tới trường. 
 
Cần giúp trẻ giải tỏa những vướng mắc trong quan hệ với thầy, cô
 
Theo nhà giáo nhân dân Phi Vân Khanh (Hà Nội), hiện tượng trẻ không thích thầy cô, không thích học môn của họ là chuyện hay gặp và đó chỉ là hiện tượng phát triển tâm lí bình thường bên ngoài. Cha mẹ cần nhận thức rõ bản chất của vấn đề để có những biện pháp giải quyết thích hợp. Đầu tiên, không nên oán trách thầy cô cũng như đánh, mắng trẻ mà cần phải giúp trẻ nhận thấy những ưu điểm của thầy cô như: có trách nhiệm, rất yêu thương học sinh; có lẽ con đã hiểu nhầm thầy, cô... để trẻ không xa lánh. Hãy làm theo một số gợi ý dưới đây.
 
Lắng nghe trẻ: Khi trẻ phàn nàn về thầy cô và nói là ghét đi học, không muốn đi học là lúc chúng cần người lắng nghe mình, chứ không phải là nghe những lời giáo huấn, uy hiếp của cha mẹ. Cần giải thích cho con biết vì sao không nên nói như vậy. Và khi trẻ thấy cha mẹ yêu thương, hiểu mình, sẵn sàng nghe chúng giãi bày và đưa ra những hướng giải quyết thích hợp, trẻ sẽ nghe lời cha mẹ. 
 
Giáo dục trẻ tôn trọng và quan tâm đến thầy cô: Hãy giải thích cho trẻ rằng, thầy cô giáo cũng chỉ là những người bình thường nên không tránh khỏi sai lầm. Nếu chỉ vì thầy cô mắc khuyết điểm trong quá trình dạy, mà không tôn trọng và ghét bỏ thầy cô là hoàn toàn sai. Đã là học sinh phải biết tôn trọng thầy cô giáo, đó là yêu cầu cơ bản nhất để tạo dựng mối quan hệ tốt giữa học sinh với giáo viên. Để thắt chặt mối quan hệ này, cha mẹ cần hướng dẫn trẻ bày tỏ sự quan tâm của mình với thầy cô qua các dịp 20/11, 8/3, 20/10 qua những việc làm nhỏ như tự làm thiếp tặng thầy cô; cùng trẻ tới thăm và chúc mừng thầy cô...  
 
Dạy trẻ bày tỏ quan điểm của mình với thầy cô qua việc viết thư: Việc này nên áp dụng với những trẻ hay xấu hổ, nhút nhát, luôn sợ đối mặt với thầy cô và không dám nói thẳng những suy nghĩ của mình. Cần hướng dẫn trẻ viết ra những tâm tư, nguyện vọng với tất cả lòng kính trọng thầy cô, tâm sự với giáo viên và mong được giúp đỡ, chỉ bảo... Sau đó, cha mẹ sẽ là cầu nối để đưa thư đến cho giáo viên đọc và cùng với họ tìm ra cách giải quyết cho trẻ. 
 
Nói với trẻ có thầy cô nghiêm khắc là điều tốt nhất: Cha mẹ có thể kể với trẻ những câu chuyện của chính mình ngày trước, khi cũng có những bức xúc hay những suy nghĩ không thích thầy cô như con. Sau đó, đưa ra các những kĩ năng ứng xử với  thầy cô, cố gắng để trẻ hiểu rằng nếu không có thầy cô nghiêm khắc uốn nắn, dạy dỗ thì bố mẹ không được như ngày hôm nay. Đó chính là một bài học để trẻ noi theo.
 
Chủ động trò chuyện với thầy cô: Nếu thấy con nói không thích một thầy cô nào đó, cha mẹ hãy chủ động liên lạc với giáo viên, hỏi chuyện con ở lớp với thái độ tôn trọng, kể cả khi giáo viên phê bình học sinh hay phụ huynh. Nếu thầy cô thực sự có khuyết điểm và đối xử chưa công bằng với con mình, cần bình tĩnh, thẳng thắn bày tỏ quan điểm một cách chân thành, khách quan và chỉ ra cho giáo viên thấy những việc cần rút kinh nghiệm. Cha mẹ hãy cùng giáo viên phân tích những ưu khuyết điểm của trẻ, đồng thời đề nghị thầy, cô quan tâm đến những nguyện vọng của con, tạo cho con cơ hội khẳng định bản thân, hoặc giao cho trẻ việc phù hợp với năng lực...  Song song với đó, hãy nói với trẻ về những ích lợi của việc tới trường và cùng thầy cô tạo cho trẻ niềm vui khi tới lớp. Nếu sau đó, trẻ có tiến bộ, đề nghị thầy cô khen ngợi trẻ trước các bạn... Như vậy, dần dần sẽ cải tạo được mối quan hệ thầy trò và làm cho nó trở nên tốt đẹp hơn. 

Linh Chi/TC GĐ&TE