Nên theo phương thức đối tác công - tư
Thảo luận tại tổ về Dự án đường cao tốc Bắc - Nam, nhiều đại biểu cho rằng đây là dự án có quy mô rất lớn, tác động đến nhiều vùng miền tuy nhiên trong bối cảnh đầu tư công bị thu hẹp thì Quốc hội nên có Nghị quyết về chủ trương đầu tư. Đại biểu Trần Văn Quý (Hưng Yên) băn khoăn là liệu nguồn lực của chúng ta có đáp ứng được hay không. Bởi hiện nay, nguồn vốn cho đầu tư công rất hạn chế. Do vậy, Quốc hội và Chính phủ cần có sự phân tích đánh giá kỹ càng để khi tổ chức thi công tuyến đường này sẽ không ảnh hưởng đến nợ công và ngân sách nhà nước.
Cũng liên quan đến nguồn vốn để thực hiện dự án, Đại biểu Đinh La Thăng (Thanh Hóa) cho rằng, về chủ trương xây dựng tuyến đường này là rất cần thiết bởi đó là tuyến đường huyết mạch của cả nước. Tuy nhiên theo ông Thăng, nên theo phương thức là đối tác công - tư (BOT) chứ không dùng ngân sách để đầu tư. Bởi vì những chỗ mà không làm được BOT là những chỗ chưa phát triển, nhu cầu vận chuyển chưa cao. “Quan điểm của tôi là vốn trái phiếu của Chính phủ phải là “vốn mồi” để kêu gọi xã hội hóa. Tất nhiên, trong quá trình đầu tư BOT thì vẫn còn một số bất cập cần khắc phục và chấn chỉnh. Chứ nếu làm giao thông mà chỉ để nhăm nhăm tiêu cho hết trái phiếu Chính phủ thì không được. Chúng ta không thể đầu tư hạ tầng nếu chỉ sử dụng vốn ngân sách và vốn trái phiếu Chính phủ” - ông Thăng nhấn mạnh và bổ sung thêm ý kiến là cần phải quan tâm xây dựng đường tránh, đường gom, bổ sung nút giao xuống, để thực hiện kết nối giữa đường cao tốc với các trung tâm kinh tế, nếu không sẽ có xảy ra tình trạng đường cũ vẫn tắc mà đường mới không ai đi.
Thảo luận Dự án cao tốc Bắc - Nam tại tổ Thanh Hóa - Hưng Yên
Đảm bảo cân đối hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP HCM) cho rằng, BOT là một chủ trương đúng mà nhiều quốc gia đã áp dụng. Vấn đề là khi triển khai và giám sát làm sao để tránh việc bị lợi dụng, làm sai lệch chủ trương đúng của nhà nước. Cần rút ra bài học kinh nghiệm trong các dự án BOT trong thời gian qua. Bộ Giao thông Vận tải và Chính phủ phải có một báo cáo chi tiết hơn về những kết quả đạt được trong BOT vừa qua, cũng như những tồn tại và chỉ rõ nguyên nhân, từ đó đưa ra quyết định chủ trương đầu tư hơn 118.000 tỷ đồng cho đường cao tốc Bắc – Nam.
Còn theo đại biểu Trần Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu TP HCM, có hai vấn đề cần phải làm rõ, đó là việc kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư phát triển hạ tầng, trong đó có đầu tư theo hình thức BOT, và việc đề xuất sử dụng ngân sách đầu tư sau đó thu phí như BOT. Đại biểu nhấn mạnh, việc xác định đặt các trạm BOT phải đảm bảo cân đối, hài hòa giữa lợi ích của người dân và doanh nghiệp. Các trạm BOT không được phép đặt trên các tuyến đường độc đạo. Phải trả cho người dân quyền lựa chọn muốn mất tiền đi đường tốt hay không mất tiền đi đường xấu hơn.
Liên quan đến những bất cập tại các trạm thu phí BOT, Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, thời gian vừa qua một số trạm thu phí không đặt đúng chỗ nên dân đã phản ứng bằng cách trả tiền lẻ. Do vậy, vấn đề quản lý khai thác cần phải được đề cập đến trong quá trình triển khai dự án. Hiện nay, nhiều nước đã nghiên cứu và áp dụng cách thu phí không dừng, đây là cách thu phí áp dụng công nghệ cao, rất hiện đại và tiện lợi, đi bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu. Nếu chúng ta áp dụng được thu phí không dừng sẽ góp phần công khai minh bạch việc thu phí, mọi hoạt động quản lý cũng sẽ đi vào nền nếp… Bên cạnh đó, việc là kiểm soát an toàn giao thông phải đồng bộ, lắp đặt hệ thống camera để kiểm soát. Việc cảnh sát giao thông đứng kiểm tra từng chặng đã lỗi thời. Nếu ứng dụng công nghệ cao trong quản lý cũng sẽ hạn chế được tiêu cực.
Dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam được Chính phủ trình Quốc hội xin ý kiến. Theo đó, tuyến cao tốc dài hơn 2.100 km sẽ chạy qua 32 tỉnh thành với tổng mức đầu tư khoảng hơn 310.000 tỷ đồng. |