Anh Lưu Sơn, chủ cơ sở uốn tre tại thôn 4, Diên Phú kể với chúng tôi, cơ sở uốn tre này có từ lâu lắm rồi, từ thời ông nội anh, cha anh và nay anh lại tiếp nối nghề uốn tre. Khánh Hòa có lợi thế về vùng đồi núi rộng lớn như huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, thuận lợi cho việc trồng tre. Nhu cầu sử dụng tre ở đây cũng khá cao. Các cảng ở Khánh Hòa số ngư dân khá đông nên nhiều ngư dân tìm đến cơ sở của anh đặt hàng tre để làm ngư cụ trên tàu bè. Hàng tháng anh nhập 3-4 vạn cây tre từ các huyện miền núi về cơ sở để uốn thẳng. Dụng cụ uốn tre khá đơn giản, đó là một bếp than gồm 4 cục than ống, trên bếp bố trí giá đỡ với những vòng thép, tre được luồn qua các vòng thép và hơ trên các bếp than, những người thợ sẽ điều chỉnh, nắn những cây tre cho thẳng. Mỗi lần uốn từ 6-8 cây tre. Qua bàn tay khéo léo của những người thợ, chỉ trong vòng 5-7 phút đã có thể cho ra lò những cây tre thẳng tắp.
Lao động tích cực làm việc tại cơ sở
Em Ja- Hiu 25 tuổi, người dân tộc Jagrai cho biết: “Em đã gắn bó với nghề uốn tre đã được 7 năm nay, lần đầu tiên làm quen với nghề còn bỡ ngỡ, nhưnh chỉ vài tháng em đã thành thạo. Công việc ở đây khá thuận lợi, vì ngày nào cũng có việc, được chủ cơ sở nuôi ăn ở và trả lương 4 triệu đồng/ tháng. Nhờ đó em có tiền mua được xe máy, có tiền gửi về phụ giúp gia đình, em rất vui và hạnh phúc với nghề uốn tre này”. Cùng chung với niềm vui có việc làm, anh Nguyễn Văn Thành, đang làm việc tại cơ sở uốn tre Lưu Sơn cho biết: “Đã 3 năm gắn bó với nghề uốn tre tôi thấy rất thuận lợi, được làm việc gần nhà, thu nhập ổn định 4 triệu đồng/tháng. Ngoài thời gian làm việc tại cơ sở uốn tre, tôi còn có thời gian để phụ giúp gia đình. Thu nhập từ nghề uốn tre đã giúp tôi ổn định cuộc sống, mua được ti vi, tủ lạnh và những vật dụng trong gia đình”.
Không ít người lao động tại Diên Phú (Diên Khánh, Khánh Hòa) đã có cuộc sống tốt lên từ nghề uốn tre. Ông Nguyễn Văn Khởi, trưởng thôn 4, Diên Phú cho biết: “Nghề uốn tre đã có từ khá lâu, cho đến nay chỉ riêng thôn 4, xã Diên Phú đã có 3 cơ sở uốn tre, giải quyết việc làm ổn định cho hàng chục lao động ở địa phương có thu nhập ổn định. Nhờ có việc làm mà các tệ nạn rượu chè, cờ bạc, trộm cắp ở địa phương giảm rõ rệt. Thanh niên đã biết chủ động trong lao động, nhờ đó số hộ nghèo ở thôn cũng giảm đáng kể. Cho đến nay, toàn xã Diên Phú chỉ còn hơn chục hộ nghèo, Diên Phú được tỉnh Khánh Hòa xây dựng mô hình điển hình phát triển nông thôn mới”
Khách đến tìm hiểu cơ sở uốn tre để đặt hàng
Anh Lưu Sơn cho biết: “Cơ sở uốn tre của anh trừ chi phí mỗi tháng cũng thu lời từ 20-30 triệu đồng, không chỉ vậy còn giải quyết việc làm cho hơn 10 lao động với mức thu nhập từ 4 triệu đồng/tháng trở lên. Thấy nghề uốn tre mang lại thu nhập ổn định, một số thanh niên đến cơ sở tôi học tập mô hình sản xuất, đều được tôi tận tình hướng dẫn. Nhờ đó nghề uốn tre cũng được lưu giữ và nhân rộng từ đời nay qua đời khác, kích cầu khuyến khích nghề trồng tre ở các huyện miền núi phát triển theo. Cũng từ nghề uốn tre mà gia đình tôi có nhà cửa khang trang, tiện nghi đầy đủ và con cái có điều kiện học tập tốt hơn”.
Ông Cao Tánh, Chủ tịch UBND xã Diên Phú cho biết: “Ở Diên Phú có một số mô hình phát triển kinh tế nông thôn, được nhân dân tích cực hưởng ứng như: Nuôi bồ câu, nuôi gà, mây tre đan, hàn, mộc dân dụng…Trong đó nghề uốn tre là một nghề có mức thu nhập cao, tạo việc làm cho nhiều lao động, các sản phẩm tre khá phổ biến và bán rất đắt hàng. Trong thời gian tới UBND xã sẻ tiếp tục khuyến khích người lao động, tạo mọi điều kiện để phát triển nghề ở nông thôn, tạo việc làm ổn định cho người lao động. Đồng thời địa phương sẽ liên kiết với một số xã miền núi thích hợp cho việc trồng tre nguyên liệu, các cơ sở uốn tre ở Diên Phú đặt hàng trực tiếp với các cơ sở trồng tre, để nhận tre nguyên liệu. Đồng thời cũng liên kết với ngư dân, các cơ sở đan lát…mở ra thị trường tiêu thu sản phẩm tre uốn một cách ổn định…”
Nhờ nghề uốn tre mà anh Lưu Sơn có nhà cửa khang trang