Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Kinh tế

Lạm phát thấp kỷ lục: Kỳ tích không cần đánh đổi

Lạm phát thấp nhất trong vòng 14 năm trở lại đây, chưa đến 1%. Tăng trưởng kinh tế dự kiến sẽ vượt trên 6,5%. Bức tranh ổn định kinh tế vĩ mô đẹp hơn cả mong đợi khi vượt qua nỗi lo giá dầu giảm.

Về thành quả kinh tế vĩ mô 2015, ông Vũ Tiến Lộc khi trao đổi với báo chí đã khẳng định: dấu ấn nổi bật đầu tiên là kinh tế vĩ mô tiếp tục được ổn định và củng cố vững chắc hơn, trong khi đà tăng trưởng đã phục hồi, dự kiến khoảng 6,5%, một mức cao so với khu vực và thế giới trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động.

Qua thời lạm phát cao - tăng trưởng cao

Ngay từ đầu năm, đã không ít ý kiến tin rằng, lạm phát năm nay sẽ thấp xa so với mức 5% mà Chính phủ đăng ký với Quốc hội.

Cho đến những tháng cuối năm, nhiều dự báo, lạm phát cả năm dưới 2%. Cuối cùng, con số chính thức được Tổng Cục Thống kê công bố, CPI tháng 12 năm nay chỉ tăng 0,6% so với tháng 12 năm trước. Chỉ số thường được lấy làm mức lạm phát năm đã lập nên một kỳ tích mới trong điều hành kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát của Chính phủ.

Đây là mức lạm phát thấp nhất trong 14 năm qua, thấp hơn mức 0,8% của năm 2001 và cao hơn mức "âm" 0,6% của năm 2000, mức tăng 0,1% của năm 1999.

 

 

Kinh tế vĩ mô tiếp tục được ổn định và củng cố vững chắc hơn, trong khi đà tăng trưởng đã phục hồi.

Công bố tại cuộc họp báo hôm 24/12, Tổng Cục Thống kê liệt kê ít nhất 5 lý do chủ đạo cho con số trên như nguồn cung lương thực dồi dào, giá nhiên liệu thị trường thế giới giảm sâu, mức độ điều chỉnh giá nhóm các mặt hàng, dịch vụ do Nhà nước quản lý như y tế, giáo dục thấp hơn trước hay tâm lý của người tiêu dùng ngày nay có sự cân nhắc kỹ càng hơn.

“Lạm phát chung và lạm phát cơ bản có xu hướng giảm dần và tiến tới ổn định, qua đó có thể nhìn rõ điều hành của Chính phủ và NHNN đã linh hoạt và chủ động trong kiểm soát lạm phát. Lạm phát cơ bản trong 2 năm gần đây ở mức khoảng 2-3% là cân bằng để ổn định kinh tế”, bà Đỗ Thị Ngọc, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) nhìn nhận.

Bà Ngọc thừa nhận rằng, mục tiêu lạm phát 5% là rất thận trong, dựa trên kỳ vọng là mức tăng giá giúp cho nền kinh tế tăng trưởng.

"Thực tế, cũng chưa có nền kinh tế nào có công thức mức lạm phát nào là đủ nhưng thông thường, vẫn cần có một mức tăng giá nhất định cho kinh tế tăng trưởng. Năm nay, việc lạm phát thấp, tăng trưởng vẫn cao đã chứng minh rằng, không cần phải đánh đổi tăng giá để tăng trưởng. Và điều đó cũng chứng tỏ, các công cụ điều hành của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước đã ở mức hợp lý", bà Ngọc đánh giá.

Trước đây, nhiều ý kiến vẫn cho rằng, tăng trưởng và lạm phát là quan hệ tỷ lệ thuận. Tuy nhiên, lạm phát dù thúc đẩy tăng trưởng nhưng nếu ở mức quá cao thì sẽ phá tăng trưởng. Chẳng hạn như, Việt Nam đặt ra lạm phát 5-7% là mức để thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Nhưng năm 2008, lạm phát lên tới gần 23% nhưng tăng trưởng chỉ có 5,6%. Các năm 2012-2013, lạm phát chỉ trên 6% thì tăng trưởng cũng vẫn ở mức 5-6%. Gần đây nhất, năm 2014, lạm phát 1,84% thì tăng trưởng đã lên mức 6,28%, cao hơn thời kỳ đỉnh điểm lạm phát năm 2008.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê, bổ sung: "Giả sử, lạm phát cao, DN sản xuất chỉ lãi 5 đồng, nhưng khi lạm phát thấp, doanh nghiệp có thể lãi 10 đồng. Như vậy, lạm phát thấp giúp DN có lợi nhuận cao hơn, xã hội tao nhiều việc làm hơn và đời sống người lao động tăng lên do thu nhập tăng".

Theo ông Lâm, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, ngưỡng lạm phát cho các nước đang phát triển là dưới 7-8% sẽ phù hợp cho tăng trưởng kinh tế nhưng mức hiện nay 0,6% của Việt Nam vẫn là tốt. Vì tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ vẫn cao hơn năm ngoái. Hơn nữa, tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào phát triển kinh tế vĩ mô nói chung chứ không đơn thuần dựa vào giá cả.

Biến khó thành lợi

Nhìn vào hàng loạt những lý do dẫn tới mức lạm phát thấp kỷ lục này, có sự hiện diện của cú sốc giảm giá dầu thô trên thị trường thế giới là rất lớn.

 

Bức tranh ổn định kinh tế vĩ mô đẹp hơn cả mong đợi như vậy nhưng vẫn điểm xuyết những nỗi lo canh cánh.

Báo cáo của Tổng Cục Thống kê cho hay, giá dầu Brent xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua, từ mức 110,47 USD/thùng ở thời điểm cuối năm 2013 xuống còn dưới 40 USD/thùng vào thời điểm ngày 15/12/2015. Bình quân giá dầu Brent năm 2015 giảm khoảng 45,6%so với năm 2014.

Trước diễn biến đó, theo sự điều hành của Chính phủ giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh giảm, kéo theo chỉ số giá nhóm hàng “nhà ở và vật liệu xây dựng” và “giao thông”năm nay lần lượt giảm 1,62% và 11,92% so với năm trước. Trong đó, riêng giá xăng dầu giảm 24,77% so với năm trước đã góp phần giảm chỉ số giá tiêu dùng chung 0,9%.

Phản ứng dây chuyền từ giá xăng dầu là rất lớn, kéo theo giá cước vận tải và giá hàng loạt hàng hoá, dịch vụ thay đổi theo. Cùng đó, bên cạnh sự tích cực của giá dầu giảm, khiến mặt hàng giá hạ nhiệt thì nguồn thu từ dầu thô cho ngân sách bị hụt tới 44.000 tỷ đồng cũng là một khó khăn không hề nhỏ trong buộc Chính phủ phải điều hành linh hoạt nhất.

Nhìn lại một cách hệ thống hơn, chuyên gia từ Viện Chiến lược Ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước phân tích, nhìn tổng thể những năm qua để thấy nỗ lực rất lớn của Việt Nam trong việc kiểm soát giá cả. Với mức của những năm gần đây và nhất là 2015 thì hiện Việt Nam là nước kiểm soát lạm phát có hiệu quả nhất khu vực.

Vị chuyên gia này khẳng định, nỗ lực kéo giảm lạm phát là một thành quả lớn trong điều hành kinh tế của Chính phủ. Điều này góp phần không nhỏ trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, kéo theo xu hướng cải thiện rõ ràng trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, lãi suất hạ thấp, thanh khoản tốt lên… đồng thời thúc đẩy doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, giảm chi phí đầu vào, nâng cao năng lực cạnh tranh. Việc duy trì lạm phát ổn định là thời cơ thuận lợi cho các nhà hoạch định chính sách yên tâm hơn với việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát tạo nền tảng cho mục tiêu tăng trưởng cao và bền vững hơn.

Năm 2016, lạm phát của Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức. Đầu tiên là giá điện sẽ vẫn tiếp tục tăng, giá dịch vụ y tế, giáo dục sẽ có thể tăng kịch trần, lương cơ bản tăng tiếp 5% kể từ 1/5/2016. Chính vì thế, "điều hành chính sách hiện nay sẽ vẫn phải kiên trì kiểm soát lạm phát. Không phải khi nào xảy ra lạm phát cao thì mới bắt đầu kiềm chế", ông Lâm chia sẻ.