Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Làm quan, đừng biến luật thành trò đùa

Thời gian gần đây, người ta nói nhiều đến trách nhiệm của người đứng đầu. Tất tật cái gì cũng quy cho người đứng đầu. Để xe quá tải, quá khổ phá nát cơ sở hạ tầng giao thông: Xử người đứng đầu, để dân đốt pháo loạn xạ: Trảm người đứng đầu, để dịch sốt xuất huyết hoành hành ở địa phương; bắt người đứng đầu ra mà đối mặt với vi rút lẫn bệnh dịch;... nhưng thực tế, hô dọa thì lắm, còn xử lý chẳng được bao lăm.

 

Như ở Thủ đô Hà Nội, vừa phanh phui việc chủ đầu tư tòa nhà số 8, phố Lê Trực xây trái phép 4-5 tầng, giờ mổ xẻ xử lý vi phạm, người đứng đầu nào phải chịu trách nhiệm đây?. Hay cuối cùng lại là mấy ông (bà) cấp tổ trưởng, đội trưởng, cao lắm thì cỡ phường phải giơ đầu chịu báng?. Bởi cái “tội” của “bản nha” là ở gần mà không phát hiện ra sai phạm. Còn cấp quận, nhất là cấp thành phố ở xa nên... bình an vô sự. Nếu phải xử, cùng lắm thì phê bình tý xíu cho có lệ?

Đó thực sự là nỗi buồn của  luật pháp. Những tuyên bố tưởng  “quân lệnh như sơn” ấy chỉ oai phong lẫm liệt trong phòng kín, phòng họp. Nó trở nên yếu đuối, run lẩy bẩy, thiếu sức sống khi đối mặt với hiện thực xã hội, với thời gian. Bởi lệnh ban ra, nhưng người ban lệnh chỉ nhằm giải quyết khâu oai, còn người có trách nhiệm kiểm tra, xử lý thì xuề xòa, coi đó là việc “trời ơi, đất hỡi”!.

Ảnh minh họa.

Thế nên đất nước này vẫn còn xảy ra những chuyện lạ... lạ đến đau lòng. Những công trình ngàn tỷ đồng, thậm chí là 8000 tỷ đồng như công trình ở Thái Nguyên có nguy cơ biến thành đống sắt phế thải; công trình quảng trường và tượng đài hoành tráng, có vốn đầu tư lên tới 1500 tỷ đồng, ở Ninh Bình đang trở thành khu đất hoang, tượng đài chưa khánh thành đã xuống cấp. Các lãng phí khổng lồ ấy người đứng đầu nào phải chịu trách nhiệm, hay đó là chuyện “cha chung”, “nước sông công lính”?

Luật pháp đang bị nhờn. Điều đáng buồn là nó bị nhờn ngay trong một số cơ quan công quyền. Bởi cái câu: “Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm” là cấp trên mệnh lệnh cho cấp dưới, chứ người dân, công chức chẳng có cấp hàm không thuộc đối tượng điều chỉnh.

Để pháp luật “nói có người nghe, đe có người sợ”, vẫn là cuộc cách mạng lớn hiện nay. Mà cuộc cách mạng ấy phải bắt đầu từ những người đứng đầu, những người thi hành công vụ. Thời xa xưa, dân gian có câu: Vua không nói chơi. Ngày nay xin các cán bộ, công chức cần thực thi công vụ một cách nghiêm túc, chuyên nghiệp. Trả giá cho sự đùa giỡn với pháp luật là công sức, tài sản của nước, của dân!. Buồn lắm, xót lắm, đau lắm!.Nhại theo bài hát có nhiều chữ lắm mà bọn trẻ hay ngêu ngao..