Kết nối các thành viên trong gia đình
Vẫn luôn là chương trình bám sát vào đời sống thực tế để đưa đến cho khán giả nhiều thông tin bổ ích, Câu chuyện cuộc sống trong những ngày cuối năm vẫn tập trung các chủ đề xoay quanh gia đình, cách nuôi dạy con và sắp xếp cuộc sống khoa học chuẩn bị cho mùa lễ hội. Đó chính là lý do mà chủ đề “Kết nối, hòa hợp…trong gia đình” được phát sóng trở nên ý nghĩa hơn vào dịp cuối năm này.
Ai cũng biết sự cách biệt rõ rệt và ngày càng nhiều trong quan điểm, lối sống của thế hệ đi trước và thế hệ sau. Điều này dẫn đến đôi khi trong sinh hoạt giữa các thành viên trong gia đình có nhiều thế hệ trở nên căng thẳng, khó gắn kết và thiếu sự thông cảm. Chuyên gia tâm lý của chương trình cũng cho rằng với sự phát triển của công nghệ càng kéo xa khoảng cách về tâm lý giữa người trẻ tuổi với người lớn. Việc kết nối hoà hợp ảnh hưởng quan trọng đến tâm lý của từng thành viên để mang đến hạnh phúc cho cả gia đình. Trước nay, chúng ta không mấy khi ở nhà với người thân, chúng ta thường đi làm nên thời gian tương tác với những thành viên trong gia đình khá ít. Covid cho chúng ta có cơ hội trải nghiệm một cuộc sống khác, một cuộc sống mà chúng ta có sự giao lưu, giao tiếp với người thân của mình nhiều hơn.
Cuộc sống của chúng ta trước đây khác bây giờ nhiều nhất là thời gian dành cho gia đình. Sự cố gắng tôn trọng nhau và cố gắng chấp nhận nhau chưa đủ mà nó cần phải có cái sự kết nối với nhau. Trước tiên, để kết nối với một ai đó, chúng ta cần phải làm bạn được với họ. Bước thứ hai sau khi làm bạn là bàn bạc với họ, cùng họ đưa ra một giải pháp tối ưu cho vấn đề chung hoặc vấn đề của họ. Chúng ta lắng nghe chính mình xem thực sự nhu cầu của mình là gì, kiểu hành vi mà mình muốn tương tác, chia sẻ là gì. Ngược lại, chúng ta cũng cần tìm hiểu nhu cầu của người khác như vậy. Mỗi người sẽ có những mong muốn hoặc sở thích được yêu thương, bày tỏ tình yêu thương khác nhau.
Dạy con tính tự giác – giữ chữ tín trong bối cảnh hiện nay
Nhiều phụ huynh cho biết con cái của họ không chủ động tự giác làm những việc được cha mẹ giao như học hành, làm việc nhà, vệ sinh cá nhân… Cách họ thường sử dụng là trừng phạt con, nhưng đều không mang lại kết quả tốt. Chuyên gia của chương trình Câu chuyện cuộc sống cho rằng điều đầu tiên mà cha mẹ cần làm chính là thường xuyên hướng dẫn, nhắc con thực hiện công việc của mình, chú ý là không vì mất kiên nhẫn để làm thay con, cần phải để con tự mình hoàn thành công việc ngay từ nhỏ. Phụ huynh cần chấp nhận việc con có thể làm sai, chúng ta sẽ hướng dẫn con làm lại để con học được kỹ năng xử lý vấn đề, chịu trách nhiệm cho việc mình làm.
Một trong những yếu tố quan trọng cho việc xây dựng tính tự giác cho trẻ chính là những lời động viên, khích lệ, chia sẻ với con hơn là la mắng, tỏ ra thất vọng khi con làm sai. Việc cha mẹ đưa ra một thời gian cụ thể và hướng dẫn con giữ chữ tín cũng là một cách để bé có thể rèn luyện tính tự giác cho bản thân. Điều đầu tiên chính là cha mẹ phải làm gương cho con, luôn phải giữ lời hứa với con để tránh việc con trẻ bị thất vọng, bắt chước theo những hành động của người lớn. Các chuyên gia tâm lý của chương trình cho rằng việc giữ chữ tín là một trong những nền tảng để xây dựng nên nhân cách tốt cho một đứa trẻ. Đứa trẻ sẽ trở nên trung thực hơn, mối quan hệ của trẻ với gia đình, bạn bè cũng trở nên tin tưởng và gắn kết hơn. Điều này cũng sẽ khiến các em có trách nhiệm hơn với cách cư xử của chính mình, tự tin hơn trong quá trình phát triển.
Đón xem các số tiếp theo của Câu chuyện cuộc sống phát sóng vào 19h50 thứ 3, thứ 5 và thứ 6 hàng tuần trên THVL1 để có thêm nhiều thông tin bổ ích, cập nhật cho cuộc sống trong giai đoạn cuối năm.