Trang bị cho trẻ em các kiến thức và kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục. Ảnh minh họa
Bạo lực, xâm hại trẻ em ngày càng nghiêm trọng
Thống kê của Bộ LĐTBXH cho biết, mỗi năm, Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em bị xâm hại được phát hiện, trong đó trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm hơn 60%. Những hành vi, vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em chỉ khi chạm ngưỡng hình sự mới bị phát hiện, xử lý, do đó những con số được nêu ra có thể chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.
Đáng chú ý, trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân trong gia đình (bố đẻ, bố dượng, anh, em họ...) chiếm tỷ lệ cao với 21,3%; 59,9% số trẻ em bị xâm hại bởi người quen, hàng xóm. Ước tính, khoảng 68,4% số trẻ em từ 1-14 tuổi phải chịu ít nhất một hình phạt thể chất hoặc tâm lý bởi các thành viên trong gia đình.
Theo thống kê của Bộ Công an, trong hai năm 2017 - 2018, toàn quốc xảy ra 3.139 vụ bạo lực, xâm hại trẻ em với 3.221 trẻ em bị bạo lực, xâm hại. Năm 2018 có 1.547 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện với 1.669 đối tượng, xâm hại 1.579 em, giảm 2,8% so với năm 2017. Trong đó, số vụ án xâm hại tình dục trẻ em là 1.269 vụ (chiếm 82% so với tổng số vụ xâm hại trẻ em) với 1.233 đối tượng, xâm hại 1.141 em. Trên thực tế, con số này có thể còn cao hơn nhiều.
Còn theo thống kê gần đây của Bộ GD&ĐT, trung bình một năm học, cả nước xảy ra gần 1.600 vụ học sinh đánh nhau ở trong hoặc ngoài trường học (khoảng 5 vụ/ngày); hơn 5.200 học sinh có 1 vụ đánh nhau; hơn 11.000 học sinh có 1 học sinh bị buộc thôi học vì đánh nhau; 9 trường thì có 1 trường có học sinh đánh nhau. Trong giai đoạn 2010-2018, có 7.735 học sinh, sinh viên vì đánh nhau bị xử lý kỷ luật; so với 10 năm trước, số vụ bạo hành tại trường học tăng gấp 13 lần. Song đây mới chỉ là con số về các vụ bạo lực học đường đã bị phát hiện, trên thực tế, vì nhiều lý do, không ít vụ việc đã bị giấu nhẹm.
Một buổi tập huấn phòng, chống bạo lực học đường và bạo hành trẻ em tại Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, thành phố Ninh Bình.
Các giải pháp phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em
Để phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em một cách có hiệu quả, cần truyền thông nâng cao nhận thức cho cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên môn và các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội, đặc biệt cấp địa phương, cơ sở về công tác bảo vệ trẻ em; tăng cường nguồn lực, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em tại địa phương. Bố trí cán bộ bảo vệ trẻ em cấp xã, triển khai tổ chức, có chế độ và chính sách cụ thể đối với người làm công tác bảo vệ trẻ em trong cơ cấu tổ chức của xã.
Cung cấp các tài liệu, sản phẩm truyền thông, giáo dục cho cha, mẹ, giáo viên, trẻ em về đạo đức, lối sống trong gia đình; chăm sóc trẻ thơ toàn diện; phương pháp giáo dục kỷ luật tích cực không bạo lực trẻ em; kỹ năng phòng ngừa, xử lý trường hợp trẻ em bị xâm hại; trách nhiệm phát hiện, thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em và sử dụng, quảng bá Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111.
Trong đó, đặc biệt chú trọng việc truyền thông nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm và năng lực của gia đình, nhà trường, cộng đồng và bản thân trẻ em trong việc chủ động phòng ngừa các hành vi bạo lực và xâm hại trẻ em.
Tăng cường công tác tư vấn tâm lý, công tác xã hội trong trường học bằng cách nhân rộng mô hình phòng tư vấn tâm lý/phòng công tác xã hội trong trường học; mở rộng mô hình kết nối giữa trường học với các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, các khoa và chuyên gia tâm lý của các trường đại học và các tổ chức phi chính phủ trên địa bàn nhằm phòng ngừa, phát hiện sớm, hỗ trợ, can thiệp, chuyển tuyến dịch vụ kịp thời các trường hợp có nguy cơ hoặc bị bạo lực, xâm hại tình dục trong trường học.
Mặt khác, cần thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quyền của trẻ em. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Tăng cường kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý nghiêm người có hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em.
Để ngăn ngừa tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, các cơ quan luật pháp cần nghiên cứu để xây dựng một hành lang pháp lý đủ mạnh. Tạo thêm những không gian vui chơi an toàn và lành mạnh cho trẻ em, tránh nguy cơ trẻ có thể bị bạo hành hay xâm hại.
Vận động toàn xã hộ triển khai phong trào “Toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em”; vận động các tổ chức chính trị, xã hội, cộng đồng dân cư và gia đình tạo lập cuộc sống an toàn, phát triển toàn diện về thể chất và tình thần cho trẻ em; vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em chính là để bảo vệ trẻ em, bảo vệ tương lai của mỗi gia đình, của đất nước. Điều này cần có sự tham gia, vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Trong đó, gia đình có vị trí vô cùng quan trọng, mà trước hết là những người cha, người mẹ phải luôn đồng hành cùng con, giáo dục, trang bị cho con những kiến thức, kỹ năng cơ bản để trẻ tự bảo vệ bản thân trước những nguy cơ bị bạo lực và xâm hại.
Phương Anh/TC GĐ&TE