Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Làm từ thiện: Đừng như là ban phát!

 
Làm từ thiện, để lan toả hơi ấm của những bàn tay… Ảnh minh hoạ
 
Chúng tôi đã từng sợ họ…
 
 Sau một chặng đường khá dài, chúng tôi đi vào một chỗ mà thoạt tiên, trông hệt như một khu nhà khách nho nhỏ, với sân rộng, hội trường, phòng tiếp khách, và một đài phun nước với mấy hòn non bộ. Trời mát mẻ và khung cảnh đẹp đẽ khiến tôi tưởng như mình đang đi nghỉ. Nhưng sau khi đã dỡ mọi đồ ra khỏi xe và tập kết, mọi chuyện đổi khác hoàn toàn...
 
Những người hưởng “phúc lợi xã hội”: người khuyết tật (cả về tinh thần và thể chất), trẻ mồ côi…, họ tiến đến chúng tôi. Có người cà thọt, có người mù, có người bại liệt, người vẹo cột sống, lệch hàm, quặp tay, chân, người ú ớ; có người kẹt trong hình hài người lớn, nhưng lại mang trí óc trẻ con; người trông như trẻ con, nhưng lại có bộ não hoàn chỉnh. 
 
Chúng tôi sợ họ: chưa ai có thể quen ngay với điều mình chưa từng thấy. Họ không nói được rõ tiếng người, không trông giống một con người hoàn chỉnh, và cũng không suy nghĩ như một con người thực thụ. 
 
Bạn đã bao giờ dằn dỗi bố mẹ vì phải tự đun nước uống? Những người kia, có khi không cầm nổi cốc nước của mình. Bạn đã bao giờ phát tức vì bình nước nóng hết khi mình đang tắm? Những người kia còn chẳng có khả năng tự vệ sinh. Và những đứa trẻ, đáng lẽ, chúng sinh ra là để được chăm sóc. Chúng được phép ích kỷ khóc thét đòi ăn, đòi chơi, chúng được phép hú hét vui vẻ. Chúng có ngọng nghịu, lúng búng, chẳng hề gì. Chúng có bẩn thỉu, ta sẽ lau cho. Chúng có đùa nghịch, ừ, trẻ con thì phải đùa nghịch. Kể cả khi chúng tè dầm, ta cũng vui vẻ chăm lo cho chúng. 
Vậy thì, sẽ ra sao khi những đứa trẻ bị bỏ rơi kia lớn lên: chẳng ai thèm chăm sóc chúng, sẻ chia với chúng, ở cùng chúng. Những người lớn với đầu óc con trẻ ở đây, ngoài “tâm thần” ra thì có tên gọi nào hơn dành cho họ. Hẳn là, nếu những người này có một bộ não hoàn chỉnh, một cơ thể hoàn chỉnh, một gia cảnh hoàn chỉnh, có thể họ đã có một cuộc sống bình thường, có thể, họ đã hạnh phúc... 
 
 
 Làm từ thiện, để kết nối trái tim và những nụ cười… Ảnh minh hoạ
 
Nhưng rồi thấy sợ chính mình!
 
Trong khi chúng ta bỏ phí thức ăn, có hàng triệu người đang đói khát. Trong khi chúng ta ngồi lướt web, có hàng triệu người còn không biết máy tính là gì. Đó là những chuyện ai cũng biết. Nhưng đôi khi, phải nghe tận tai, thấy tận mắt, ta mới biết tường tận, mới thực sự suy nghĩ…
 
Chúng tôi đi chia quà cho các “nhà” trong trung tâm. Một “nhà” có tầm 20 người. “Nhà” thực ra chỉ là những dãy phòng chật ních, và toả mùi không gọi gì là dễ chịu. Ở trong đó, người già, người tâm thần, người tàn tật, người bại liệt… cùng nhau chung sống với tất cả những sinh hoạt hàng ngày.
 
Chúng tôi chơi với những đứa trẻ. Chúng ở trong những nhà riêng, có những chấn song sắt rất cao bao quanh. Tôi không rõ những chấn song dùng vào việc gì, và cũng không dám hỏi. Có lẽ, để chúng ngăn những người điên làm hại đến bọn trẻ? Trong nhà riêng khá tối, nhưng người ta đang mở song sắt để bọn trẻ ra ngoài chơi. Chúng, hầu hết còm nhom, bẩn thỉu, mũi thò lò và móng tay cáu ghét, xây xước đầy mình… Đôi mắt chúng, tuy đầy vui tươi, vẫn thấp thoáng nét man dại. Chúng bảo chúng tôi ngồi sát vào, rồi nắm tay chúng tôi, ôm chúng tôi. Rồi có đứa kéo tay tôi đi khắp nơi, không nghỉ. Có đứa bắt chúng tôi chơi theo đúng một cách, và chúng tôi không được chơi với ai khác ngoài nó. Có lẽ, với tôi, đó là những kỷ niệm ấm áp của chuyến đi này.
 
Còn nhớ, Helen Keller, sau một trận sốt kịch liệt thuở bé, trở nên câm điếc mù loà. Nhưng sau này, bà là một diễn giả, và một tác giả tuyệt vời, một nhà hoạt động nhân đạo xuất sắc người Mỹ. Được như thế, là bởi đằng sau bà có bố mẹ, người đã giữ đứa con bất hạnh, ngỗ ngược, gắt gỏng do không thể tiếp xúc, không thể hiểu thế giới bên ngoài ở nhà, thay vì đưa nó tới trại tế bần. Đằng sau bà có cô giáo, người chịu để bị cào cấu, thét vào mặt, bị đấm thùm thụp, chịu để súp vãi tung toé ra người, chỉ để đứa trẻ kém may mắn nọ cầm được thìa súp. Còn đằng sau những người thừa thẹo kia, những đứa trẻ vô thừa nhận kia, là những người ban phát. Họ phát chút thương hại, chút nước mắt, vãi chút tiền làm phúc, chút của bố thí… Ta cũng chẳng làm gì được hơn: ta không có tiền, mà nếu có tiền, ta cũng còn phải để dùng vào những mục đích cá nhân. Ta cũng là những kẻ ban phát!? 
 
Và khi đứng đó, giữa những người điên, những kẻ thừa thẹo, những người xấu xí không còn mang cái hình dáng con người, ta nhận thấy mình mới là người đáng sợ: ta giả tạo. Ta phân phát có vẻ như bà tiên làm phúc, nhưng lại ngại ngùng và sợ hãi những khuôn mặt lạ kỳ mới quen, sợ những cái nắm tay, cái ôm từ những bàn tay bẩn thỉu, sợ bệnh AIDS lan ra sau một cú quặp chặt của những móng tay cáu bẩn...
 
Nhưng rồi, cuối cùng, sau khi đã rời xa cái nơi có những con người làm ta thấy sợ đó, ta bị ám ảnh rất nhiều. Để rồi, đọng lại trong suy nghĩ, như một điều nhắc nhở, là lần sau, đừng có hậm hực việc mất một ngày nghỉ, để đi gặp những con người như thế, và nhất là đừng mang tư duy ban phát đến những nơi như thế…
 
Làm từ thiện, đừng có phân phát như bà tiên làm phúc, nhưng lại ngại ngùng và sợ hãi những khuôn mặt lạ kỳ mới quen, sợ những cái nắm tay, cái ôm từ những bàn tay bẩn thỉu, sợ bệnh AIDS lan ra sau một cú quặp chặt của những móng tay cáu bẩn... 

Ngô Gia Thiên An/Tạp chí Gia đình và Trẻ em