Thứ trưởng Lê Quân chủ trì Họp báo
Doanh nghiệp đồng hành đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp
Thông tin tại buổi Họp báo chiều 11/11 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Quân cho biết, Diễn đàn quốc gia "Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam" (Skilling up Vietnam) có chủ đề "Doanh nghiệp đồng hành đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp".
Thứ trưởng Lê Quân chia sẻ: “Đất nước chúng ta đang trong giai đoạn phát triển, GDP đã có những phát triển với tốc độ nhanh so với các quốc gia khác nhưng vẫn còn thấp so với kỳ vọng. Để tạo ra sự phát triển mạnh hơn nữa và bền vững cần phải có sự phát triển đột phá về Giáo dục nghề nghiệp nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ.
Hiện tại, với 55 triệu lao động, còn lượng lớn lao động chưa được đào tạo nâng cao trình độ và kỹ năng nghề nghiệp. Các doanh nghiệp tại Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI cần nhiều lao động có trình độ cao, hiện tại còn nhiều bất cập trong giáo dục nghề nghiệp, không đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Thứ trưởng Lê Quân nhấn mạnh sự tham gia của doanh nghiệp cùng giáo dục nghề nghiệp, làm sao giải quyết được nhu cầu của doanh nghiệp và khả năng cung ứng nguồn nhân lực của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, thu hút sự ủng hộ của người dân vào học nghề. Vì vậy, vai trò của Doanh nghiệp là hết sức quan trọng trong việc đồng hành nâng cao chất lượng lao động. Trong khi đó, tâm lý xã hội về giáo dục nghề nghiệp chưa được thay đổi tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển giáo dục nghề nghiệp.
"Vào giai đoạn mới, giáo dục nghề nghiệp là con đường có kỹ năng nhanh nhất, gia nhập thị trường lao động sớm nhất, có việc làm tốt, thu nhập ổn định đang nhận được sự quan tâm của xã hội", Thứ trưởng Lê Quân nói.
Không chỉ nhắm đến đối tượng học sinh cấp 2, cấp 3 mà còn hướng đến vài chục triệu người lao động cần đào tạo lại, Thứ trưởng Lê Quân chỉ ra cùng đào tạo lại là vai trò của giáo dục nghề nghiệp. Diễn đàn lần này sẽ làm rõ mối quan hệ hợp tác giữa nhà trường - doanh nghiệp để giải quyết bài toán nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.
Theo Thứ trưởng Lê Quân, nhà trường - doanh nghiệp phải hợp tác với nhau từ khâu xác định nhu cầu đào tạo, thiết kế chương trình đào tạo đến cùng nhau tuyển sinh, cùng nhau đào tạo, giải quyết việc làm cho người học, tổ chức chương trình đào tạo song hành gắn đào tạo lý thuyết ở trường và thực hành tại doanh nghiệp. Làm được như vậy, khi đó doanh nghiệp sẽ có nhân lực, còn phía nhà trường có khả năng thu hút học sinh, sinh viên.
Thứ trưởng Lê Quân, và các đồng chí Trương Anh Dũng, Đỗ Năng Khánh và Nguyễn Thị Việt Hương - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục Nghề nghiệp trả lời phỏng vấn báo chí.
Diễn đàn lớn nhất từ trước đến nay về Giáo dục nghề nghiệp
Theo ông Trương Anh Dũng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục giáo dục nghề nghiệp, mục tiêu chính của Diễn đàn nhằm khẳng định tầm nhìn và khát vọng trong chuẩn bị nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng góp phần nâng cao năng suât lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế, góp phần xây dựng quốc gia khởi nghiệp, đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, trở thành nước phát triển vào năm 2045.
Diễn đàn cũng đưa ra thông điệp về vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp; chuyển mạnh theo hướng đào tạo nghề nghiệp gắn với doanh nghiệp, theo địa chỉ đặt hàng và thị trường lao động. Đây cũng là dịp để đánh giá về kết quả thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp sau 03 năm triển khai, đẩy mạnh truyền thông, quảng bá về vai trò của giáo dục nghề nghiệp.
Theo đó, Diễn đàn gồm ba phiên thảo luận chính: Nguồn nhân lực có kỹ năng - Chìa khóa để nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia; Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp - Nhân tố quyết định nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam; Doanh nghiệp đồng hành đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.
Trước đó vào chiều 15-11 sẽ diễn ra năm hội thảo chuyên đề với các nội dung: Khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo và đào tạo nghề nghiệp đáng ứng yêu cầu cách mạng 4.0; Thực trạng và giải pháp gắn kết giáo dục nghề nghiệp và người đào tạo doanh nghiệp; Phát triển đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp và người đào tạo trong doanh nghiệp; Tổ chức và hoạt động của Hội đồng kỹ năng - Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam; Đổi mới cơ chế tài chính trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Bên cạnh đó còn có các hoạt động trưng bày mô hình, hình ảnh và trang thiết bị đào tạo; các hoạt động ký kết thỏa thuận hợp tác.
Kết thúc Diễn đàn, đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về các giải pháp đột phá phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề; chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương, các Hiệp hội nghề nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp vào cuộc mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa trong phát triển kỹ năng, đổi mới, tăng quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.
Mai Anh/ GĐTE