Theo đó, 12 tỉnh, thành phố có đông đồng bào dân tộc Dao sinh sống như: Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Sơn La, Lai Châu, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Quảng Ninh và Thanh Hóa sẽ hội tụ về Ngày hội.
Đây cũng là dịp để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Dao trong thời kỳ đất nước hội nhập, phát triển.
Dân tộc Dao nằm trong nhóm các dân tộc theo ngôn ngữ, nhóm ngôn ngữ Hmông-Dao, người Dao có chữ viết riêng là nôm Dao. Người Dao ở nước ta hiện nay ước tính có hơn 750.000 người, thường sống ở vùng lưng chừng núi hầu hết các tỉnh miền núi miền Bắc. Về hoạt động sản xuất, hình thức canh tác phổ biến của người Dao là làm nương, thổ canh trên hốc đá, ruộng. Nghề trồng bông, dệt vải phổ biến ở các nhóm Dao. Họ ưa dùng vải nhuộm chàm. Hầu hết các xóm đều có lò rèn để sửa chữa nông cụ, nhiều nơi còn làm súng hoả mai, súng kíp, đúc những hạt đạn bằng gang. Nghề thợ bạc là nghề gia truyền, chủ yếu làm những đồ trang sức...
Phụ nữ Dao mặc rất đa dạng, thường mặc áo dài, yếm, váy hoặc quần, y phục thêu rất sặc sỡ. Người Dao vừa tin theo các tín ngưỡng nguyên thuỷ, các nghi lễ nông nghiệp vừa chịu ảnh hưởng sâu sắc của Khổng giáo, Phật giáo và nhất là Đạo giáo. Người Dao có vốn văn nghệ dân gian phong phú, nhiều truyện cổ, bài hát, thơ ca.Trong khuôn khổ chương trình sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc như: Liên hoan văn nghệ quần chúng; trình diễn trang phục nữ truyền thống dân tộc Dao; trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hoá truyền thống dân tộc Dao. Bên cạnh đó là các hoạt động: Trưng bày, triển lãm “Sắc màu văn hóa dân tộc Dao”; giới thiệu ẩm thực dân tộc Dao; hoạt động thể thao truyền thống, trò chơi dân gian dân tộc Dao; hội thảo “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc Dao”… và các hoạt động giới thiệu, quảng bá du lịch.
Ảnh minh họa
Lễ Khai mạc tổ chức vào 20h ngày 29/9/2017 tại Quảng Trường Nguyễn Tất Thành, Tp Tuyên Quang và được truyền hình, truyền thanh trực tiếp trên sóng VTV và VOV. Lễ bế mạc, tổng kết tổ chức vào 14h30 ngày 30/9/2017 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Tuyên Quang. Ông Nguyễn Vũ Phan – Quyền Giám đốc sở VH-TT&DL tỉnh Tuyên Quang cho biết: Tuyên Quang đang chuẩn bị lực lượng gồm hơn 200 nghệ nhân, diễn viên quần chúng dân tộc Dao tiêu biểu tham gia Ngày hội.
Cũng trong dịp này, Lễ hội Thành Tuyên năm 2017 được tổ chức và kéo dài đến 4/10. Điểm nhấn của Lễ hội năm nay là Đêm hội Thành Tuyên được tổ chức vào lúc 20h ngày 30/9 tại Quảng Trường Nguyễn Tất Thành với 70 xe mô hình đèn Trung thu đẹp và ý nghĩa nhất được chọn lọc từ các xe mô hình.
Những xe mô hình đèn trung thu khổng lồ, độc đáo được chế tác từ bàn tay người Tuyên Quang mô phỏng các nhân vật yêu thích trong thế giới cổ tích huyền thoại, truyện ngụ ngôn, danh lam thắng cảnh, những địa danh khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Lễ hội Thành Tuyên từng được sách Kỷ lục Guiness Việt Nam xác nhận là Lễ hội có nhiều mô hình đèn Trung thu độc đáo, lớn nhất Việt Nam.
Bên cạnh đó, Lễ hội Thành Tuyên còn có các hoạt động: thi đấu thể thao, trưng bày giới thiệu ẩm thực các dân tộc tỉnh Tuyên Quang, chương trình nghệ thuật, trình diễn giới thiệu trang phục tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt. Cũng theo ông Nguyễn Vũ Phan, Lễ hội Thành Tuyên được tổ chức từ nhiều năm nay vào dịp Trung thu, lấy kinh phí từ nguồn xã hội hóa và thực sự trở thành Lễ hội của người dân Tuyên Quang chứ không chỉ dành riêng cho thiếu nhi.
Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ nhất và Lễ hội Thành Tuyên là dịp để Tuyên Quang giới thiệu với bạn bè trong nước và nước ngoài hình ảnh miền đất, con người và các giá trị di sản văn hóa của Tuyên Quang, đồng thời thu hút phát triển du lịch.