Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Lan tỏa phong trào đọc sách trong học sinh

Sách là tinh hoa của nhân loại, chứa đựng kho tàng kiến thức khổng lồ. Để duy trì, phát triển văn hóa đọc cho học sinh, thời gian qua, nhiều trường học luôn quan tâm, triển khai các mô hình thư viện, phong trào đọc sách phong phú, đa dạng và sáng tạo. Qua đó giúp các em lĩnh hội thêm nhiều kiến thức văn hóa - xã hội, góp phần hình thành và phát triển trí tuệ, nhân cách và lan tỏa văn hóa đọc, tạo “cầu nối” tri thức cho học sinh.

Dự án “Niềm vui đọc sách” lan tỏa tình yêu đọc sách tới học sinh Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ.

Dự án “Niềm vui đọc sách” lan tỏa tình yêu đọc sách tới học sinh Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ.

Nỗ lực xây dựng không gian “văn hóa đọc” trong trường học

Khác với thư viện truyền thống, một thư viện mở nơi sân trường rợp bóng cây xanh đã thu hút sự thích thú và ham đọc sách, báo hơn đối với học sinh. Thư viện có hàng nghìn đầu sách, chủ yếu là sách thiếu nhi, sách tham khảo, báo, truyện tranh, phù hợp với lứa tuổi học trò. Có thể nói, đây là một địa điểm lý tưởng giúp các em có tinh thần học tập thoải mái, dễ dàng trao đổi kiến thức, góp phần hình thành thói quen tự học, tự nghiên cứu của bản thân, nhất là khi văn hóa đọc đang dần bị lãng quên, độc giả trẻ chưa tìm thấy đam mê đọc sách bởi sự phát triển mạnh mẽ của các xu hướng công nghệ, tiện ích mới. Những mô hình sách độc đáo thú vị như “Thư viện xanh”, “Thư viện lớp học”, “Thư viện thân thiện”… của các trường trên cả nước sẽ đẩy mạnh phong trào đọc sách trong học đường.

Tại Trường Tiểu học Cao Bá Quát (xã Vinh Quang, TP. Kon Tum) vào giờ ra chơi, thay vì chạy nhảy, nô đùa, nhiều em học sinh nhanh chóng chạy lại tủ sách cuối lớp để tìm cho mình cuốn sách ưng ý. Cô Doãn Kim Huế - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cao Bá Quát cho biết: Ðể hình thành thói quen, kỹ năng và phong trào đọc cho các em, bên cạnh việc duy trì mô hình thư viện truyền thống với giá sách và bàn đọc, Nhà trường xây dựng mô hình “Tủ sách tại lớp” với 100 đầu sách tại mỗi lớp và thực hiện luân chuyển sách theo từng tuần; thiết kế những tủ sách, góc đọc, góc tra cứu trong khuôn viên trường; đồng thời thường xuyên bổ sung đa dạng các đầu sách để phù hợp với nhu cầu của học sinh. Ngoài ra, để truyền cảm hứng đọc cho các em, trong các buổi sinh hoạt chủ nhiệm cuối tuần, các buổi chào cờ, các buổi hoạt động ngoại khóa, Nhà trường thường chọn những quyển sách hay, ý nghĩa để giới thiệu đến các em và thường xuyên tổ chức các buổi chia sẻ, kể lại những câu chuyện, tác phẩm mà các em đã đọc bằng cách sân khấu hóa. Sau những buổi học, tủ sách tại các lớp lộn xộn, nhưng đây lại là niềm vui mỗi ngày của thầy cô giáo, bởi điều này chứng tỏ học sinh đã có thói quen và hứng thú hơn với việc đọc sách.

Em Trần Thị Khánh Phương, học sinh lớp 5D Trường Tiểu học Cao Bá Quát, chia sẻ: Em rất thích đọc sách, vào những giờ ra chơi, giờ nghỉ trưa em thường tìm đến đây để đọc sách. Từ việc đọc sách, em tìm được rất nhiều thông tin, kiến thức bổ ích, phục vụ cho việc học tập và cả những câu chuyện hay, ý nghĩa về người tốt việc tốt. Ðặc biệt, em thích đọc nhất là cuốn “Những câu chuyện kể về Bác Hồ”.

Có thể nói, ở lứa tuổi học sinh, hình thành thói quen đọc sách, làm bạn với những trang sách sẽ giúp các em phát triển tốt hơn về sự hiểu biết, vốn sống, cách ứng xử, chia sẻ với mọi người, trau dồi khả năng diễn đạt bằng ngôn ngữ nói và viết.

Nhận thấy việc đọc sách rất quan trọng trong sự phát triển của con người, nhất là từ lứa tuổi học sinh, một số phụ huynh có con em là học sinh cấp I đang theo học tại các trường trên địa bàn TP. Kon Tum đã thành lập CLB Sách Kon Tum, với mục đích tạo không gian, truyền cảm hứng, tạo thói quen đọc sách cho trẻ em vào những ngày nghỉ cuối tuần. Chị Ðỗ Thủy - Chủ nhiệm CLB Sách Kon Tum chia sẻ: Chúng tôi cùng có chung niềm đam mê đọc và sưu tầm sách kết nối lại với nhau thành lập nên CLB Sách. Ðây là nơi mà những ai yêu thích, có mong muốn đọc và tìm hiểu kiến thức từ sách đều có thể tham gia. Ðây cũng là nơi các em nhỏ và cha mẹ đến đọc sách và sinh hoạt vào các ngày nghỉ cuối tuần. Tại đây, các em được làm quen với sách, được cha mẹ hướng dẫn cách chọn sách và phương pháp đọc sách hiệu quả. Ngoài việc đọc sách, CLB còn tổ chức các hoạt động ngoài trời cho trẻ em trải nghiệm vui chơi và chia sẻ với nhau những câu chuyện đã đọc trong sách. Thông qua hoạt động, CLB lồng ghép kể những gương người tốt, việc tốt, các kỹ năng sống,...

Có thể thấy, những cách làm trên giúp các em làm quen, phát triển thói quen đọc sách ngay từ lứa tuổi học sinh, góp phần lan toả văn hóa đọc trong cộng đồng. Ðồng thời, huy động được sự góp sức của các bậc phụ huynh, thầy cô giáo trong việc hướng dẫn trẻ cách chọn sách, phương pháp đọc sách hiệu quả, qua đó hỗ trợ học tập, trau dồi kiến thức, khơi dậy niềm đam mê đọc sách.    

Giáo viên cùng đọc sách với học sinh.

Giáo viên cùng đọc sách với học sinh.

Tạo hứng thú đọc sách cho học sinh

Tại Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ (Ðại học Quốc gia Hà Nội), dự án “Niềm vui đọc sách” được xây dựng để tạo hứng thú của học sinh, định hướng cách đọc và chia sẻ vốn đọc. Mỗi lớp chia thành các nhóm nhỏ (theo thể loại). Từ các nhóm nhỏ, trên cơ sở tương tác về cuốn sách của nhau, học sinh trong nhóm chọn ra cuốn sách của nhóm mình. Sách được cả nhóm đọc kĩ để chuẩn bị cho việc mô phỏng bằng tranh vẽ, thuyết trình, thảo luận về các vấn đề đặt ra trong cuốn sách. Cuốn sách mà nhóm chọn được sống trong một môi trường đặc biệt: vừa sinh động hóa vừa chuyên sâu hóa. Từ các cuốn “sách nhóm”, học sinh thống nhất chọn lọc tiếp một cuốn “sách cái” (còn gọi là “sách đinh”) để tiếp tục cùng giáo viên trao đổi, bàn luận. Kết thúc dự án “Niềm vui đọc sách” là một bài viết thu hoạch đòi hỏi học sinh trình bày, đánh giá về bài học cuộc sống mà cuốn “sách cái” đặt ra hoặc ấn tượng, cảm xúc về cuốn sách mà học sinh đó chọn ngay từ đầu.

Với cách triển khai này, giáo viên có thể kiểm tra mức độ tương tác của học sinh qua việc hỏi về cuốn sách mà trẻ cùng nhóm đã chọn. Hơn nữa, qua việc vẽ tranh, thuyết trình, trưng bày sách, thảo luận, giáo viên có thể đánh giá được các kĩ năng toàn diện của học sinh. Các năng lực nghe - nói - đọc - viết đều được huy động trong hoạt động này. Việc đánh giá học sinh không trở nên cứng nhắc, một chiều mà rất linh hoạt và đa diện. Các em đã dùng hình thức tranh biện để đưa ra các góc nhìn khác nhau về cuốn sách. Năng khiếu tổ chức được kích hoạt, khả năng nói trước đám đông và tinh thần làm việc nhóm được thể hiện. Trong hoạt động này, giáo viên dần dần cũng được học sinh cuốn vào cuộc chơi. Giáo viên trở thành người bạn cùng đọc, cùng suy nghĩ với học sinh. Mỗi cuốn sách không chỉ mở ra chân trời mới đối với học sinh, mà còn mang đến sự mới mẻ đối với người dạy học. Học sinh dần nhận ra ý nghĩa sâu sắc của việc đọc sách.

Mong rằng, những nỗ lực xây dựng không gian “văn hóa đọc” trong trường học sẽ tạo môi trường lành mạnh giúp học sinh rèn luyện thói quen tiếp xúc hàng ngày với tri thức mới qua những trang sách, từ đó góp phần nuôi dưỡng tâm hồn và hình thành nên những tính cách tốt đẹp cho học sinh.