Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Lan tỏa thông điệp về bình đẳng giới

 Trao giải Cuộc thi thiết kế bộ nhận diện Tháng hành động vì bình đẳng giới

Ngày 24/9 Lễ công bố kết quả Cuộc thi và trao giải cho các tác giả đạt giải đã được tổ chức tại Hà Nội

Xây dựng bộ sản phẩm truyền thông mẫu

Ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới cho biết, Hiến pháp 2013 đã khẳng định nguyên tắc bình đẳng giới, như một cam kết mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị trong việc thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam. Điểm nổi bật trong thực thi bình đẳng giới ở Việt Nam là việc hoàn thiện khung luật pháp, chính sách về bình đẳng giới đã tạo điều kiện cho phụ nữ có cơ hội tiếp cận và tham gia nhiều hơn vào các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bên cạnh đó, hệ thống cán bộ làm công tác bình đẳng giới ở các cấp, các ngành đã từng bước được hoàn thiện góp phần vào những nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều thách thức, trở ngại trong tiến trình thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam. Đặc biệt, bạo lực trên cơ sở giới được xem như là một trở ngại lớn trong việc giảm bất bình đẳng giới ở Việt Nam và nguyên nhân chính dẫn đến bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái bắt nguồn từ tư tưởng định kiến giới. Với một quốc gia mang đậm văn hóa Nho giáo, việc thay đổi văn hóa truyền thống trọng nam hơn nữ không phải là một việc làm đơn giản, có thể thực hiện trong một sớm một chiều mà đòi hỏi sự nỗ lực bền bỉ với sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân.

Thực hiện Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020, bắt đầu từ năm 2016, Bộ LĐTBXH được giao chủ trì triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới với mục đích tạo một chiến dịch truyền thông rộng lớn trên khắp toàn quốc để thu hút sự tham gia, vào cuộc và sự chung tay thúc đẩy bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới ở Việt Nam. Trong 3 năm vừa qua, đã có nhiều hoạt động thiết thực được tổ chức triển khai từ trung ương tới cơ sở nhằm nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi của mọi tầng lớp nhân dân về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới. 
 
Trao giải Cuộc thi thiết kế bộ nhận diện Tháng hành động vì bình đẳng giới - Ảnh 3.
 
Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới Phạm Ngọc Tiến chia sẻ về tháng hành động.

Hướng tới Tháng hành động năm 2019, trong khuôn khổ hợp tác thúc đẩy bình đẳng giới, Vụ Bình đẳng giới, Bộ LĐTBXH phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và Cơ quan Hợp tác phát triển Hàn Quốc (KOICA) tổ chức Cuộc thi thiết kế Bộ nhận diện các sản phẩm truyền thông cho Tháng hành động nhằm tìm kiếm ý tưởng xây dựng một bộ sản phẩm truyền thông mẫu đầy đủ, thống nhất, đẹp, hấp dẫn, có khả năng truyền tải các thông điệp và dễ sử dụng cho các tài liệu truyền thông và các sự kiện hưởng ứng Tháng hành động. 

Cuộc thi cũng nhằm lan toả thông điệp về bình đẳng giới, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của cộng đồng về xây dựng cuộc sống bình đẳng và không bạo lực, đồng thời huy động cam kết của các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc phối hợp triển khai các hoạt động của Tháng hành động và sử dụng thống nhất bộ nhận diện các sản phẩm truyền thông của Tháng hành động. 
 
 
 
Họa sĩ Lưu Tuấn Anh – tác giả đoạt giải nhất cuộc thi chia sẻ cảm xúc và quá trình thiết kế Bộ nhận diện. 

Phải nâng cao ý thức về bạo lực giới ở trong xã hội

Họa sĩ Lưu Tuấn Anh – tác giả đoạt giải nhất cuộc thi chia sẻ, anh rất ngỡ ngàng, vui sướng và vinh dự khi được đóng góp một phần cho phong trào bình đẳng giới tại Việt Nam. 

Chia sẻ về ý tưởng mẫu thiết kế, anh Tuấn Anh cho biết, đây là một “đề bài” khó, cơ hội để tác giả sáng tạo không nhiều. Do đó, anh đã phải nghiên cứu rất kỹ, thiết kế một số phương án và tự mình loại bỏ dần để có được Bộ sản phẩm ưng ý nhất. “Trước đó, tôi đã nghiên cứu về phong trào Ruy băng trắng (Chiến dịch Ruy băng trắng là phong trào toàn cầu với sự tham gia của nam giới và trẻ em nhằm mục đích chấm dứt hành vi bạo lực của nam giới đối với phụ nữ và trẻ em gái, phong trào được khởi xướng bởi nam giới Canada. Sau đó chiến dịch ruy băng trắng bắt đầu từ năm 1991 và trở thành chiến dịch của nam giới chống lại bạo lực đối với phụ nữ lớn nhất thế giới và đã được lan rộng ở hơn 60 quốc gia trên thế giới chiến dịch này nhằm kêu gọi sự tham gia chầm dứt bạo lực với phụ nữ của tất cả mọi người, đặc biệt là nam giới hướng tới xây dựng một xã hội văn minh, hạnh phúc và phát triển bền vững). Đó là câu chuyện rất hay, gợi cho tôi nhiều cảm xúc, từ đó tôi có cảm hứng để sáng tạo”, anh tâm sự. 

Chia sẻ về thực trạng bạo lực giới tại Việt Nam, anh Tuấn Anh cho biết: Tôi thấy ở xã hội Việt Nam đối tượng phụ nữ vẫn là người chịu thiệt thòi và trong nhiều tình huống còn gọi là bất công. Những vụ bạo lực gia đình vẫn xảy ra hàng ngày xung quanh chúng ta mà nạn nhân chủ yếu vẫn là phụ nữ. Đó là một thực trạng xã hội đáng buồn cần phải thay đổi. Theo tôi, muốn phòng chống bạo lực trên cơ sở giới cần hội tụ nhiều yếu tố: thứ nhất cần phải nâng cao ý thức về bạo lực giới ở trong xã hội. Người phụ nữ cần phải lên tiếng khi bị bạo lực không được im lặng vì điều này sẽ có hại cho chính họ và cho xã hội. Thái độ của mọi người trong xã hội phải bày tỏ quan điểm rõ ràng bảo vệ nạn nhân chưa nói đến vai trò pháp luật.
 
Cũng tại sự kiện, thông tin từ Hội thảo tham vấn Kế hoạch truyền thông Tháng hành động vì bình đẳng giới năm 2019 cho thấy, Lễ Phát động quốc gia sẽ dự kiến tổ chức vào ngày 09/11/2019 tại tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề “Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em”. Các địa phương, tùy theo tình hình cụ thể, tổ chức phát động Tháng hành động từ ngày 10 đến 15/11.

Thảo Vân/GĐTE