Theo thống kê từ Bộ Thông tin và Truyền thông, có 30% số lượng người đọc sách thường xuyên, 44% số lượng người thỉnh thoảng đọc sách và 26% số lượng người không đọc sách trong khi đó số lượng người truy cập vào internet ngày càng nhiều. Văn hóa đọc hiện đang đứng trước nhiều mối nguy cơ bị “thay thế” bởi sự phát triển của công nghệ thông tin, vậy nên văn hóa đọc cần được lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa trước tiên là lan tỏa văn hóa đọc trong gia đình và trường học.
Văn hóa đọc bắt nguồn từ gia đình
Gia đình là nơi đọc sách và kể chuyện được phát triển, khi còn bé chúng ta thường được cha mẹ hoặc người thân đọc truyện, đọc sách để giải trí và học hỏi. Khi lớn lên đọc sách trở thành việc không thể thiếu trong cuộc sống.
Nói về văn hóa đọc xuất phát từ gia đình, nhà báo Phạm Hồng Tuyến cho rằng: “Giáo dục phải bắt nguồn từ gia đình, như việc vứt rác khi bố mẹ nói không được vứt rác bừa bãi nhưng lại không làm gương cho con thì không bao giờ con nghe cả, việc đọc sách cũng thế nếu chỉ giục con đọc sách thì con cũng không đọc vậy nên bố mẹ phải đồng hành cùng con.”
Gia đình có vai trò quan trọng trong việc khuyến khích đọc sách ở trẻ nhỏ. Cha mẹ tham gia vào quá trình đọc sách cùng con sẽ giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, tư duy và nâng cao kiến thức. Luôn đồng hành cùng con đọc sách, chị Lê Thu Hà (phường Quan Hoa, Cầu Giấy) cho biết: “Việc đọc sách, cùng con trao đổi những kiến thức vừa giúp gia đình thêm gắn kết vừa hình thành thói quen từ nhỏ cho con. Nên dù bận đến mấy, cuối tuần gia đình tôi luôn dành thời gian tham gia các hoạt động đọc sách cùng con.”
Cuối tuần thay vì chơi game, xem điện thoại, em Như Quỳnh đã đến thư viện đọc sách cùng mẹ. Những cuốn sách về lịch sử, Bác Hồ luôn có sự thu hút với em. Được đọc sách, tiếp thu nhiều điều bổ ích giúp em tránh xa điện thoại và có thêm cái nhìn phong phú hơn về cuộc sống. Đó là những chia sẻ của em Nguyễn Như Quỳnh lớp 4a trường Tiểu học Liên Mạc.
Trong thời đại công nghệ số hiện nay, duy trì thói quen đọc sách trong gia đình cần được lan tỏa. Được đọc sách từ sớm có tầm ảnh hưởng lớn trong rèn luyện nhân cách, khả năng tư duy, bồi đắp kiến thức, giúp trẻ quên đi sự phụ thuộc vào các thiết bị công nghệ hiện đại.
Kết nối văn hóa đọc trong trường học
Cùng với xã hội và cái nôi từ nền tảng gia đình, trường học cũng là nơi kết nối, phát triển văn hóa đọc. Trong môi trường sư phạm, văn hóa đọc rất cần thiết với học sinh để giúp các em phát triển ngôn ngữ, bồi dưỡng tâm hồn phong phú, tình yêu còn người, yêu cuộc sống, biết đánh giá đúng sai theo chuẩn mực đạo đức và có thêm nhiều vốn sống.
Để lan tỏa văn hóa đọc, trường học có thể tổ chức các hoạt động liên quan đến đọc sách như: đọc sách truyền cảm hứng, thảo luận sách, những cuộc thi đọc truyện hay giới thiệu những cuốn sách hay,... Điều này giúp các em học sinh có cơ hội tiếp cận với nhiều cuốn sách và phát triển kỹ năng tư duy, sáng tạo. Ngoài ra việc xây dựng tủ sách, thư viện sách cũng là một cách hiệu quả để giới thiệu sách đến các em học sinh.
Luôn đổi mới, xây dựng nhiều hoạt động để khuyến khích các em học sinh đọc sách, cô Trần Thị Quỳnh Hương - Phó hiệu trưởng trường THCS Thành Công (Quận Ba Đình) chia sẻ: “Nhà trường luôn có các hoạt động để hình thành văn hóa đọc cho học sinh như: xây dựng tủ sách trong từng lớp học để khuyến khích học sinh đọc trong những thời gian nghỉ ngơi; mỗi tháng có các bài giới thiệu hay trước trường do các lớp đảm nhận; sân khấu hóa các tác phẩm có giá trị, hoạt động vẽ tranh minh họa cho bìa sách em yêu; tới đây khi cơ sở vật chất hoàn thiện, nhà trường đang xây dựng thư viện hiện đại với các hoạt động phong phú để học sinh tham gia.”
Lan tỏa văn hóa đọc trong gia đình và nhà trường là cơ sở để xây dựng một xã hội văn minh và phát triển. Đi cùng với gai đình và nhà trường, xã hội cần tạo điều kiện để chung tay xây dựng môi trường đọc sách thân thiện, lành mạnh, giúp mọi người đều được tiếp cận với tri thức và bồi dưỡng bản thân.