Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Lan tỏa “vitamin Hạnh phúc" tới các em nhỏ đặc biệt

Dịch bệnh kéo dài dẫn tới nhiều biến động trong đời sống sinh hoạt của các gia đình. Điều này khiến nhóm trẻ đặc biệt (trẻ tự kỷ, trẻ khuyết tật, trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn) dễ cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi và có những phản ứng tiêu cực, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất.

Triển lãm gây Quỹ Xưởng nghệ thuật tại Toong IPH

Triển lãm gây Quỹ Xưởng nghệ thuật tại Toong IPH

Với nhóm trẻ đặc biệt, dịch Covid-19 khiến các em bị giới hạn không gian, hạn chế các tương tác xã hội, lịch trình học tập - sinh hoạt bị thay đổi, áp lực khiến các em dễ cáu kỉnh, bất an, lo lắng, hoặc có những phản ứng tiêu cực như tự làm đau bản thân. Đồng thời, thể chất các em cũng bị ảnh hưởng do không được vận động nhiều, trong khi việc vận động thể chất giúp tiêu tốn năng lượng dư thừa và những trạng thái tinh thần tiêu cực.

Khơi gợi tình yêu nghệ thuật cho trẻ đặc biệt

Trải nghiệm nghệ thuật là phương pháp tích cực để các em có thể thả lỏng, thư giãn, giảm hội chứng lo âu, căng thẳng, kích thích sáng tạo.

Tác phẩm Hình khối của em NSB Bình Minh trong triển lãm Không thời gian.

Tác phẩm Hình khối của em NSB Bình Minh trong triển lãm Không thời gian.

Với mong muốn đồng hành cùng phụ huynh trong việc chăm sóc và nâng cao sức khỏe tinh thần của trẻ đặc biệt (tự kỷ, chậm phát triển) từ 7 tuổi trở lên, yêu thích vẽ, có khả năng tạo hình cơ bản, thời gian giãn cách, Tòhe vừa tổ chức chuỗi workshop nghệ thuật trực tuyến miễn phí dành cho trẻ đặc biệt mang tên “Vitamin Hạnh phúc”. Tham gia chương trình, các bạn nhỏ có cơ hội khám phá bản thân và thế giới muôn sắc màu thông qua câu chuyện, hình ảnh, biểu tượng. Mỗi tuần học là mỗi chủ đề riêng biệt được thiết kế với mô hình 3H (Head - Hand - Heart) để phát triển về kiến thức, kỹ năng, cảm xúc. Trẻ được khơi gợi, hướng dẫn để tự tin bộc lộ và sáng tạo theo khả năng và cá tính của mình. 

“Qua 15 năm đồng hành, hướng dẫn các bạn nhỏ tự kỷ trải nghiệm các hoạt động nghệ thuật, sáng tạo, chúng tôi nhận ra, tự kỷ không phải là một khiếm khuyết. Những nghệ sỹ bé đặc biệt của Tòhe có tài năng độc đáo, riêng biệt đáng ngưỡng mộ. Đối với chúng tôi, các em không chỉ là những người bạn, người nghệ sỹ rất hồn nhiên và tự do, các em giúp chúng tôi nhận ra tình yêu thương, lòng kiên nhẫn và sự ấm áp trong những tâm hồn thuần khiết, đẹp đẽ.”

Chị Phan Thanh Vân - Giám đốc điều hành Tòhe

Sau khóa học, tranh vẽ của các em nhỏ sẽ được chọn lọc và có cơ hội sử dụng làm hình in trên một số sản phẩm quà tặng không mang mục đích thương mại của Ban tổ chức. Mỗi bạn nhỏ có tranh vẽ được lựa chọn sẽ nhận được một phần quà đặc biệt từ Ban tổ chức chương trình. Thông qua khóa trải nghiệm, các em nhỏ đặc biệt có thể lan tỏa những năng lượng tích cực bằng chính sự hồn nhiên của mình, trở thành những “vitamin Hạnh phúc”, góp phần cải thiện sức khỏe tinh thần của không chỉ các em mà còn cả gia đình và cộng đồng.

Chị Mộng Thu - phụ trách chuyên môn tại Dự án Tòhe Fun cho biết, chương trình tiếp cận 15 nghìn người trên Fanpage và gần 200 đơn đăng kí tham gia.  Mỗi buổi học có 60-70 học sinh (trong độ tuổi từ 6-17) là trẻ tự kỉ, trẻ chậm phát triển trí tuệ tham dự. Các bạn hưởng ứng tích cực và hợp tác dù học trên nền tảng trực tuyến với 2 cô giáo. Các gia đình phần lớn hài lòng và bày tỏ mong muốn được tiếp tục các khóa trải nghiệm nghệ thuật tương tự sau đó.

Giúp trẻ đặc biệt cải thiện và phát triển kiến thức, kỹ năng, cảm xúc

Trẻ đặc biệt chăm chú lắng nghe phần giới thiệu chủ đề buổi học.

Trẻ đặc biệt chăm chú lắng nghe phần giới thiệu chủ đề buổi học.

Tình nguyện viên cùng trẻ đặc biệt vẽ tại Trung tâm Tottochan.

Tình nguyện viên cùng trẻ đặc biệt vẽ tại Trung tâm Tottochan.

Nhiều năm qua, Tòhe đã mở nhiều sân chơi đại trà, các lớp đào tạo chuyên sâu với nghệ sỹ, khóa trải nghiệm trực tuyến, các chương trình triển lãm nghệ thuật giới thiệu tác phẩm và tranh vẽ của trẻ. Những sân chơi này đã tác động tích cực, giúp trẻ tự tin, tự do bộc lộ bản thân và khơi mở sáng tạo. Trẻ được tạo môi trường và không gian an toàn để trải nghiệm các hoạt động. Có thể nói, các trải nghiệm nghệ thuật đã giúp trẻ đặc biệt cải thiện và phát triển về kiến thức, kỹ năng, cảm xúc.

Theo chị Mộng Thu, thông qua trải nghiệm nghệ thuật, trẻ sẽ hiểu và nhớ kiến thức về tạo hình; phương pháp tạo hình (trẻ biết các khái niệm về đường nét, màu sắc, phân biệt các hình, tỉ lệ…); Trẻ biết cách sử dụng đa dạng chất liệu và kĩ năng để tạo tác phẩm. Về kỹ năng, trẻ cải thiện và phát triển kỹ năng vận động tinh thông qua các hoạt động thực hành (cầm, nắm, chấm, pha màu, cắt, xé,sử dụng các họa cụ, phối hợp tay,mắt…); Cải thiện các giác quan: thị giác, xúc giác, thính giác (trẻ học cách quan sát, cảm nhận chất liệu…); Cải thiện kỹ năng tập trung, làm chủ các hành vi một cách có ý thức thông qua các chất liệu, dụng cụ và màu sắc. Về cảm xúc, trẻ biết cách bộc lộ cảm xúc, biểu đạt bản thân thông qua tác phẩm (suy nghĩ, tình cảm, mong muốn…); Giảm các triệu chứng căng thẳng, lo âu; Cải thiện kỹ năng giao tiếp xã hội (giao tiếp, nghe và hiểu thông điệp); Phát triển năng lực hợp tác: trẻ cảm thấy tự tin, thoải mái khi tham gia hoạt động tập thể và sử dụng nguyên liệu, công cụ mới.

Trẻ giới thiệu tác phẩm trong triển lãm mini cuối buổi học.

Trẻ giới thiệu tác phẩm trong triển lãm mini cuối buổi học.

Chị Thu cho hay, trong các năm tiếp theo, Tòhe vẫn tiếp tục tổ chức 3 mô hình gồm: Sân chơi trải nghiệm nghệ thuật đại chúng, lớp đào tạo chuyên sâu với nghệ sỹ, xưởng hướng nghiệp và đào tạo nghề cho trẻ tự kỷ. Định kỳ vào tháng 4 hằng năm, Tòhe sẽ tổ chức các triển lãm nghệ thuật để giới thiệu câu chuyện, tác phẩm của các bạn nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về nhóm trẻ đặc biệt, tôn vinh vẻ đẹp trong tranh của trẻ. Bên cạnh đó, Tòhe tiếp tục phát triển các dự án hợp tác với các bên đối tác đa lĩnh vực để xây dựng nhiều chương trình mới cho trẻ. Các khóa chia sẻ kỹ năng và cách làm việc với trẻ đặc biệt về nghệ thuật cho nhóm đồng hành gồm giáo viên và phụ huynh cũng sẽ sớm được ra mắt.