Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Lan tỏa “Vũ điệu kết đoàn” trong trường học

“Vũ điệu kết đoàn”- tác phẩm hiệu triệu tình đoàn kết dân tộc do bà Tòng Thị Phóng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội sáng tác. Vũ điệu không chỉ hiện diện trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Sơn La mà còn lan tỏa đến các trường học trên địa bàn tỉnh và mọi miền Tổ quốc.

“Vũ điệu kết đoàn” được lan tỏa tới nhiều trường học.

“Vũ điệu kết đoàn” được lan tỏa tới nhiều trường học.

Vũ điệu giúp học sinh giải tỏa căng thẳng trong học tập

“Vũ điệu kết đoàn” là một tác phẩm nghệ thuật đặc biệt, được tác giả Tòng Thị Phóng sáng tác bằng những tình cảm, tâm huyết của một người con sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Sơn La giàu truyền thống cách mạng, văn hóa, thấm đượm tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em. Một tác phẩm chỉ kéo dài gần 5 phút nhưng chứa đựng dung lượng hết sức lớn về ngôn ngữ múa của các dân tộc, tích hợp sự giao thoa về văn hóa nói chung, nghệ thuật múa nói riêng. Vũ điệu hội tụ nhiều điệu múa truyền thống của các dân tộc như Thái, Mông, Mường, Khơ Mú, Dao… đã được học sinh trong các trường học thể hiện bằng chính sự đam mê và nhiệt huyết của mình.

Tại Trường THCS Võ Thị Sáu, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La mỗi khi tới giờ ra chơi lại ngân vang âm nhạc bài “Vũ điệu kết đoàn”. Trên nền nhạc cuốn hút, các em học sinh say sưa thể hiện từng động tác vừa uyển chuyển, tinh tế, vừa khỏe khoắn, sinh động. Từ khi “Vũ điệu kết đoàn” được lan tỏa, Trường THCS Võ Thị Sáu là 1 trong những trường trên địa bàn huyện Phù Yên tiên phong tập luyện vũ điệu.

Sau khi “Vũ điệu kết đoàn” của nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả, tác phẩm đã được phổ biến, lan tỏa sâu rộng bằng nhiều hình thức tới nhiều trường học, cộng đồng trong nước và quốc tế.

Cô giáo Ðặng Thị Phượng - Trường THCS Võ Thị Sáu cho biết, “Vũ điệu kết đoàn” đã không còn xa lạ với thầy và trò Trường THCS Võ Thị Sáu, tất cả chúng tôi đã rất quen thuộc với vũ điệu này. Ngay từ đầu năm học, Nhà trường đã có kế hoạch luyện tập “Vũ điệu kết đoàn” cho các em học sinh. Không chỉ luyện tập trong những ngày trọng đại mà trong cả những hoạt động giữa giờ hàng ngày, thông qua đó giúp các em giải tỏa căng thẳng trong học tập.

Em Nguyễn Ngọc Phương Anh, lớp 8 A1, Trường THCS Võ Thị Sáu chia sẻ, “Vũ điệu kết đoàn” được em và các bạn luyện tập bằng tâm huyết của mình. Khi tập vũ điệu này, chúng em được đắm chìm trong những giai điệu rất gần gũi, thân thuộc.

Em Lưu Ðỗ Bảo Anh, lớp 6 A1, Trường Liên cấp Quốc tế Bình Minh, TP Sơn La cho biết, em thấy “Vũ điệu kết đoàn” còn khá mới đối với chúng em, nhưng khi biểu diễn vũ điệu này em thấy được nét đặc trưng trong từng điệu múa của 12 dân tộc anh em ở Sơn La. Em thấy rất thích!

Em Vũ Ngọc Linh, lớp 6A1, Trường Liên cấp Quốc tế Bình Minh chia sẻ, được tham gia trình diễn “Vũ điệu kết đoàn” em cảm thấy rất vui và tự hào, vì đây là vũ điệu thể hiện được sự đoàn kết của các dân tộc anh em. Là một người con Sơn La, em mong muốn và sẽ cố gắng lan tỏa nét văn hóa này không chỉ ở Việt Nam mà còn cả bạn bè trên thế giới.

Vũ điệu giúp học sinh giải tỏa căng thẳng trong học tập.

Vũ điệu giúp học sinh giải tỏa căng thẳng trong học tập.

Vũ điệu thể hiện tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc

Khi được tham gia “Vũ điệu kết đoàn”, các em học sinh được thể hiện tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc. Trên nền nhạc “Vũ điệu kết đoàn”, các học sinh trong những bộ trang phục dân tộc truyền thống đã khéo léo thể hiện từng động tác múa vừa mềm dẻo vừa khỏe khoắn, rất đẹp mắt. Các em như hòa mình vào điệu múa, cùng nhau truyền tải những thông điệp ý nghĩa của tác phẩm giá trị này.

Cô giáo Nguyễn Thị Huyền Trang - Trường Liên cấp Quốc tế Bình Minh, TP Sơn La cho biết, để lan tỏa “Vũ điệu kết đoàn”, Nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động cũng như các buổi luyện tập cho các em học sinh. Từ đó, có thể giúp các em nắm được những động tác có trong Vũ điệu. Tôi thấy rằng, “Vũ điệu kết đoàn” là món ăn tinh thần không thể thiếu của trường. “Vũ điệu kết đoàn” không đơn thuần chỉ là một sản phẩm nghệ thuật kết tinh những nét đẹp văn hóa của các dân tộc, mà còn là thông điệp của tình đoàn kết, sự gắn bó của các dân tộc; góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Với những ý nghĩa sâu sắc ấy, “Vũ điệu kết đoàn” đang ngày càng lan tỏa sâu rộng không chỉ trong các trường học trên địa bàn tỉnh mà còn với bạn bè trên khắp mọi miền Tổ quốc và quốc tế.

Học sinh trong trang phục các dân tộc thể hiện tinh thần đoàn kết trong Vũ điệu kết đoàn.

Học sinh trong trang phục các dân tộc thể hiện tinh thần đoàn kết trong "Vũ điệu kết đoàn".

Cô giáo Trần Thị Hồng Hạnh - giáo viên âm nhạc, Trường THCS Nguyễn Trãi, TP Sơn La cho biết, “Vũ điệu kết đoàn” đã được Nhà trường đưa vào các chương trình ngoại khóa, các hoạt động tập thể và được đông đảo các thầy cô giáo và các em học sinh hưởng ứng. Ðây là một vũ điệu rất quen thuộc với các em học sinh, phù hợp với bản sắc dân tộc. “Vũ điệu kết đoàn” có sức thu hút và lan toả rất lớn, là món ăn tinh thần hỗ trợ cho việc dạy và học trong nhà trường thêm tươi vui, sôi nổi và đoàn kết. Ðặc biệt, chương trình Giáo dục địa phương cũng đã đưa “Vũ điệu kết đoàn” vào chương trình học chính khóa. Trong các tiết học đã giúp học sinh hiểu biết sâu sắc về bản sắc văn hóa địa phương, giáo dục học sinh tính đoàn kết và thêm yêu quê hương đất nước, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc.

Cô Ðỗ Thu Thảo - Tổng phụ trách Ðội Trường Tiểu học Mộc Lỵ, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, chia sẻ: Là một giáo viên Tổng phụ trách, khi lựa chọn đưa bài “Vũ điệu kết đoàn” vào chương trình sinh hoạt tập thể cho giáo viên và gần 1.000 học sinh của toàn Liên đội, tôi gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với sự đoàn kết, giúp đỡ của các tổ chức đoàn thể trong nhà trường, chúng tôi đã thành công với 100% giáo viên và học sinh thực hiện rất đẹp Vũ điệu này. Tôi rất tự hào về điều ấy!