Người dân phơi cá.
Nơi cứu vớt dân nghèo
Làng chài định cư trên hồ thủy điện Sê San 4, xã La Tơi, huyện Sa Thầy (Kon Tum) giáp với xã Ia O, huyện La Grai (Gia Lai). Vừa đến nơi, chúng tôi đã nghe tiếng thuyền máy nổ hòa với tiếng gọi nhau í ới trong không khí tấp nập, nhộn nhịp những ngày đầu năm.
Lên chiếc thuyền nhỏ chờ sẵn, chúng tôi chèo vào nhà ông Nguyễn Văn Triều người khai phá ra nơi định cư mới này. Tiếp chúng tôi trên một căn nhà nổi, bên dưới là vuông bè có hàng tấn cá vẫy vùng, ông Triều kể về vùng quê nghèo khó, quanh năm chật vật với ruộng đồng chạy ăn từng bữa ở An Giang. Năm 2009 quê hương mất mùa, ông được một người bạn rủ lên Tây Nguyên mưu sinh. Nghĩ đến hai đứa con sắp phải bỏ học vì gia cảnh quá túng bấn, ông Triều thuyết phục vợ đồng ý bán đàn heo lấy 2 triệu đồng khăn gói lên đường.
Trong 2 năm làm thuê tại huyện Chư Sê (Gia Lai), ông Triều tìm hiểu kỹ về khả năng nuôi cá lồng ở lòng hồ thủy điện Sê San. Sau nhiều lần thử nghiệm, ông đã dựng được một túp lều lồ ô rộng 10m2 nổi trên mặt hồ, nhưng lại không biết cách đánh cá. Sau 4 tháng học nghề từ những người dân sống gần đó, liên tục điện thoại cho người bạn làng chài ở Huế hỏi kinh nghiệm, bị cụt một ngón tay vì làm vớ (vó kéo cá), ông Triều mới đưa được con cá nặng 7 kg đầu tiên đi chợ bán. Lại thêm hai năm đánh cá nữa, ông Triều dành dụm được 4 triệu đồng.
Tin vui lan về quê nhà. 13 hộ dân nghèo đồng hương của ông Triều, cùng 9 hộ bạn bè xứ Huế đã theo lời mời gọi của ông đến đây mưu sinh. Một làng chài giữa bốn bề rừng núi mọc lên.
Giấc mơ định cư cho con trẻ
Hồi đầu định cư trên hồ thủy điện Sê San 4, không có đăng ký tạm trú, ông Triều cùng 23 hộ dân khác bị cán bộ địa bàn theo dõi chặt chẽ. “Khi đang ở phía sông bên tỉnh Gia Lai mà bị cán bộ tới kiểm tra, chúng tôi chạy sang phía sông tỉnh Kon Tum, và ngược lại. Cứ thế đời trôi nổi suốt nhiều năm” - Anh Nguyễn Thành Nhân (quê An Giang) cho biết.
5 năm sau, chính quyền nơi đây dần cảm mến, tin tưởng các hộ dân chài hiền lành. Lãnh đạo xã Ia Tơi đề nghị huyện cấp giấy tạm trú cho 14 hộ dân để họ được định cư lập nghiệp.
Rút kinh nghiệm từ nhiều lần thất bại, ông Triều quyết định mở rộng quy mô và mời hẳn một cán bộ thủy sản đến hỗ trợ kiến thức, kỹ năng nuôi cá bè trên sông Sê San. Từ đó đàn cá của ông phát triển không ngừng, lứa đầu tiên thu lãi 50 triệu đồng.
Bè nuôi cá thát lát cườm 3 tháng tuổi của gia đình anh Nguyễn Thành Nhân.
Chúng tôi chèo thuyền sang nhà anh Lại Việt Đức (quê Thừa Thiên-Huế), gặp hai vợ chồng đang đan lại tấm lưới bị rách do cá lớn gây ra. Anh Đức chia sẻ: Hằng ngày vào khoảng 3 giờ chiều, chúng tôi đi thả lưới, 5 giờ sáng hôm sau sẽ đi thu về. Mỗi lần đi được khoảng 400 nghìn đồng/ người, mỗi tháng chi tiêu xong chúng tôi còn 4 triệu đồng gửi về quê. “Cuộc sống tại đây tạm ổn. Chúng tôi chỉ mơ ước có một mảnh đất để xây nhà, tránh gió bão cho những đứa nhỏ yên tâm học hành. Năm ngoái trong làng có một thuyền bị đắm giữa sông, được dân làng cứu thoát”- Anh Đức nói.
Ông Chế Hồng Quyền - Chủ tịch UBND xã Ia Tơi cho biết: Sau khi xã trình báo việc có 23 hộ dân định cư trên lòng hồ thủy điện Sê San 4, sống thân thiện, vừa nuôi cá lồng bè vừa khai thác cá tự nhiên không sử dụng chất nổ , UBND huyện đã xem xét chỉ đạo việc thành lập làng chài tại đây, cho phép họ tạm trú dài hạn.
Gần đây, cán bộ Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Trung đã trực tiếp về tận nơi, hướng dẫn làng chài heo hút này cách thức chăm sóc cá lồng trên lòng hồ Sê San 4.
5 năm sau, chính quyền nơi đây dần cảm mến, tin tưởng các hộ dân chài hiền lành. Lãnh đạo xã Ia Tơi đề nghị huyện cấp giấy tạm trú cho 14 hộ dân để họ được định cư, lập nghiệp. |