Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Làng chiếu Bồng Hải một thời vang bóng

“Chiếu hoa Bồng Hải anh ngồi/Tình chồng nghĩa vợ giận rồi lại thương/Chiếu này chỉ vấn tơ vương/Anh ngồi em chải thiệt hơn xá gì”. Đến Khánh Thiện (huyện Yên Khánh, Ninh Bình), nhiều du khách tìm về Bồng Hải cho bằng được chỉ vì bốn câu thơ ấy.

 

Trước khi về Bồng Hải, chúng tôi đã giở những cuốn sách cũ viết về làng nghề Việt Nam mới biết, Bồng Hải là nơi duy nhất của nước Nam ta dệt chiếu kiểu “cuốn chiếu thư” bằng những hình đan thủ công chứ không theo kiểu in hình phẩm như những nơi khác.

Hơn thế nữa, đây còn là làng nghề với lịch sử gần 200 năm tồn tại và phát triển, làng dựa vào dòng sông Đáy để giao thương với người Nhật, người Tàu từ năm 1840. Cái căn cơ cốt lõi để người nước ngoài đến với Bồng Hải là ở chiếu cải “đệ nhất” ấy, còn bây giờ, buồn không dám nhắc tới nữa. “Không dám nhắc nhưng vẫn phải nhắc, nhắc để biết đâu có cơ hội mà bảo tồn, mà phát triển. Chứ nếu không bảo tồn nhanh thì chỉ một vài năm nữa thôi, tôi đảm bảo cái tên chiếu cải sẽ bị xóa sổ khỏi thế giới này”, ông Phạm Minh Xanh,  Chủ tịch UBND xã Khánh Thiện cho hay.

Ông Xanh còn cho biết thêm, chiếu cải Bồng Hải không chỉ nổi tiếng trên thị trường thế giới mà sau này từ năm 1900, thương nhân Bạch Thái Bưởi còn cho tàu lớn xuôi xuống Bồng Hải lấy chiếu xuất sang các nước Hồng Kông, Đài Loan... Khánh Thiện như một thương cảng lớn và nhộn nhịp hàng hóa.

Ở Bồng Hải, ai cũng biết chiếu cải quê mình là sản phẩm cao cấp, có lịch sử, có “danh” và chỗ đứng trên thị trường cả trăm năm nay nhưng hầu hết người làng cho rằng biết nhưng: Đành chịu.

Sự “đành chịu” mà người Bồng Hải ngao ngán ở nhiều khía cạnh. Theo giải thích của ông Trưởng thôn Vũ Tài Chính là ở vấn đề thị trường khi chiếu nước ngoài được nhập về giá rẻ, chiếu cải giá đắt nên không bán được, không bán được thì người làm nghề phải chịu đói. Không chịu đói được thì người ta bỏ nghề làm chiếu, sang làm nghề khác nhiều tiền hơn. Lớp trẻ cũng không ai thèm làm chiếu nữa, ngồi liên tục cả ngày để đan từng sợi, làm từng ô chữ, khung hình thì không đủ kiên nhẫn. Cái “đành chịu” nữa là các cụ yêu nghề có bảo ban, có khuyên giải thế nào thì con cháu cũng không chịu nghe, không chịu theo nghề. “Ngay chính tôi đây này, học nghề bao nhiêu năm rồi cũng phải bỏ, vì nhiều vấn đề, biết đấy nhưng đành chịu”, ông Chính chia sẻ.

Hai người làm liên tục 7 tiếng mới hoàn thành 1 đôi chiếu cải.

Làm một phép tính đơn giản cũng thấy được sự mai một của nghề làm chiếu cải khủng khiếp thế nào. Chỉ hơn chục năm trước, Bồng Hải có 251 hộ làm chiếu, nghĩa là tất cả các hộ đều làm. Còn bây giờ, sau một hồi thống kê, rà đi soát lại kỹ lưỡng cũng chỉ còn được 4 hộ. Tính trung bình mỗi hộ 2 người thì cả thôn chỉ có 8 thợ, 8 thợ này thì 7 người đã là cao niên, một người là phụ nữ cũng đã trung niên và đang có ý định bỏ nghề.  “Ở các làng nghề khác, nếu họ bỏ nghề là bởi lý do công thấp, lợi nhuận ít thì còn có lý. Đằng này, công cao nhưng không ai chịu làm mới là điều đáng nói”, ông Xanh cho biết.

Theo ông Xanh, một đôi chiếu cải Bồng Hải có giá 550.000đồng, trừ chi phí nguyên vật liệu 150.000 thì vẫn còn lãi những 400.000. Còn theo bà Nguyễn Thị Dậu – người vẫn đang làm nghề thì: “Dệt chiếu cải cần 2 người làm, một người dập sợi và một người đưa sợi, ngồi liên tục miệt mài 7 tiếng đồng hồ thì xong một đôi chiếu, tính ra nếu chăm chỉ làm mỗi người thu nhập cũng được 200.000 /7 tiếng làm việc”.

Ông Hoàng Cự ở Bồng Hải, 1 trong 4 hộ vẫn đang làm chiếu cho hay: “Chiếu cải chưa bao giờ thất thế về kỹ thuật đối với các sản phẩm chiếu trên thế giới, người ta vẫn lùng sục, đặt hàng đấy nhưng vì lớp trẻ không đủ kiên trì ngồi làm mà thôi”. Bà Dậu còn cho biết, trước đây ở làng có hai nghệ nhân nổi tiếng là cụ Nuôi và cụ Nhuận, 2 cụ đã đi dọc khắp đất nước để truyền nghề. Nhưng thấy dệt chiếu cải khó quá, tỉ mỉ quá nên không nơi nào học được. Chiếu cải chỉ có 3 mẫu chính là “riễu cuốn thư” tức là các hoa văn viền chiếu như một bức thư cuốn lại. Mẫu thứ hai là “sỏi văn” và mẫu thứ ba là “thất thể 7 màu”, mẫu thứ 3 này đã bị bỏ từ lâu.

Chính những ưu điểm có một không hai ấy mà người Bồng Hải đang luyến tiếc sản phẩm của mình. Nói đến bảo tồn nghề truyền thống, ai muốn, cũng  háo hức nhưng kết lại vẫn đều chậc miệng: “Đành chịu”.

“Có lịch sử lâu đời, có uy tín trên thị trường, giá cả hợp lý nhưng không ai làm, nên công tác bảo tồn rất khó. Tôi đã và đang suy nghĩ nát óc cách nào để giữ nghề chiếu cải, hay để “tuyệt chủng” theo đúng xu thế. Nhưng như thế thì không ổn, chiếu cải Bồng Hải từng được triển lãm trước các kỳ họp Quốc hội của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, góp mình vào công cuộc xây dựng chung của đất nước”, ông Phạm Minh Xanh,  Chủ tịch UBND xã Khánh Thiện cho biết.