Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Làng gốm Bàu Trúc, nắng và lửa


Công việc làm gốm ở Bàu Trúc do phụ nữ đảm đương.
 
Gốm Bàu Trúc - một bảo tàng sống chân thực 
 
Đường đến làng gốm như ươm bước chân trong nắng thu vàng rộm. Nằm cách thành phố Phan Rang khoảng 10km về phía Nam, ngay trên đường quốc lộ 1A, làng gốm Bàu Trúc là địa giới thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Gió như quẩn cả hạt cát có màu phù sa. Cho đến ngày nay, người Chăm tại làng gốm Bàu Trúc vẫn tự nhận mình là con cháu của Pô Klông Chang - một quan cận thần của vua Chăm (1151 - 1205). Họ kể rằng, chính ngài là người đã đưa người dân di chuyển từ vùng đồi núi đến cánh đồng để sinh sống và dạy cho người Chăm tại đây lấy đất sét ở các bờ sông, con suối để làm ra gốm. Không những vậy, vợ chồng PôKlông Chang còn dạy dân làng cách trồng trọt, đánh bắt và buôn bán. Tên làng Bàu Trúc gắn với cuộc di dân lịch sử. Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước 1954 - 1975, một trận lụt lớn xảy ra năm 1964 (Giáp Thìn) đã cuốn trôi nhà cửa, trâu bò của người Chăm nơi đây. Vì thế, họ đã di dời làng về nơi cao ráo hơn - nơi có nhiều cây trúc cạnh một cái ao khá lớn nên gọi là Bàu Trúc (trong tiếng Chăm, Bàu có nghĩa là ao - hồ). Từ đây, tên gọi Bàu Trúc được sử dụng và mặc định trong việc nhấn mạnh về một làng nghề nổi tiếng của người Chăm.

Nghề gốm gắn liền với người phụ nữ Chăm từ lúc nhỏ cho đến lúc về già.
 
Khác với nghệ thuật làm gốm của người Việt từ Bắc vào Nam về cách làm gốm cũng như trang trí, gốm Bàu Trúc của người Chăm tại Phan Rang - Ninh Thuận không dùng bàn xoay để tạo hình mà hoàn toàn dùng bàn tay khéo léo để nuông nấng lên những hình hài mượt mà nhất.
 
Làng nghề “mẹ truyền con nối”
 
 
Bàu Trúc là làng nghề thuần túy “mẹ truyền con nối” đầy lạ lùng của người Chăm, không hề giống với bất kỳ làng gốm nào khác. Đất ruộng, đất bãi, người Chăm lấy về phơi nhiều nắng, để dành. Lượng cát được sử dụng để trộn với đất sét phải tùy thuộc theo kích thước và công dụng của mỗi loại sản phẩm. Khi muốn làm, họ lấy ra đập nhỏ từng cục, bỏ vào ụ đất rồi ngâm qua đêm, sáng hôm sau lấy ra nhào trộn với cát mịn phù sa của sông. Không dùng bàn xoay như mọi làng gốm khác, những người phụ nữ Chăm đặt cục đất sét lên đáy chiếc lu úp ngược, rồi cứ thế khom lưng đi giật lùi, đôi tay khéo léo nặn dựng, vuốt thỏi đất đến khi thành hình những chiếc bình, những khạp, lu, nồi, lò đất… và những vật dùng trong cúng tế. Gốm sau khi làm xong là bắt đầu được trang trí hoa văn. Đa phần, gốm Bàu Trúc đều có hoa văn thể hiện về sông nước, chấm vỏ sò, thực vật hay những hình ảnh thể hiện về tự nhiên, đất trời. Đặc biệt, nét đặc sắc trong tạo hoa văn trên gốm còn có cả móng tay và hình ảnh của những vị thần tạo nên ánh nhìn mộc mạc, gần gũi, nhẹ nhàng.


Chuốt gốm.
 
 Với những nét đặc sắc trong nghệ thuật tạo gốm, kèm theo đó là tín ngưỡng thờ cúng ý nghĩa trong văn hóa truyền thống của dân tộc, nghệ thuật chế tác gốm truyền thống của người Chăm làng Bàu Trúc đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
 
Gốm Bàu Trúc không bao giờ nung trong lò, mà đem phơi nắng. Khi sản phẩm đã khô, người ta xếp củi trên đường làng, lớp củi cao hơn gang tay, rồi úp ngược những sản phẩm lên trên, lần lượt lớn dưới, nhỏ trên thành một khối vuông. Củi tiếp tục được dựng xung quanh, bao bọc bằng rơm rạ, sau đó đốt lửa. Sản phẩm gốm được nung lộ thiên ở nhiệt độ khoảng từ 500 - 6000oC trong vòng 6 giờ, sau đó được lấy ra để phun màu (loại màu này được chiết xuất từ trái dông, trái thị ở trên rừng) rồi được tiếp tục nung lại trong vòng 2 giờ. Vì vậy, gốm Bàu Trúc có màu đặc trưng vàng đỏ, đỏ hồng, đen xám, vệt nâu, tạo thành các sản phẩm gốm độc đáo, sắc lửa đậm nhạt hiện trên mặt gốm như mang âm thanh của lửa và nắng, gió. 
 

Mỗi sản phẩm đều mang tính độc bản cao.
 
Đáng nói hơn, mỗi sản phẩm làm ra đều có nét riêng, không trùng lẫn với sản phẩm nào dù nung chung một ngọn lửa. Đây chính là yếu tố quan trọng để nghề làm gốm của người Chăm nổi tiếng, vang xa.
 
Ngày nay, gốm Bàu Trúc phát triển thêm dòng gốm mỹ nghệ được ứng dụng chế tác phong phú hơn, phục vụ du lịch và đời sống thẩm mỹ ngày càng cao của đông đảo dân chúng, tuy nhiên vẫn giữ được dáng vẻ và nét đặc sắc riêng. Với khát vọng bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, những nghệ nhân lớn tuổi của làng đã nghiên cứu, sáng tạo ra nhiều mẫu mã mới, không còn bó hẹp trong các sản phẩm gốm gia dụng nữa. 
                                                                                               

Nhiều mẫu mã gốm được tạo ra từ các bàn tay lành nghề.
 Từ những sản phẩm được chế tác theo kiểu dáng đơn sơ, giản dị thường gặp cho đến các sản phẩm kỳ công, điêu luyện trên từng đường nét, tất cả cho thấy một bức tranh văn hóa tổng thể mãnh liệt đã tồn tại qua hơn 800 năm.
 
 

Nguyễn Hòa Hải/GĐTE