Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Làng muối Cần Giờ đổi thay mô hình sản xuất, đời sống người dân ngày được nâng cao

(Dân sinh) - Huyện Cần Giờ (TP.HCM) được biết đến là nơi có những cánh rừng ngập mặn xanh ngát và những làng nghề truyền thống, trong đó có làng muối, trãi qua thời gian và thăng trầm giờ đây diêm dân đã thay đổi mô hình sản xuất đạt năng suất cao, từ đó đời sống người dân ngày càng khá giả.

Từ trung tâm TP.HCM, chúng tôi tìm về huyện Cần Giờ, nơi đây được mệnh danh là "ốc đảo xanh" với những cánh rừng ngập mặt quanh năm xanh ngát. Ngoài ra Cần Giờ cũng nổi tiếng với những xóm, làng nghề truyền thống mang đậm bản sắc quê hương.

Hiện nay, người dân Cần Giờ vẫn duy trì các làng nghề truyền thống như: Làng chiếu, làng chài và làng muối. Trong các làng nghề này thì làng muối được biết đến nhiều nhất và là nghề sinh kế của đa số người dân Cần Giờ.

Nghề "bán lưng cho trời, bán mặt cho đất"

Buổi trưa nắng nóng như đổ lửa, dọc hai bên đường về xã Lý Nhơn, Thạnh An và thị trấn Cần Thạnh những cánh đồng muối hiện ra trắng xóa. Giữa cái nắng gay gắt những diêm dân đầu đội nón lá,…đang miệt mài cào muối thành từng đống, người thì gánh vội những gánh "quà của biển" về nhà.

Làng muối Cần Giờ (TP.HCM) đổi thay mô hình sản xuất, đời sống người dân ngày được nâng cao - Ảnh 1.

Một góc cánh đồng muối ở huyện Cần Giờ.

Đang cào mối thành từng gò (đống), ông Nguyễn Văn Chum vui mừng vì trời nắng nóng nên muối khô nhanh. Giữa trưa trời nắng gay gắt, cánh đồng muối đang bốc hơi rồi phả vào mặt diêm dân nhưng những bàn chân trần vẫn bước, đôi tay vẫn cào đều trên cánh đồng muối.

Từng giọt mồ hôi lăn dài xuống hai gò má đen sạm, ông Chum chia sẻ: "việc làm muối cũng khá đơn giản, chỉ đắp nền đất cứng, dẫn nước biển vào ruộng, phơi qua vài con nắng, nước biển sẽ tự kết tinh thành muối thô. Người dân thường đào ao hoặc hồ cạn làm 'ruộng' rồi thông cho nước biển chảy vào đầy, sau đó đóng lại. Cạnh bên 'ruộng' thì làm hai cấp sân, thấp dần khoảng 15 cm. Mỗi sân đều san phẳng, đắp bờ chia ô vuông vắn; mỗi ô là 4 m x 10 m. Đó là ruộng muối.

Nước biển từ các kênh rạch sẽ chảy vào khuôn lóng, khoảng 2 - 3 ngày sau thì cho nước từ khuôn lóng vào các khuôn rang là phần khuôn phơi bốc hơi lần thứ nhất. Đợi khoảng 2 đến 3 ngày khi khuôn rang gần cạn nước vì nước bốc hơi thì lại châm thêm nước từ khuôn lóng ở trên xuống khuôn ăn ở dưới thì lại cho nước từ khuôn rang sang các khuôn chứa (khuôn chứa sẽ có kích thước nhỏ hơn 1/2 khuôn lóng và khuôn rang). Sau 2 - 3 ngày lại chập 2 khuôn chứa vào khuôn ăn, lúc này thì nồng độ muối trong khuôn chứa đã mỗi lúc một cao. Khuôn ăn là khuôn nhỏ nhất và có tính chất quan trọng nhất trong việc kết tinh muối, nếu như thước đo nồng độ muối nhảy 27 - 28 chữ thì muối sẽ kết tinh".

Sau khi muối kết thành hạt, người dân sẽ cho thêm muối giống vào nhằm kích thích muối đóng hột to hơn, khoảng thời gian từ lúc muối kết tinh cho đến khi thu hoạch muối là khoảng từ 7 đến 9 ngày. Số lượng muối thu hoạch được trên 1 khuôn ăn sẽ phụ thuộc vào diện tích của khuôn ăn. Việc thu hoạch muối còn khá khó khăn và khẩn trương vì sẽ phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Người làm muối theo đó cào muối đánh thành gò (đống) cho khô rồi gom lại bán. Mùa thu hoạch muối thường kéo dài từ khoảng tháng 12 (năm trước) đến tháng 5 dương lịch (năm sau).

Làng muối Cần Giờ (TP.HCM) đổi thay mô hình sản xuất, đời sống người dân ngày được nâng cao - Ảnh 2.

Những hạt muối trắng xóa được giá nên thu nhập của diêm dân tăng lên, từ đó đời sống sung túc hơn.

Một ngày của những diêm dân bắt đầu từ sáng tinh mơ đến lúc gà đi ngủ, chân tay ai nấy đều trong tình trạng nứt toác, làn da xám xịt,… nhưng với họ nghề muối là nghề truyền thống bao đời nay, là nguồn sinh kế nuôi sống gia đình. Khó khăn, vất vả là vậy nhưng những đợt muối rớt giá, không mấy thương lái thu mua khiến cuộc sống của những diêm dân càng khó khăn chồng chất khó khăn. Những năm trước đã có nhiều gia đình làm muối nhưng muối lại liên tục mất gi, họ lại không có vốn, nên đành bỏ nghề làm muối để kiếm nghề khác mưu sinh.

Làng muối khởi sắc nhờ chuyển đổi mô hình

Thời gian gần đây, nghề sản xuất muối ở Cần Giờ có sự chuyển đổi mô hình từ sản xuất muối truyền thống sang sản xuất theo phương thức kết tinh trên ruộng trải bạt, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Anh Diệp Minh Hoàng (hơn 40 năm làm muối) vui mừng chia sẻ, theo cách làm truyền thống trước đây, 2 ha ruộng muối nhà ông cần hai tới ba người cật lực lăn khuông, dọn bùn, đưa nước... thì nay chỉ mình anh làm lai rai. Ðến ngày thu hoạch, mới cần thuê thêm người gánh từ ruộng ra bến để bán cho thương lái.

Làng muối Cần Giờ (TP.HCM) đổi thay mô hình sản xuất, đời sống người dân ngày được nâng cao - Ảnh 3.

Anh Diệp Minh Hoàng bên kho muối vừa thu hoạch.

Nhờ đầu tư sản xuất muối sạch nên muối Cần Giờ được người tiêu dùng đón nhận, sản phẩm từng bước tạo thế đứng trên thị trường. Hàng năm, diện tích đưa vào sản xuất muối khoảng 1.200 ha, trong đó có trên 1.000 ha sản xuất theo mô hình trải bạt. Năng suất thu hoạch đạt 80 tấn/ha, tăng 3,5%/năm. Thương hiệu muối sạch Cần Giờ đã vươn cánh bay xa ra cả nước và xuất khẩu qua thị trường Châu Âu, EU…

Đại diện UBND huyện Cần Giờ cho biết, trong đề án phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân trên địa bàn huyện Cần Giờ giai đoạn 2016 - 2020, UBND TP.HCM đã xây dựng kế hoạch phát triển nghề muối, nâng cao thu nhập cho diêm dân. Những năm gần đây các mô hình sản xuất muối tiên tiến nâng cao năng suất, hiệu quả được triển khai. "Để phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh và chế biến muối tại huyện Cần Giờ. Thành phố đầu tư công trình giao thông, thủy lợi vùng muối, triển khai thực hiện dự án bảo tồn và phát triển làng nghề… nhằm đảm bảo nâng cao hiệu quả, đời sống sản xuất người làm muối. Từ khi có mô hình sản xuất muối trải bạt, muối sạch, năng suất đạt cao gấp 3 - 4 lần so với trước. Cuộc sống của người làm muối ở Cần Giờ thay đổi hẳn, thu nhập khoảng 100 triệu đồng/ha", đại diện huyện cho biết.

Ngồi trong ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi, anh Diệp Minh Hoàng kể trong hạnh phúc: "Nghề muối của gia đình tôi là nghề cha truyền con nối. Từ khi còn bé tôi đã ngày ngày cùng bố mẹ ra ruộng làm muối, sau khi tôi lập gia đình được bố mẹ cho đất để lập nghiệp cũng từ đó đến nay gia đình tôi sống bằng nguồn thu nhập từ nghề làm muối. Những năm gần đây nhờ thay đổi mô hình sản xuất và được sự quan tâm của chính quyền địa phương nên năng suốt và thu nhập từ nghề muối cao hơn trước đây".

Làng muối Cần Giờ (TP.HCM) đổi thay mô hình sản xuất, đời sống người dân ngày được nâng cao - Ảnh 4.

Các diêm dân đang thu hoạch muối để bán cho thương lái. (Ảnh: NDCC).

Cũng nhờ thu nhập từ làm muối có phần dôi dư, tích lũy mà vợ chồng anh Hoàng đã lo cho 3 người con trai ăn học (2 con trai lớn đã học xong đại học và đã đi làm, 1 đứa đang học THPT)…

"2 đứa lớn đã đi làm có thu nhập riêng còn đứa út đang học THPT thì quyết định không đi học đại học mà ở nhà để tiếp tục kế nghiệp của bố mẹ. Gia đình cũng muốn con học đại học để sau này không phải 'bán lưng cho trời, bán mặt cho đất' nhưng con nó quyết rồi, nó còn bảo bây giờ làm muối cũng ổn hơn rồi, ở nhà làm muối cũng có thu nhập ổn định…", anh Hoàng tâm sự thêm.

Làng nghề muối xã Cần Thạnh, huyện Cần Giờ được Thành phố công nhận đạt tiêu chuẩn làng nghề truyền thống. Trong chương trình xây dựng mỗi xã, thị trấn một sản phẩm du lịch, ngành nghề, làng nghề truyền thống phục vụ du lịch, các xã ở Cần Giờ đang phát triển loại hình du lịch trải nghiệm tham quan làng nghề muối, trải nghiệm cảm giác "một ngày làm Diêm dân Cần Giờ". Đây được xem là mô hình du lịch sinh thái kết hợp nông nghiệp đã đem lại nhiều hứng thú cho du khách đã có dịp về nơi đây.

Anh Hoàng Dũng một khách du lịch chia sẻ: "Tôi rất thích thú với trải nghiệm tại làng muối ở Cần Giờ. Đến đây, tôi có thể tận mắt chứng kiến một ngày làm việc của Diêm dân trên các ruộng muối, cũng có thể trải nghiệm cùng Diêm dân tham gia công việc làm muối để hiểu được sự vất vả của nghề mà hàng nghìn người dân ở đây đang mưu sinh".