Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Lắng nghe, thừa nhận nhu cầu cảm xúc của con

“Chìa khóa để giải quyết mọi vấn đề trong mọi câu chuyện nuôi dạy con chính là kỷ luật mềm, xuất phát từ tình yêu của người mẹ. Kỷ luật mềm là nguyên tắc lắng nghe, thấu hiểu, thừa nhận nhu cầu cảm xúc của con”, bà mẹ có con trai 4 tuổi - TS Nguyễn Thị Thu, tác giả của cuốn sách “Kỷ luật mềm của trái tim” chia sẻ.

 

Tác giả Nguyễn Thị Thu (giữa) chia sẻ về cuốn sách đầu tay của mình.

 

“Kỷ luật mềm của trái tim – Mẹ Việt dạy con kiểu Nhật bản” là cuốn sách đầu tay của bà mẹ có nhiều trải nghiệm trong hành trình nuôi dạy con thời hiện đại, trong đó có 6 năm đồng hành chia sẻ những câu chuyện nuôi dạy con với các cha mẹ Việt Nam, người đồng sáng lập Trường mầm non Tsubaki, dịch giả của nhiều đầu sách nuôi dạy con kiểu Nhật (Chờ con đến mẫu giáo thì đã muộn, cha mẹ Nhật dạy con tự lập, những em bé đáng yêu…).

Cuốn sách gần 300 trang là những câu chuyện được tác giả ghi chép cẩn thận, xúc động về hành trình làm mẹ, nuôi dạy cậu con trai 4 tuổi tên Bon. Ở đó, Nguyễn Thị Thu chia sẻ những quan sát, cảm nhận, kết hợp với những nghiên cứu giáo dục Nhật Bản – Việt Nam, giúp bạn đọc – đặc biệt là các cha, mẹ trẻ học cách bao dung, kiên nhẫn, tự tin và hạnh phúc hơn trong quá trình làm cha, mẹ.

Những câu chuyện trong sách thiên về cảm xúc, cách xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa cha mẹ và con cái; về kỹ năng làm cha mẹ nhưng không nặng nề, gò bó. Những chia sẻ ấm áp của tác giả giúp các cha, mẹ trẻ vững tin hơn, nếu có khủng hoảng trong quá trình nuôi con lớn khôn cũng được tiếp thêm sức mạnh.

 

Bìa cuốn sách.

 

Tác giả dẫn ra câu chuyện về thời kì phản kháng và tư vấn giúp cha mẹ cách thừa nhận cảm xúc của con. Những bài học đạo đức, bài học về tinh thần trách nhiệm, sự tự lập, quan tâm đến người khác, mang giá trị nhân văn mà người Nhật chú trọng dạy con trong 6 năm đầu đời tạo hứng thú hơn cả. Sự khác nhau trong lối sống, thói quen giữa người Nhật và người Việt dẫn đến phương pháp tư duy - dạy con cũng có nhiều khác biệt được tác giả lồng ghép khéo léo.

Xuyên suốt cuốn sách, không chỉ nói chuyện nuôi dạy con, giúp con tự lập, tự tin, biết cách thể hiện cảm xúc, tác giả còn truyền cảm hứng đến rất nhiều người mẹ đang nuôi con nhỏ, đem lại liều thuốc tinh thần ý nghĩa. Cô động viên mọi người mẹ hãy “vừa chăm con, vừa chăm lo giấc mơ của mình”, ngoài con cái vẫn còn sự nghiệp và rất nhiều điều ý nghĩa khác; biết lên kế hoạch, sắp xếp công việc, dành thời gian cho bản thân, giải phóng sức lao động bằng các công cụ tiện ích hiện đại…

“Theo Phật giáo, chúng ta sinh ra đều có sứ mệnh phát triển và hoàn thiện bản thân hơn nữa. Trong quá trình ấy, có rất nhiều người giúp mình thực hiện điều đó như: Bố, mẹ, chồng, con cái… Con cái là một phần cuộc sống để bản thân cha, mẹ hoàn thiện hơn, giúp các phụ huynh hiểu và biết yêu thương, dạy mình cách nuôi dưỡng một mầm sống và cũng để tìm được chính bản thể. Khi nghĩ được như vậy, bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhàng và hạnh phúc hơn trong quá trình giáo dục và nuôi dưỡng con cái”, tác giả Nguyễn Thị Thu chia sẻ.

5 chương sách, gần 50 bài viết với nhiều chủ đề hữu ích về nuôi dạy con theo các lứa tuổi, tác giả sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn đầy lạc quan và tự tin trong hành trình đã, đang và sắp làm cha, mẹ. Cuốn sách cũng mang tinh thần truyền cảm hứng, truyền năng lượng tích cực giúp bạn đọc cân bằng đời sống, giải tỏa căng thẳng, tìm thấy những niềm vui giản dị trong hành trình sống và trưởng thành mỗi ngày; trưởng thành về lòng bao dung, tính kiên nhẫn, cách kiềm chế và chấp nhận bản thân con cái như nó vốn có.