Chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân duy nhất của làng mộc Văn Hà, ông Đinh Thạch (người dân vẫn hay gọi là ông Thẩm) nay đã ngoài 90 tuổi, ở xã Tam Thành, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam.
Khi được hỏi về làng mộc Văn Hà, ánh mắt ông như chùng xuống: “Ngày ấy, người dân trong làng chủ yếu làm nghề mộc, một nghề hái ra tiền thời đó. Kinh tế nhà nào cũng khá giả, có của ăn của để, hơn hẳn những làng làm nông nghiệp xung quanh. Người thợ làng mộc Văn Hà nổi tiếng khắp nơi, đi đâu cũng nghe tiếng nên ở đâu làm nhà, làm cửa hay đóng đồ gia dụng dù xa hay gần người ta đều tìm đến làng mộc Văn Hà”.
Ông Đinh Thẩm luôn đau đáu với làng mộc Văn Hà, một làng nghề được triều đình nhiều đời vua sắc phong như thời vua Minh Mạng, Thành Thái, Tự Đức…
Không chỉ được người dân khắp nơi tín nhiệm biết đến, tiếng lành đồn xa, ngưỡng mộ bàn tay tài hoa, sự công phu, tỉ mỉ, khéo léo của người thợ, ông Thẩm cho biết, những sản phẩm của làng mộc Văn Hà còn được triều đình nhiều đời vua công nhận như thời vua Minh Mạng, Thành Thái, Vua Kiến Phước, Tự Đức… hiện vẫn còn lưu giữ tại nhà từ đường của họ Đinh.
Không dừng lại ở những chi tiết chạm khắc khéo léo, điêu luyện, người thợ làng mộc Văn Hà ngày nào còn được nhiều người biết đến bởi chiếc bàn xoay bí ẩn mà theo các cụ cao niên tại đây, chỉ có những người thợ làng mộc Văn Hà mới làm được, mà hiện giờ chỉ còn cụ Đinh Thẩm là người duy nhất biết làm chiếc bàn “ma thuật” này.
Nói về ông tổ của nghề, ông Thẩm cho biết, từ thời cha, ông của cụ kể lại rằng, ông tổ của nghề mộc Văn Hà có gốc gác từ xứ Thanh - Nghệ - Tĩnh di cư vào. Làng khi mới khai canh dân cư thưa thớt, dòng họ Đinh của cụ có mặt sớm nhất, tính đến nay cũng trải qua hơn chục đời, cùng với đó các dòng họ Nguyễn, Trần, Võ... đều chủ yếu làm nghề mộc. Ông tổ nghề mộc của làng là cụ Đinh Đại Lang, những thợ mộc tài hoa lớp sau đó còn có các cụ Đinh Văn Khóa, Đinh Luyện, Trần Huy…
Tất cả những sắc phong của triều đình cho làng mộc Văn Hà hiện vẫn còn được lưu giữ tại nhà tự đường họ Đinh
Xót xa về một thời hoàng kim, người nghệ nhân duy nhất của làng mộc Văn Hà tiếc nuối “Thợ mộc Văn Hà nổi tiếng dựng nhà Rường (nhà cổ truyền người Việt) và đóng đồ gia dụng. Hiện ở Quảng Nam vẫn còn rất nhiều công trình nhà gỗ do một tay người thợ Văn Hà làm, chẳng hạn như nhà của ông Nguyễn Huỳnh Anh (xã Tiên Cảnh – huyện Tiên Phước) là di tích được xếp hạng cấp tỉnh; đình Chiên Đàn (di tích được xếp hạng cấp quốc gia)…Tất cả đều nói lên sự khéo léo tài hoa của người thợ Văn Hà”
Thế rồi cùng với thời gian, xu hướng người dân dần chuyển sang làm nhà xây bắt đầu thịnh hành, ít ai có nhu cầu làm nhà gỗ truyền thống nữa, làng mộc Văn Hà cứ vậy dần dần mất chỗ đứng, rồi mai một như ngày nay. Nghề không còn đủ sức nuôi sống gia đình, để mưu sinh, nhiều lớp thợ tài hoa của làng đi nơi kiếm sống, ai thuê gì làm nấy. Nhiều người tâm huyết muốn gây dựng lại nghề nghiệp của cha ông để lại bấy lâu nhưng lại ngặt nhiều nỗi khó khăn…
Ông Đinh Thẩm, nghệ nhân duy nhất nghề mộc Văn Hà cũng đã tặng nhiều sản phẩm và dụng cụ nghề mộc Văn Hà cho bảo tàng Quảng Nam để nghiên cứu và trưng bày
Thời gian qua, UBND huyện Phú Ninh cũng đã có kế hoạch khôi phục lại làng nghề, tuy nhiên vì vấn đề kinh phí nên hoạt động cũng chỉ mới dừng lại ở việc mở khóa đào tạo ngắn hạn chừng 2 tháng về nghề mộc chạm trổ do chính ông Thẩm trực tiếp hướng dẫn. UBND tỉnh Quảng Nam cũng hỗ trợ thực hiện các dự án phát triển cơ sở hạ tầng cho ccác làng nghề, trong đó có làng mộc Văn Hà.
Được biết, làng Văn Hà có khoảng 200 hộ dân, đều là con cháu của những thợ mộc danh tiếng một thuở, nhưng nay cũng chỉ còn chưa đến chục hộ làm nghề.
Anh Trần Văn Tuấn, (xã Tam Thành) một trong số ít lớp trẻ còn theo nghề mộc tâm sự “gia đình cũng chỉ làm cầm chừng, chủ yếu ai thuê gì làm nấy, chỉ mong sao nghề của quê hương được khôi phục lại để những anh em làm nghề như chúng tôi có một cái nghề yên tâm mà mưu sinh”.
Chỉ còn một số ít lớp trẻ còn theo nghề mộc nhưng cũng chỉ làm cầm chừng