Chiều 24/7, Quốc hội thảo luận ở tổ về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019 và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.
Rà soát, giải quyết dứt điểm các dự án "treo"
Đánh giá cao đây là lần đầu tiên Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện tiết kiệm chống lãng phí, cùng với việc xem xét nội dung giám sát tối cao, các đại biểu kỳ vọng công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí sẽ đi vào nề nếp và tạo nguồn lực lớn cho phát triển đất nước.
Nhận định "đôi khi thất thoát, lãng phí còn lớn hơn cả tham nhũng", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, chỉ tính riêng các dự án "treo", nếu các địa phương tiến hành rà soát và tập trung giải quyết dứt điểm sẽ tạo chuyển biến lớn, tạo được nguồn lực hết sức lớn.
"Tại Hà Nội, sau khi tiến hành rà soát, giám sát và hậu giám sát các dự án treo trên địa bàn toàn thành phố đến nay đã đạt được những kết quả tích cực, tạo điều kiện cho thành phố bứt phá giai đoạn vừa qua. Năm 2020 Hà Nội tăng trưởng gấp 1,3 lần trung bình chung cả nước", ông Huệ đơn cử.
Về đất nông nghiệp, có những tỉnh thực hiện rất tốt như Sơn La là một tỉnh miền núi phía Bắc nhưng nhờ sử dụng triệt để đất đai, hấp dẫn được người dân tham gia sản xuất đã trở thành trung tâm trái cây của cả nước với nhiều sản phẩm cạnh tranh với đặc sản của nhiều địa phương khác.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội nhìn nhận, "những địa phương làm được như vậy chưa nhiều".
Thực tế, giá trị gia tăng từ đất nông nghiệp hiện ở nhiều nơi còn thấp, tình trạng sử dụng trái phép đất nông nghiệp, lãng phí đất nông nghiệp vẫn còn phổ biến.
"Cùng với đó, tình trạng đất nông lâm trường bàn giao cho địa phương nhưng chưa được thống kê và chưa có kế hoạch sử dụng còn lớn trong khi đồng bào dân tộc thiểu số còn rất thiếu đất ở, đất sản xuất", ông Vương Đình Huệ nói.
Chủ tịch Quốc hội cũng dẫn một ví dụ khác về việc lãng phí các tầng thương mại của các khu nhà tái định cư, vì vướng về cơ chế, quy định về đấu thầu, đấu giá dẫn đến không thể cho thuê, không thể khai thác thương mại, bỏ không dẫn đến lãng phí lớn.
"Thực tế rất nhiều vấn đề từ tài sản, vật tư, tiền vốn… còn lãng phí rất nhiều", Chủ tịch Quốc hội nhận định.
Năm 2020 do tác động của đại dịch Covid – 19, các chi phí cho công tác nước ngoài được cắt giảm đã tiết kiệm được cho ngân sách nhà nước, hay cắt giảm chi thường xuyên vẫn còn dư địa để tiết kiệm.
Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm: "Ngay tại Kỳ họp lần này của Quốc hội, những chi phí không thực sự cần thiết như hoa trang trí đều được cắt giảm tối đa, từ đó vừa tiết kiệm ngân sách, tiết kiệm được thời gian công sức chuẩn bị".
Phải tiệm cận quản lý tài sản công như tài sản tư
Cho rằng, vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí từ trước đến nay chưa được thực sự quan tâm đúng mức, do đó ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh lần này, Quốc hội quyết tâm đưa ra thảo luận tại hội trường và tiến hành giám sát nhằm đánh giá đúng tình hình, từ đó có giải pháp thực hiện hiệu quả, tạo ra nguồn lực phát triển.
Nhiều lĩnh vực khác cũng chưa được khai thác, sử dụng cách hiệu quả triệt để như không gian ngầm, băng tần viễn thông, tài nguyên thiên nhiên... Quản lý, sử dụng tài sản công cũng còn nhiều bất cập.
Theo Chủ tịch Quốc hội, nếu như các nước trên thế giới, các cơ quan nhà nước thuê lại trụ sở do tư nhân xây dựng thì Nhà nước không phải đầu tư từ đầu, không phải lo việc bảo trì phục vụ; khi đó vốn đáng lẽ phải đầu tư công xây trụ sở được chuyển thành chi thường xuyên, nhà nước có thêm nguồn tiền để đầu tư phát triển.
Bên cạnh đó, quy định về tiêu chuẩn định mức, mua sắm tài sản, cung ứng dịch vụ sự nghiệp công… còn nhiều bất cập gây khó khăn trong thực hiện.
Vì thế, "phải quản lý, sử dụng tài sản công tiệm cận như tài sản tư. Quốc hội lựa chọn giám sát thực hành tiết kiệm chống lãng phí, mỗi năm chọn một lĩnh vực, tập trung vấn đề trọng điểm, từ đó để đi vào nề nếp, cải thiện được tình hình, không chỉ ở lĩnh vực công mà cả ở lĩnh vực tư, huy động được toàn bộ nhân lực, vật lực, tài lực của đất nước cho phát triển", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Chỉ số ICOR rất cao, nhiều năm "chưa kéo xuống được"
Cũng tham gia thảo luận về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng vấn đề tiết kiệm đã được thể chế bằng nhiều quy phạm pháp luật nhưng thực tế vẫn xảy ra lãng phí nhiều.
Thủ tướng đặt ra yêu cầu phải có kỷ luật về tiết kiệm cho chặt chẽ hơn. "Tôi nghĩ chỗ này chúng ta vừa phải có giáo dục, nâng cao nhận thức, vừa phải có thể chế, kỷ luật kỷ cương thì chúng ta mới có thể làm được tiết kiệm này một cách hiệu quả hơn."
Theo Thủ tướng, tới đây việc chi tiêu đi lại, điện nước, xe cộ… cần siết chặt hơn.
Thủ tướng cho biết thêm chỉ số Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) ở nước ta vào loại rất cao, phấn đấu nhiều năm chưa kéo xuống được. Điều này gây lãng phí và kéo dài thời gian, làm cho nguồn lực hao hụt.
Ghi nhận Chính phủ đã báo cáo đầy đủ các nội dung yêu cầu của Luật Thực hành, tiết kiệm chống lãng phí, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng Lã Thanh Tân cũng đề nghị, cần bổ sung đánh giá và có giải pháp đối với một số vấn đề.
Cụ thể, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có 3 hệ thống định mức tiêu chuẩn chế độ (gồm hệ thống văn bản mà các cơ quan có thẩm quyền phải ban hành, hệ thống định mức tiêu chuẩn chế độ của cơ quan quản lý ngân sách, lao động và định mức tiêu chuẩn chi tiêu nội bộ) làm căn cứ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
"Do đó, Chính phủ cần làm rõ và đánh giá cụ thể hơn việc thể chế được những hệ thống chỉ tiêu định mức so với yêu cầu cần ban hành", đại biểu Tân nói.
Đối với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở các lĩnh vực cụ thể, đại biểu đề nghị có giải pháp tăng cường kiểm tra giám sát việc quản lý sử dụng tài nguyên nhất là tài nguyên nước; vấn đề bảo vệ môi trường, xử lý rác thải rắn, tận dụng rác thải như một loại tài nguyên; chú trọng việc liên thông, dùng chung cơ sở dữ liệu…