Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Làng quanh năm đèn dầu bếp lửa bập bùng

Đã 28 năm trôi qua, lập nghiệp tại thôn Nà Ven, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk người dân nơi đây vẫn quanh năm làm bạn cùng đèn dầu, bếp củi, xa lạ với thiết bị điện hiện đại. Việc học hành của trẻ em nơi đây cũng chịu nhiều thiệt thòi. 2 nhà máy thủy điện lớn của Tây Nguyên hoạt động chỉ cách đó khoảng 10km.

Đi khai hoang lập nghiệp

  Đến thôn Nà Ven, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn, chúng tôi đi men theo quãng đường gập ghềnh, dưới nắng sớm mai chói chang bên đồng cỏ xào xạc trong gió, che khuất tầm mắt là những ngôi nhà bỏ hoang mục nát .

 Ông Nguyễn Thế Lưu  (73 tuổi) trải lòng: trước đây thôn Nà Ven là một cánh rừng nghèo gần suối Đục là mảnh đất hoang vu (thuộc xã Krông Na, huyện Ea Súp đổi thành xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn) nằm cách trung tâm huyện Bôn Đôn hơn 10 cây số, nhưng cuộc sống dường như tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài bởi sự cách trở về đường xá và lạc hậu. Ngày 20/3/1988 theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, gia đình tôi cùng 73 hộ dân thuộc huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình đến vùng đất Tây Nguyên làm kinh tế mới. Đến nay đã 28 năm, chừng ấy thời gian có thể làm “thay da đổi thịt” nhiều vùng quê khác, nhưng người dân thôn Nà Ven vẫn phải đối mặt với cái nghèo, cuộc sống thiếu thốn trăm bề. Thời tiết nơi đây quá khắc nghiệt, mùa khô thì đồng cạn, mùa mưa phèn nổi… Thử nhiều loại cây trồng ngắn ngày trên mảnh đất này nhưng không hiệu quả. Do cuộc sống quá khó khăn, sau vài tháng bà con lần lượt bỏ đi, thôn Nà Ven chỉ còn lại 17 hộ. Cuộc sống của người dân nơi đây cứ thế trôi qua, sáng họ lên nương trỉa bắp, trồng mì, chập choạng tối đã then cài cửa chốt đi ngủ. Bóng tối bao trùm núi rừng, không gian yên ắng, tĩnh mịch, chỉ đôi ba nhà có trẻ con học bài còn chút ánh đèn le lói hoặc từ những ánh lửa bập bùng của bếp củi.  

Bình ắc quy là nguồn điện chính của gia đình cụ Lưu

 Anh Nguyễn Văn Sự (37 tuổi) ở thôn Nà Ven đang bơm nước bằng tay trước sân nhà nói: “Không có điện dân khổ lắm. Tôi theo gia đình vào Nà Ven từ khi nhỏ, nghe cha mẹ nói vài năm nữa thôn mình sẽ có điện. Vậy mà đã gần 30 năm trôi qua chẳng thấy điện đâu. Hiện tại, cả thôn chỉ có vài chiếc ti vi đen trắng cũ kĩ, dăm ba chiếc radio chạy bằng pin hoặc bình ắc quy để nghe ngóng thông tin. Không có điện, nên việc tưới tiêu cho cây trồng rất khó khăn. Điện ắc quy chỉ đủ để thắp sáng, còn bơm nước phải lắp đặt máy bơm tay. Ở đây kinh tế eo hẹp các em nhỏ cũng không có điều kiện tốt để học hành”.

Anh Sự đang bơm nước bằng bơm tay

 Trưởng thôn Nà Ven, ông Nguyễn Đức Giang cho biết, thôn có gần 200ha đất nông nghiệp. Đất đai cằn cỗi, thời tiết khắc nghiệt, bà con chẳng thể trồng cây nào khác ngoài cây đậu, bắp, mì. Mùa màng năm được năm mất. Xét về vị trí địa lý, Nà Ven nằm gần suối Đục quanh năm đầy nước, gần 2 nhà máy thủy điện Sêrêpốk 4, 4A, hai nhà máy thủy điện này đều đã đi vào hoạt động. Thế nhưng, hơn 40 hộ dân trong thôn Nà Ven vẫn sống trong cảnh “khát nước, đói điện”. Gia đình nào có điều kiện xây được bể xi măng dự trữ nước mưa, mua được chiếc bình ắc quy và bộ máy phát điện năng lượng mặt trời để thắp sáng. Ngoài ra, đa phần bà con vẫn thắp đèn dầu, bơm nước thủ công… Vào năm 2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vào thăm Nà Ven, đã yêu cầu chính quyền địa phương nhanh chóng kéo điện cho dân, nhưng 4 năm trôi qua Nà Ven vẫn thế, giữa đồi núi trập trùng.

Trụ điện chờ đến bao giờ

 Giữa trưa nắng oi bức, dắt chiếc xe đạp lọc cọc cột theo bó củi phía sau, bà Trần Thị Thơn (60 tuổi) chỉ tay qua hàng trụ điện thẳng tắp bên vệ đường thở dài: cách đây mấy năm, có kênh thủy điện cắt ngang đường vào Nà Ven. Sau đó, phía thủy điện chịu trách nhiệm xây cầu cho dân đi lại, nhưng chiếc cầu được thiết kế xây thấp hơn mặt đường khiến ai qua lại cũng sợ rơi xuống kênh, bà con thôn Nà Ven lên tiếng phản đối. Một thời gian sau, phía chủ đầu tư tới gặp gỡ bà con, hứa hẹn thế rồi, một hàng trụ điện được dựng lên ven đường rất hoành tráng và nó phơi nắng phơi mưa năm này qua năm khác, còn thôn Nà Ven vẫn chìm trong bóng tối cho đến nay. Tiết trời mùa khô càng khiến cho mảnh đất Nà Ven khắc nghiệt hơn, mùi đất đỏ ngai ngái xộc thẳng vào mũi. Ở đây nhà nào có điều kiện thì nấu bếp ga, hầu hết dân đây đều nấu bếp củi. Những đồ dùng như: tivi, nồi cơm điện, tủ lạnh, máy giặt... ở thôn Nà Ven trở thành những món đồ xa xỉ. Nhiều người hay nói đùa, các đồ dùng này “cho không” người dân ở thôn này cũng không lấy.

Việc học hành của trẻ em nơi đây cũng gặp nhiều khó khăn, những gia đình có điều kiện họ gửi con em ra điểm trường chính hoặc thị trấn để học, ở đây chỉ có duy nhất điểm trường tiểu học Nà Ven, một phân hiệu của trường Tiểu học Nguyễn Du (xã Ea Wer)  nằm giữa bãi đất hoang vu, cỏ cây mọc um tùm, gồm 2 phòng học, 5 học sinh, 3 trình độ khác nhau (từ lớp 1 đến lớp 3). Vì học sinh quá ít nên nhà trường đã gộp lại thành lớp học ghép “3 trong 1” cho một giáo viên phụ trách giảng dạy.

Những ngôi nhà gỗ bỏ hoang mục nát

Em Vũ Thị Cẩm Ly (lớp 3, trường tiểu học Nà Ven) ước ao: “Nhà em dành điện bình ắc quy để tối em học bài, vào mùa thi nhiều lúc đang học bình điện hết phải thắp đèn dầu lên học. Em mong thôn mình sớm có điện để em và các bạn được xem ti vi, học bài dưới ánh điện sáng trưng”.

 

Ông Nguyễn Văn Duyệt – Phó trưởng phòng kinh tế hạ tầng huyện Buôn Đôn, cho biết: Hiện trên địa bàn toàn huyện Buôn Đôn, chỉ thôn Nà Ven là chưa có điện. Nguyên nhân là do người dân ở xa, chi phí đầu tư lớn nên chưa thể triển khai. Vừa qua, UBND tỉnh đã giao cho chính quyền địa phương phối hợp với Ban quản lý dự án điện nông thôn miền Trung để thực hiện triển khai kéo điện và cải tạo một số đường điện về thôn buôn. Riêng, thôn Nà Ven đến năm 2017 mới triển khai kéo điện được”.