Tại kỳ họp thứ 14 Hội đồng nhân dân tỉnh Lạng Sơn năm 2019, trả lời ý kiến chất vấn của đại biểu Hoàng Thị Hiền, về việc tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh những giải pháp đột phá nào để đạt được kết quả giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2019 đạt 4,94% (cao nhất trong giai đoạn 2016 - 2019), ông Nguyễn Quang Tuấn, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lạng Sơn cho biết, ngay từ đầu năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 57/KH-UBND, ngày 15/3/2019 về triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững năm 2019 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, bao gồm 7 nhiệm vụ và giải pháp:
Tổ chức thực hiện có hiệu quả các Dự án trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững đã được Ngân sách Trung ương bố trí vốn năm 2019, gồm: Dự án hỗ trợ các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a; Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn đặc biệt khó khăn và các chính sách khác đối với đồng bào dân tộc thiểu số; Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; Dự án nâng cao năng lực, truyền thông và giám sát, đánh giá Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo…
Tập trung nguồn lực, ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, nước sạch, nhà vệ sinh... cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo tại địa bàn 3 huyện: Bình Gia, Đình Lập, Văn Quan và một số xã có tỷ lệ hộ nghèo cao thuộc các huyện khác để giảm chiều thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của các hộ dân, tăng khả năng tiếp cận với các nhu cầu xã hội cơ bản; đẩy mạnh tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo sâu rộng đến các cấp, ngành, tầng lớp dân cư và người nghèo nhằm chuyển biến tích cực nhận thức trong giảm nghèo…
Lồng ghép việc thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo nói chung và các chính sách giảm nghèo đặc thù với các dự án thuộc Chương trình mục tiêu 2 quốc gia Giảm nghèo bền vững ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn, với Chương trình Xây dựng nông thôn mới và các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội.
Mở rộng và tạo điều kiện để tăng cường sự tham gia của người dân về các hoạt động của chương trình từ việc xác định đối tượng thụ hưởng đến việc lập kế hoạch, triển khai, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện bảo đảm tính dân chủ, công khai, minh bạch trong suốt quá trình thực hiện chương trình. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình giảm nghèo ở các cấp, phát huy quyền giám sát của người dân ở các vùng được hưởng lợi chương trình, dự án.
Trợ cấp thường xuyên cho đối tượng bảo trợ xã hội thuộc hộ nghèo như: Người già cô đơn, trẻ mồ côi, người tàn tật, người đơn thân nuôi con nhỏ... theo quy định của Chính phủ. Trợ cấp đột xuất cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn do thiên tai, bệnh hiểm nghèo.
Thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo, bao gồm: Hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm cho người nghèo; hỗ trợ giáo dục và đào tạo; hỗ trợ về y tế; hỗ trợ về nhà ở; thực hiện hiệu quả chính sách trợ giúp pháp lý. Ngay từ đầu năm 2019, một số huyện đã có sự chỉ đạo quyết liệt và thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo nên đến cuối năm đã đạt kết quả giảm tỷ lệ hộ nghèo cao.
Trả lời chất vấn của Đại biểu Hoàng Thị Kim Vân (Tổ đại biểu huyện Lộc Bình) về việc tổ chức dạy nghề và tạo việc làm cho đối tượng người khuyết tật còn hạn chế, tỉnh chưa có Trung tâm dạy nghề chuyên biệt dành cho người khuyết tật, việc thực hiện xã hội hóa còn gặp khó khăn, ông Nguyễn Quang Tuấn cho biết, việc dạy nghề cho người khuyết tật đã triển khai lồng ghép với Đề án Dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều nghề được triển khai phù hợp với quy mô và nhu cầu của người khuyết tật như: Bện chổi chít, may, tẩm quất mát xa... Trong quá trình học nghề, người khuyết tật được hỗ trợ chi phí học nghề, trợ cấp học bổng, miễn học phí.
Tuy nhiên, việc học nghề hết sức khó khăn, chưa đáp ứng được nhu cầu của người khuyết tật. Nguyên nhân do một số quy định trong dạy nghề cho người khuyết tật chưa phù hợp, mức hỗ trợ học nghề cho người khuyết tật còn thấp, nhiều nghề không có giáo viên, một số cơ sở dạy nghề không đủ khả năng dạy nghề cho người khuyết tật. Ngoài ra, người khuyết tật còn có rào cản từ bản thân, không muốn trang bị nghề và có tư tưởng cam chịu số phận.
Từ năm 2017 đến 2019, đã phối hợp với các cơ sử dạy nghề, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh mở lớp và tổ chức dạy nghề cho gần 60 người khuyết tật. Hiện một số người khuyết tật tham gia học nghề thông qua các cơ sở làm nghề do người khuyết tật làm chủ với hình thức cầm tay chỉ việc và truyền nghề trực tiếp đối với người khuyết tật.
Liên quan đến tình trạng công dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc, đại biểu Trần Thị Sơn Thùy chất vấn, mặc dù có chiều hướng giảm (Năm 2017 là 21.200 lượt người; năm 2018 là 4.430 lượt người; năm 2019 là 7.393 lượt người) nhưng việc này vẫn diễn ra, tiềm ẩn nhiều phức tạp về an ninh, trật tự và rủi ro cho công dân.
Ông Nguyễn Quang Tuấn cho rằng, thời gian qua, người lao động Lạng Sơn sang Trung Quốc làm thuê đã đem lại thu nhập đáng kể đã thu hút nhiều lao động không chỉ của Lạng Sơn mà cả lao động của các tỉnh khác đi sang Trung Quốc làm thuê.
Trong mấy ngày gần đây thường xuyên có cảnh ùn ứ khoảng 500 đến 600 người xuất cảnh tại cửa khẩu Hữu nghị. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm lên cửa khẩu Hữu nghị để hỗ trợ liên lạc với các doanh nghiệp Trung Quốc kết nối sang Trung quốc lao động, nhằm giảm các phức tạp tại khu vực cửa khẩu Hữu nghị.
Hiện việc đưa người lao động sang Trung Quốc làm thuê là một trong những hoạt động hấp dẫn khá nhiều các đối tượng tham gia, những lợi ích trước mắt trong việc đưa người lao động khiến cho nhiều cá nhân, tổ chức, thậm chí là cá nhân đi tự do. Nhưng đáng tiếc là họ không đủ khả năng đưa người lao động sang Trung Quốc làm thuê hợp pháp theo "Cơ chế hợp tác quản lý lao động qua biên giới" giữa tỉnh Lạng Sơn, Việt Nam và thành phố Sủng Tả (Quảng Tây, Trung Quốc).
Năm 2019, số lao động xuất cảnh theo "Cơ chế hợp tác quản lý lao động qua biên giới" giữa tỉnh Lạng Sơn, Việt Nam và thành phố Sủng Tả (Quảng Tây, Trung Quốc) là 757 người. Trong 4 tỉnh cùng ký kết với Quảng Tây, Lạng sơn đang thực hiện có kết quả tốt nhất.
Hiện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lạng Sơn đang tham mưu, xin Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức đoàn sang làm việc hội kiến với Cục Tài nguyên nhân lực và An sinh xã hội của thành phố Sùng Tả trao đổi thống nhất các vấn đề vướng mắc hai bên cùng quan tâm về thực hiện cơ chế hợp tác quản lý lao động qua biên giới, thời gian dự kiến đầu năm 2020.
Phối hợp với các ngành đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, nhất là đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao; tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, tăng cường tuyên truyền để người dân biết các quy định khi sang phía Trung Quốc làm việc, phối hợp cùng Ngân hàng Chính sách Xã hội tạo điều kiện thuận lợi cho lao động ở khu vực nông thôn có cơ hội tiếp cận nguồn vốn Quỹ quốc gia Giải quyết việc làm.
Trước thực trạng trên, cũng cần nhìn nhận thẳng thắn về tình trạng công dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc thì trách nhiệm chính không thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội mà đây là trách nhiệm của ngành Công an, lực lượng quản lý biên giới và chính quyền cấp xã.