Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn từ ngày 14/7 đến 21/7/ có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to. Tuy nhiên mực nước trên sông Kỳ Cùng, sông Trung, sông Bắc Giang đều chưa đến báo động cấp I. Trước tình hình đó Tỉnh đã chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng, có phương án phòng chống bão, lũ. Đảm bảo an toàn công trình cầu Kỳ Cùng, thành phố Lạng Sơn.
Mưa lũ gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp và phá hủy các công trình giao thông, thuỷ lợi : lúa bị thiệt hại trên 70% diện tích tương đương 1,5ha; lúa thuần bị ảnh hưởng (dưới 30%) diện tích 2,0ha; 01ha hoa màu thiệt hại trên 70%; hoa màu bị ảnh hưởng 1,5ha.
Trên hệ thống Quốc lộ sạt lở ta luy dương 13 vị trí, với tổng khối lượng khoảng 377 m3; Xói lở tứ nón bên trái đuôi cầu Khuổi Vuông dài 10m, cao 4m; xói lở 2 tứ nón bên phải cầu Khòn Tòng dài 10m, cao 3m. Duy nhất có 01 vị trí ách tắc giao thông đã được khắc phục thông xe kịp thời.
Hệ thống đường liên tỉnh bị sạt lở ta luy dương có 15 vị trí, với tổng khối lượng khoảng 220m3. Sạt lở ta luy âm dài 16m; Xói lở tứ nón phía trái đuôi cầu Bản Khoai ĐT.236 dài 8m, cao 2.5m.
Trước vấn đề thiên tai gây ra Tỉnh đã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn chủ động phòng ngừa, ứng phó với diễn biến của mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất. Chỉ đạo các đơn vị đi kiểm tra các điểm có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, úng ngập... tổ chức thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Bên cạnh đó các chủ hồ bố trí lực lượng thường trực, theo dõi, vận hành hồ. Đặc biệt là các hồ đã đầy nước và các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn cao để đảm bảo an toàn cho công trình.
Các lực lượng ứng cứu, phương tiện, vật tư trang thiết bị phục vụ ứng cứu đều được chuẩn bị sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra.
Hiện nay Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh tiếp tục chỉ đạo các Sở ngành, các huyện, thành phố theo dõi diễn biến thời tiết, các vị trí còn tiềm ẩn về sạt lở đất để có phương án khắc phục kịp thời.
Sở Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị thường xuyên trực đảm bảo giao thông và báo cáo cụ thể, kịp thời về các thiệt hại và thực hiện ngay các vị trí sạt lở, các vị trí ách tắc đã thông tạm thời, làm rào chắn, đặt biển cảnh báo. Theo dõi, đôn đốc các đơn vị trực 24/24h để đảm bảo an toàn giao thông.
Chính quyền địa phương cùng nhân dân tập trung xử lý vệ sinh môi trường, đề phòng dịch bệnh; đảm bảo ăn ở, nước uống sinh hoạt cho người dân, không để người dân thiếu đói, dịch bệnh xảy ra sau lũ lụt.