Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Lạng Sơn quyết liệt phòng, chống pháo nổ

Càng gần những ngày Tết Nguyên đán Đinh Dậu thì tình hình mua bán, vận chuyển pháo nổ các loại trên tuyến biên giới Lạng Sơn diễn biến hết sức phức tạp. Chỉ từ những ngày cuối năm 2016 đến 16-1, các lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện bắt giữ 41 vụ, với 44 đối tượng mua bán, vận chuyển pháo nổ, thu hơn 1,4 tấn pháo nổ các loại do nước ngoài sản xuất.

Những ngày đầu năm 2017, có dịp trở lại thôn Cốc Nam, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng (Lạn Sơn), nơi có cửa khẩu Cốc Nam, với những địa danh nổi tiếng về buôn lậu như: Hàng Dơi, Thác Ném, Khơ Đa..., lượng người và hàng hóa qua lại có giảm nhiều so với hai năm trước. Những lối mòn, đường tắt qua biên giới đều được các lực lượng chống buôn lậu của tỉnh thường xuyên tổ chức, tuần tra, kiểm soát gắt gao.

Thượng tá Nông Quang Tám, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tân Thanh cho biết: Để đấu tranh ngăn chặn các hành vi buôn lậu, đặc biệt là hàng cấm gồm pháo nổ các loại, khác với mọi năm, ngay từ đầu năm, Đồn Biên phòng đã chủ động phối hợp Hải quan Cốc Nam tăng cường lực lượng, tuần tra, kiểm soát các lối mòn, hai bên cánh gà cửa khẩu. Vì vậy, số vụ vận chuyển pháo lậu đã giảm từ 70 đến 80%, Tuy nhiên, chỉ vì hám lời, các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi như: cất giấu pháo lẫn với các loại hàng hóa, mang vác xé lẻ qua đường mòn biên giới, sau đó sử dụng các loại phương tiện giao thông để vận chuyển về các tỉnh phía sau tiêu thụ, với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng.

Trạm trưởng Trạm Kiểm soát liên hợp Dốc Quýt, thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, Đặng Văn Ngọc thổ lộ: Trạm Kiểm soát liên hợp nằm trong khu vực biên giới có nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát người và hàng hóa đi vào các cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam (huyện Văn Lãng); cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (huyện Đồng Đăng); Bảo Lâm (huyện Cao Lộc), hằng ngày số lượng người và phương tiện qua đây rất lớn. Các đối tượng buôn lậu thường thuê người vượt biên, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm về tập kết tại thị trấn Đồng Đăng, sau đó được các chủ cửa hàng thu gom, vận chuyển nhỏ lẻ, găm lên các chuyến xe khách, xe trở hàng đưa về các tỉnh phía sau tiêu thụ, làm cho công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng cấm như pháo nổ, gặp rất nhiều khó khăn.

Theo thống kê của cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống các hành vi sai phạm về pháo của tỉnh, trong năm 2016, các lực lượng chức năng gồm: công an, hải quan, bộ đội biên phòng, quản lý thị trường... đã phát hiện, bắt giữ 175 vụ, với 125 đối tượng buôn bán, vận chuyển, tàng trữ các loại pháo do Trung Quốc sản xuất, thu hơn 3,7 tấn pháo các loại (tăng 23 vụ so với năm 2015). Trong đó, các cơ quan điều tra đã khởi tố 54 vụ, 67 bị can... về tội mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo nổ. Nhiều vụ án được xét xử lưu động đã góp phần răn đe, ngăn chặn các đối tượng vận chuyển pháo qua biên giới.

Pháo nổ được Công an huyện Lộc Bình phát hiện bắt giữ.

Tuy các cơ quan chức năng của tỉnh đã có nhiều nỗ lực ngăn chặn quyết liệt tội phạm mua bán, vận chuyển, tàng trữ pháo nổ, nhưng thời gian gần đây, càng đến những ngày giáp Tết, tình hình vận chuyển pháo nổ càng gia tăng. Điển hình là vào ngày 21-12-2016, tại khu vực mốc 1264, thuộc địa bàn thôn Bản Phải, xã Tú Mịch, huyện Lộc Bình (Lạng Sơn), tổ công tác Đồn Biên phòng Chi Ma đã bắt quả tang đối tượng Vi Văn Cường, sinh năm 1994, trú tại Bản Manh, xã Trùng Khánh, huyện Văn Lãng (Lạng Sơn), đang trên đường vận chuyển pháo nổ với tổng trọng lượng hơn 360 kg pháo các loại. Đối tượng Vi Văn Cường khai nhận đem số pháo trên trở về Bắc Giang cho một đối tượng để lấy tiền công vận chuyển là 1,5 triệu đồng. Đặc biệt là chỉ trong ngày 12-1, riêng lực lượng công an đã bắt ba vụ, với năm đối tượng vận chuyển hơn 328 kg pháo nổ các loại...

Để quyết liệt ngăn chặn các hành vi sai phạm về pháo nổ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Công Trưởng khẳng định: Thực hiện Nghị định số 36/2009/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo, thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai nhiều biện pháp quyết liệt về phòng, chống các hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ nhập lậu và sử dụng trái phép các loại pháo. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, các lực lượng thường xuyên triển khai các biện pháp; tuyên truyền, vận động bà con các dân tộc thấy nguy cơ tác hại do pháo gây ra, tham gia phát hiện tố giác, đấu tranh chống các hành vi sai phạm về pháo. Chỉ đạo các lực lượng chức năng thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường tuần tra, kiểm soát tại các địa bàn trọng điểm, nhất là khu vực biên giới cửa khẩu; phối hợp điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ án sai phạm về pháo... để nhân dân đón Tết bình yên, giảm hẳn những hành vi vi phạm về pháo trong những ngày đón Tết cổ truyền của dân tộc.