Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Lạng Sơn: Tập trung chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững

 
Lạng Sơn là tỉnh miền núi biên giới nằm ở phía Đông Bắc của Tổ quốc, có diện tích tự nhiên hơn 8.320km2, dân số trên 778 nghìn người, gồm nhiều dân tộc sinh sống. Tỉnh có 11 đơn vị hành chính (10 huyện và 1 thành phố), trong đó có 5 huyện, 20 xã, 1 thị trấn biên giới. Theo kết quả tổng điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, tỉnh Lạng Sơn có 48.827 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 25,95% và 23.885  hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 12,69%. Đến cuối năm 2018 toàn tỉnh có 30.853 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 15,83 % và 21.267 hộ cận nghèo, chiếm 11,01%. 
 
Trước thực trạng đó, công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm, tập trung chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt. Tỉnh ủy Lạng Sơn đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TU ngày 22/8/2016 về thực hiện Chương trình MTQG nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020; HĐND, UBND đã  ban hành các chính sách và văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình; Phân công chỉ đạo, theo dõi thực hiện mục tiêu giảm nghèo cho Ban Chỉ đạo giảm nghèo các cấp. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân về các mục tiêu, chính sách giảm nghèo bền vững. Tổ chức hoạt động kiểm tra, giám sát, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, tiểu dự án. Hàng năm, các cấp, các ngành đều tiến hành đánh giá, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong công tác giảm nghèo. 
 
Thực hiện các chương trình, chính sách giảm nghèo, tính đến cuối tháng 6/2019, tỉnh triển khai đầy đủ 16 chương trình tín dụng ưu đãi với tổng số vốn cho vay 452.179 triệu đồng, với 10.407 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng là 2.821.388 triệu đồng, tăng 99.363 triệu đồng so với năm 2018 (tỷ lệ tăng trưởng 3,6%). Các đối tượng vay tập trung vào các lĩnh vực như trồng rừng, trồng cây công nghiệp, phát triển chăn nuôi, sản xuất kinh doanh nhỏ, góp phần thúc đẩy sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong 3 năm (2016-2018), đã cấp thẻ BHYT cho trên 1,17 triệu người dân tộc thiểu số và hơn 129 nghìn người nghèo, cận nghèo; trong 6 tháng đầu năm 2019 cấp 412.033 thẻ BHYT cho người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số, với tổng kinh phí trên 156.513 triệu đồng, góp phần giảm thiểu chi phí khám chữa bệnh, giúp đối tượng tiếp cận dịch vụ công về khám chữa bệnh, nâng cao sức khỏe, đảm bảo an sinh xã hội. 
 
Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Đàm Văn Chính kiểm tra Chương trình MTQG giảm nghèo và mô hình chăn nuôi bò tại xã Tân Lập, huyện Hữu Lũng.

 Thực hiện Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg về hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, năm 2019, tỉnh Lạng Sơn được phân bổ nguồn vốn vay là 10.000 triệu đồng, đã thực hiện hỗ trợ cho 246 hộ nghèo, với kinh phí 6.150 triệu đồng để xây mới và cải tạo nhà ở, dự kiến đến hết năm 2019 hỗ trợ cho 154 hộ nghèo còn lại theo tổng nguồn vốn được giao. Ngoài ra, toàn tỉnh hỗ trợ xây dựng 48 nhà Đại đoàn kết, kinh phí 1.191,2 triệu đồng; sửa chữa 11 nhà, kinh phí 94 triệu đồng từ nguồn Quỹ Vì người nghèo các cấp. Đối với chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, trong 6 tháng đầu năm 2019, tỉnh đã trợ giúp pháp lý cho 136 lượt người (11 người nghèo, 125 người dân tộc thiểu số); tổ chức được 5 đợt truyền thông trợ giúp pháp lý tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn với 207 người tham dự, tham gia bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 119 người dân tộc thiểu số cư trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. 

 
Bên cạnh các chính sách giảm nghèo chung, tỉnh Lạng Sơn cũng chú trọng thực hiện các chính sách hỗ trợ đặc thù giảm nghèo bền vững như Chương trình 30a, Chương trình 135 nhằm từng bước giảm nghèo nhanh và bền vững cho các huyện nghèo, xã nghèo có điều kiện hết sức khó khăn. Thực hiện Chương trình 30a, trước năm 2017, tỉnh có 2 huyện Gia Đình và Đình Lập thuộc diện hỗ trợ giảm nghèo từ chương trình, năm 2018 được bổ sung thêm huyện Văn Quan. Trên cơ sở nguồn vốn hỗ trợ từ trung ương và vốn địa phương, các huyện đã đầu tư xây dựng công trình hạ tầng, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Đồng thời thực hiện dự án Hỗ triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; Hỗ trợ cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc ở  nước ngoài. 
 
Đối với Chương trình 135, tỉnh đang triển khai hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực II. Năm 2019, tổng kế hoạch vốn bố trí cho Chương trình 135 là 231.504 triệu đồng từ nguồn ngân sách trung ương, trong đó, tỉnh đã hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng 407 dự án (260 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng trước 31/12/2019, 3 dự án chuyển tiếp hoàn thành trong năm 2019, 144 dự án khởi công mới), tính đến cuối tháng 6/2019, đã giải ngân được 105.300 triệu đồng, đạt 61% kế hoạch. Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo lựa chọn được 23 mô hình (18 mô hình phát triển chăn nuôi bò, 3 mô hình chăn nuôi gà, 2 mô hình chăn nuôi vịt), trong đó đã thực hiện giao 50 con bò giống cho 50 hộ tại huyện Hữu Lũng và 12.185 con gà giống cho 89 hộ tại huyện Cao Lộc, các huyện còn lại đang hoàn chỉnh các thủ tục hồ sơ để hỗ trợ theo quy định. 
 
Đánh giá về những kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo thời gian qua, ông Đàm Văn Chính, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Lạng Sơn cho biết: Năm 2017 là năm thứ hai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, các dự án của Chương trình đã đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của người dân, cộng đồng và chính quyền địa phương, nhất là các dự án về hỗ trợ sinh kế đã tác động trực tiếp đến thu nhập của hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn. Chính quyền các cấp đã chủ động, phối hợp tuyên truyền về các nội dung, dự án của Chương trình, qua đó giúp hộ nghèo và người dân trên địa bàn nắm bắt được yêu cầu, điều kiện khi tham gia vào các dự án, đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các hộ nghèo, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Mặt khác, tỉnh đã làm tốt công tác huy động, vận động các nguồn kinh phí xã hội hóa để thực hiện công tác giảm nghèo, an sinh xã hội. Nhờ đó, bình quân hàng năm kết quả giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn là trên 3%/năm, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Tính đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 15,83%. Kết quả thực hiện mục tiêu giảm các địa bàn thoát khỏi tình trạng khó khăn đạt mục tiêu đề ra, 100% hộ nghèo được tiếp cận và thụ hưởng đầy đủ chế độ, chính sách giảm nghèo như hỗ trợ y tế, giáo dục, tín dụng, nhà ở...
 
Giảm nghèo là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, để chính sách giảm nghèo thực sự mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân, tỉnh Lạng Sơn cũng đề nghị các bộ, ngành trung ương xem xét điều chỉnh mục tiêu và thiết kế Chương trình MTQG giảm nghèo như nâng mức hỗ trợ hàng năm so với hiện nay. Cụ thể, đối với thôn đặc biệt khó khăn từ 200 triệu đồng/thôn lên 400 triệu đồng/thôn; xã đặc biệt khó khăn từ 800 triệu đồng/xã lên 1.500 triệu đồng/xã để có kinh phí đầu tư các công trình phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân; Đề xuất bố trí vốn và cơ chế huy động vốn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có khoảng 92% hộ nghèo sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh do thiếu vốn xây dựng, do đó đề xuất Chính phủ có cơ chế, chính sách hỗ trợ các hộ gia đình làm nhà tiêu hợp vệ sinh; Tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy trình điều tra, rà soát, đánh giá hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm, đảm bảo chặt chẽ hơn, phản ánh đúng tình hình thực tiễn hơn; Có chính sách hỗ trợ và hướng dẫn cụ thể đối với nhóm hộ nghèo thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản; Cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2016/TT-BLĐTBXH của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH hướng dẫn quy trình kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 và một số văn bản hướng dẫn khác theo hướng đơn giản để cơ sở dễ thực hiện.
 

Đỗ Mạnh Hà/GĐTE