Bệnh nhi Nguyễn T.H.A ở phường Lào Cai (thành phố Lào Cai) được gia đình đưa vào viện trong tình trạng mệt mỏi, mặt tái nhợt, nôn liên tục và chảy nước dãi. Người thân cho biết bé ở nhà chơi và nghịch nuốt 1 đồng xu.
Ngay sau đó, trẻ được chụp X-quang chẩn đoán, kết quả cho thấy dưới cơ thắt nhãn hầu có dị vật là 1 đồng xu. Các bác sĩ đã hội chẩn và chỉ định thực hiện gây mê, gắp dị vật thực quản qua nội soi bằng kìm cá sấu. Đồng xu được gắp ra thành công có đường kính khoảng 4cm, sức khỏe trẻ hồi phục tốt.
Bác sĩ Phạm Đình Thư, Trưởng khoa Thăm dò chức năng, Bệnh viện Đa khoa Hưng Thịnh cho biết: Trẻ em hiếu động, tò mò nên thường cho các đồ vật vào miệng, dễ dẫn đến khả năng bị hóc. Hóc dị vật đường thở ở trẻ em thường gặp là các loại thức ăn, hạt, đồ vật nhỏ... Dị vật tròn như đồng xu có thể gây viêm loét thực quản, thủng thực quản, viêm trung thất, nếu trôi xuống dạ dày - tá tràng dễ gây sẽ dẫn đến tắc ruột non. Những dị vật sắc nhọn có thể gây thủng thực quản, dạ dày và ruột.
Xử trí dị vật đường thở ở trẻ em đòi hỏi phải nhanh chóng và chính xác. Khi trẻ bị hóc, cha mẹ tuyệt đối không đưa ngón tay vào móc dị vật khỏi miệng trẻ bởi có thể vô tình đẩy sâu dị vật vào trong gây nguy hiểm hơn cho trẻ; không xử trí theo cách dân gian như: cho trẻ ăn miếng cơm to hay ăn trứng gà, ngậm nước chanh, giấm... Khi trẻ bị hóc dị vật, cha mẹ cần đưa con đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
Người dân cần trang bị kiến thức xử trí, sơ cứu khi trẻ hóc dị vật bằng các phương pháp đã được Bộ Y tế hướng dẫn như phương pháp vỗ lưng, ấn ngực với trẻ dưới 2 tuổi; thủ thuật Heimlich đối với trẻ lớn và người lớn.
Bên cạnh đó, cha, mẹ cần lựa chọn đồ chơi cho trẻ, hướng dẫn trẻ chơi an toàn, không ngậm đồ vật vào miệng; ăn uống từ tốn, không nói chuyện, cười đùa trong khi ăn và loại bỏ xương trước khi cho trẻ ăn; trẻ nhỏ cần có người trông coi, đảm bảo an toàn...