GDNN từng bước đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động
Tính đến hết năm 2018, công tác GDNN trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã có nhiều chuyển biến tích cực: Cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề từng bước được đầu tư cơ bản đồng bộ; hệ thống mạng lưới các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh được củng cố, kiện toàn, đáp ứng yêu cầu đào tạo ở 3 cấp trình độ cao đẳng, trung cấp và sơ cấp.
Toàn tỉnh hiện có 14 Trường, Trung tâm GDNN, trong đó có 1 trường Cao đẳng, 1 Trường trung cấp, 12 Trung tâm GDNN (11 trung tâm công lập và 1 trung tâm tư thục) và 3 trung tâm có đăng ký hoạt động GDNN.
Việc quy hoạch các cơ sở GDNN đã từng bước gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và nhu cầu nguồn nhân lực của thị trường lao động, qua đó đã giúp cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chủ động trong việc lựa chọn nguồn lực lao động có chất lượng cao để tuyển dụng, bố trí làm việc tại cơ quan, đơn vị.
Năm 2018, các cơ sở GDNN trên địa bàn đã tuyển sinh, đào tạo cho 3.850 người hệ cao đẳng và trung cấp.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng từng bước đổi mới căn bản công tác quản lý nhà nước về GDNN, bảo đảm dân chủ, thống nhất, tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các trường đào tạo; coi trọng công tác dự báo nguồn nhân lực có tay nghề cao thuộc các lĩnh vực, ngành nghề, đặc biệt là đối với các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, các khu công nghiệp; đồng thời thường xuyên giám sát và thanh, kiểm tra theo các tiêu chí đảm bảo chất lượng giáo dục nghề nghiệp; khuyến khích xã hội giám sát chất lượng GDNN. Công tác đào tạo được đổi mới theo hướng lấy người học là trung tâm của quá trình đào tạo, tích hợp kiến thức, kỹ năng, tác phong làm việc chuyên nghiệp để hình thành năng lực nghề nghiệp cho người học; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học, khắc phục lối truyền thụ một chiều, ghi nhớ máy móc; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và phương pháp dạy học mới, dạy học tích hợp trong đào tạo.
Lào Cai cũng từng bước cải tiến phương pháp thi, kiểm tra, đổi mới phương pháp đánh giá chất lượng đào tạo theo hướng chú trọng đánh giá kỹ năng nghề, đảm bảo học sinh, sinh viên sau khi hoàn thành chương trình đào tạo có năng lực thực hành nghề nghiệp, đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. Việc đào tạo nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động từng bước được tăng cường. Giai đoạn 2014 – 2018, các cơ sở GDNN trên địa bàn đã chủ động phối hợp với trên 250 doanh nghiệp để tổ chức đào tạo, thực tập, thực hành, tuyển dụng cho trên 4.640 học sinh, sinh viên.
Với các giải pháp nêu trên, năm 2018, các cơ sở GDNN trên địa bàn đã tuyển sinh, đào tạo mới và đào tạo, bồi dưỡng lại cho 15.940 người, đạt 113%, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó: hệ cao đẳng, trung cấp đạt 3.850 người (vượt 10% kế hoạch); đào tạo sơ cấp và dưới 3 tháng cho 12.090 người (vượt 14,1% kế hoạch); góp phần nâng tỷ lệ qua đào tạo nghề từ 47,74% (năm 2017) lên 50,32%. Tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau đào tạo từ 65-70% trở lên, trong đó các nghề trọng điểm, tỷ lệ học viên tốt nghiệp có việc làm sau đào tạo đạt trên 90%.
Các nghề trọng điểm trên địa bàn có tỷ lệ học viên tốt nghiệp có việc làm sau đào tạo đạt trên 90%.
Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN
Để tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2021 và định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Kế hoạch số 192/KH-UBND về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN, trong đó xác định phát triển GDNN là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh và đất nước; chuyển dịch cơ cấu lao động từ lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, lĩnh vực dịch vụ thương mại và trong nội bộ từng ngành.
Mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2019 - 2021 đào tạo 40.200 lao động; giai đoạn 2022 - 2025 đào tạo mới, đào tạo, bồi dưỡng lại cho khoảng 46.400 lao động; giai đoạn 2026 - 2030 đào tạo mới, bồi dưỡng lại cho khoảng 60.000 lao động.
Để đạt được các mục tiêu này, tỉnh sẽ tăng cường đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ các yếu tố đảm bảo chất lượng đào tạo theo từng nghề như: chương trình, giáo trình; đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học theo cấp trình độ chuẩn quốc gia, khu vực cho các cơ sở GDNN trọng điểm; tiếp tục củng cố kiện toàn đội ngũ nhà giáo, chú trọng phát triển số lượng đáp ứng yêu cầu của từng ngành nghề đào tạo; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo. Tỉnh cũng sẽ tập trung đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo hướng đáp ứng nhu cầu học tập của người dân và thị trường lao động, đặc biệt là nhu cầu nhân lực phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tăng tỷ trọng lao động phi nông nghiệp, trong đó ưu tiên doanh nghiệp cho nhóm lao động dịch vụ và du lịch; đảm bảo người lao động sau học nghề có đủ năng lực, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề và thái độ nghề nghiệp để tham gia hoạt động sản xuất tạo ra sản phẩm có chất lượng cho xã hội; đảm bảo tối thiểu 80% lao động có việc làm sau đào tạo vào năm 2021, 85% vào năm 2025, 90% vào năm 2030.
Minh Anh/GĐTE