Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Lao động di cư chưa được bình đẳng về tiếp cận ASXH

Người lao động di cư từ nông thôn ra đô thị và các khu công nghiệp, có tới 60% là lao động nữ. Theo khảo sát của Oxfam và mạng lưới hành động vì người lao động di cư (Mnet), người lao động di cư hiện nay chưa được bình đẳng với những nhóm công dân khác về tiếp cận an sinh xã hội (ASXH).

99,86% lao động di cư không nhận được bảo trợ xã hội

Nghiên cứu mới nhất của Oxfam, người lao động di cư có thu nhập cơ bản trung bình là 4,2 triệu đồng/tháng/người. Trong đó, 76% chi cho các chi phí cá nhân và con ở mức tối thiểu và chất lượng rất thấp và 24% gửi về quê. Các dịch vụ xã hội cơ bản như nhà ở, nước sạch, điện, giáo dục, y tế và thông tin đều ở mức rất thấp với chất lượng kém. Do đó, người lao động di cư là nhóm nghèo đa chiều ở đô thị, dù họ không phải là nhóm nghèo thu nhập so với chuẩn nghèo quốc gia. Do việc phân bổ kinh phí cho đối tượng thụ hưởng các chính sách bảo trợ xã hội chủ yếu dựa vào danh sách hộ khẩu thường trú nên 99,86% người lao động di cư và gia đình họ không nhận được bảo trợ xã hội tại nơi đến, mặc dù họ nghèo và gặp khó khăn.

Các chính sách về nhà ở cho người thu nhập thấp, phổ cập giáo dục (theo hệ thống công lập), nước sạch toàn dân, chăm sóc y tế và phổ biến thông tin chưa đến được với người lao động di cư. Có tới 69% người lao động di cư được phỏng vấn cho biết, họ phải trả tiền nước cao gần gấp ba lần và tiền điện cao gần gấp đôi so với dân địa phương. Chỉ có 7% trẻ di cư được đi học nhà trẻ công, 12% trẻ di cư được đi học trường mẫu giáo công và có tới 21% trẻ di cư trong độ tuổi 6-14 tuổi không được đi học. Chủ yếu là ngân sách cho các chính sách này vẫn tính theo số dân có hộ khẩu thường trú tại địa phương, không tính đúng, tính đủ nhu cầu của người lao động di cư ngày càng tăng.

Lao động nông thôn ra kiếm sống ở thị thành.   (Anh minh họa).

Một bộ phận lớn của người lao động di cư làm các công việc không có hợp đồng lao động hoặc tự làm cho mình nên không được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (có 5 chế độ chi trả bảo hiểm là ốm đau, thai sản, thất nghiệp, hưu trí và tử tuất). Họ chỉ có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (chỉ có 2 chế độ chi trả bảo hiểm là hưu trí và tử tuất). Chế độ chi trả này không hấp dẫn với người lao động vì  họ không thấy ngay lợi ích trước mắt của việc đóng bảo hiểm. Và việc phổ biến thông tin về các loại hình bảo hiểm này cũng chưa được thiết kế phù hợp để đến được với người lao động di cư. Đây cũng là một dạng bất bình đẳng về quyền lợi và thông tin đối với người lao động di cư. Kết quả là 99% người lao động di cư phi chính thức không tham gia bảo hiểm xã hội, một phần lớn do không có thông tin và hiểu biết về BHXH và một phần do thấy BHXH tự nguyện không hấp dẫn với họ.

 Thông tin về ASXH chưa đến được với lao động di cư

Bảo hiểm y tế được xem là cứu cánh của mọi người dân, đặc biệt đối với người lao động nghèo. Tuy nhiên, hiện nay có tới 60% nữ lao động di cư phi chính thức cho biết, họ không có tiền mua bảo hiểm y tế tự nguyện. 67,2% người lao động di cư không biết nơi cung cấp thông tin và tư vấn về Luật Lao động và BHXH. 73,7% người lao động di cư không tham gia các hoạt động cộng đồng tại nơi tạm trú và thường cảm giác mình đứng bên lề cuộc sống địa phương nơi đến. Do đó họ cũng không nhận được thông tin về ASXH qua mạng lưới xã hội nơi đến. Điều này là một trong những rào cản lớn đối với người lao động di cư trong tiếp cận ASXH.  

Theo đề xuất của Oxfam, quy hoạch kinh tế, xã hội các thành phố lớn và trung tâm công nghiệp cần tính đúng và tính đủ nhu cầu của người di cư, đặc biệt là các dịch vụ xã hội cơ bản. Chính phủ có chính sách lập kế hoạch và phân bổ ngân sách có tính tới yếu tố di cư. BHXH cần Thiết kế các gói bảo hiểm đa dạng và linh hoạt để phù hợp với nhu cầu và khả năng tham gia của người lao động di cư trong đó có các gói bảo hiểm ngắn hạn như thai sản, ốm đau, tai nạn, bệnh nghề nghiệp. Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ tham gia BHXH cho người lao động di cư làm việc trong khu vực phi chính thức vì họ là một phần quan trọng của dân số và góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế. Nhiều thủ tục và quyền lợi của người thụ hưởng trong hệ thống ASXH hiện nay gắn liền với hộ khẩu thường trú và đăng ký tạm trú dài hạn, ví dụ thủ tục mua và sử dụng bảo hiểm y tế, việc lên danh sách và thụ hưởng bảo trợ xã hội, đăng ký học trường công lập cho trẻ em... Do đó, người lao động di cư không tiếp cận được các quyền lợi này. Nếu những quy định này bỏ yêu cầu về hộ khẩu thì người lao động di cư có thể tiếp cận tốt hơn tới ASXH. Nhiều nước trên thế giới có hệ thống ASXH tốt cho công dân không gắn với hệ thống quản lý hộ khẩu.