Thời gian vừa qua, Bộ xử phạt nhiều
Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, 4 tháng đầu năm 2023, số lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng nhanh, với 49.880 lao động, tăng 3,44 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) chất vấn, những năm qua, số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng rất nhanh, tuy nhiên, số lao động bị lừa đi xuất khẩu lao động dưới nhiều hình thức khá nhiều, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và những giải pháp khắc phục trong thời gian tới?
Trả lời đại biểu Nga, về số lao động Việt Nam đi nước ngoài tăng nhưng bị lừa, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nêu rõ, “Tôi báo cáo lại thế này, số lao động Việt Nam đi nước ngoài trong năm 2022 của chúng ta là 142.000 chiếm khoảng xấp xỉ 10% số mà chúng ta giải quyết lao động trong một năm và con số này thông thường là khoảng 10%.
Năm cao nhất là 153.000, năm 2022 là 142.000 và số này đi theo luật người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài do các công ty, các doanh nghiệp được cấp phép của chúng ta đưa đi".
Hiện nay có 482 doanh nghiệp được cấp phép, và số lao động đi qua các doanh nghiệp này, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH khẳng định, thì ít khi bị lừa.
“Phần đông số bị lừa đều là công ty “ma”, công ty không được cấp phép hoặc lừa đảo, thậm chí là trá hình. Và những trường hợp này thì chúng tôi đã cùng với các cơ quan chức năng, cùng với các địa phương xử lý rất nhiều”, ông Dung nhấn mạnh.
Bộ trưởng cho biết thêm, cũng có một số trường hợp là công ty được cấp phép nhưng cũng lừa đảo, lừa đảo cả 2 đầu, bên kia cũng lừa, bên này cũng lừa. Lừa ở đây có 2 dạng, một là lừa đi để thu tiền môi giới cao hơn.
Thứ hai là không đúng ngành nghề đào tạo, sang không đúng việc làm, cuối cùng sang bên đó là phải trả về hoặc là có những việc không tốt, phải trốn ở lại. Thời gian vừa qua, Bộ cũng xử phạt nhiều.
Trong năm 2022 thanh tra xử lý, xử phạt 62 doanh nghiệp, chủ yếu xử phạt bằng tiền, còn 4 doanh nghiệp phải thu hồi giấy phép, nhưng một lần nữa Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, phần đông số lao động bị lừa đi nước ngoài là công ty “ma”, không đúng địa chỉ, không phải là doanh nghiệp do Nhà nước cấp phép.
“Để ngăn chặn việc này, thì giải pháp chắc phải tiến hành đồng bộ các giải pháp, trong đó là phải tuyên truyền, xử lý vi phạm... thanh tra, kiểm tra. Chúng tôi sẽ kết hợp nghiêm tất cả các giải pháp đó”, ông Dung khẳng định.
Nâng cao chất lượng, 4 năm kiên trì thực hiện tất cả các giải pháp
Đại biểu Trần Quang Minh (Quảng Bình) hỏi, việc lao động Việt Nam bỏ trốn khi tham gia lao động ở nước ngoài làm ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của nhiều lao động khác đang có ý định tham gia xuất khẩu lao động ở nước ngoài.
“Mặc dù đã có chế tài, tuy nhiên tình trạng này vẫn diễn ra ở một số nước có thị trường xuất khẩu lao động khá sôi động. Theo Bộ trưởng, cần có thêm giải pháp gì để giảm thiểu tối đa tình trạng vừa nêu trên?”, đại biểu nêu câu hỏi
Trả lời, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, câu chuyện về lao động Việt Nam đi lao động nước ngoài một bộ phận ở lại mà không về nước đúng thời gian tiến độ, xin báo cáo là ở thời điểm này không bức xúc bằng những năm 2017.
“Thời điểm 2017 tôi nhớ là ngày 6/6/2017 cũng tại diễn đàn này khi đó tỷ lệ lao động bỏ trốn ở Hàn Quốc của chúng ta 52,5% và Hàn Quốc đã phải dừng toàn bộ chương trình EPS đối với Việt Nam”, ông thông tin.
Sau 4 năm chúng ta kiên trì thực hiện tất cả các giải pháp cùng với phía Hàn Quốc, từ ký quỹ, từ trục xuất, thậm chí phía bạn cũng trục xuất, có những giai đoạn phía bạn xử lý hình sự đối với tất cả những người trốn ở lại của các quốc gia chứ không phải riêng Việt Nam. “Rất căng thẳng”, ông Dung nói.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ, có thời gian họ dừng cả một số địa phương mà có nhiều lao động bỏ trốn. Đến thời điểm này chúng tôi đang phải tạm dừng 18 huyện của 9 tỉnh có tỷ lệ người lao động ở lại nhiều.
“Mặc dù các địa phương không muốn điều này, và cá nhân chúng tôi không muốn nhưng chủ trương này bắt đầu từ yêu cầu của phía nước bạn. Chính vì vậy, thời gian vừa qua chúng ta đã làm rất nhiều việc, đến thời điểm này, tỷ lệ này báo cáo với đại biểu Quốc hội, chúng ta ở Hàn Quốc chỉ còn 24,6% thuộc diện các quốc gia thấp”, ông Dung cho hay.
Vì phía Hàn Quốc thì yêu cầu nếu dưới 30% là tiếp tục gỡ bỏ các hạn chế, thì chúng ta đang đạt được chỉ tiêu này rồi, vì thế lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh, sẽ cố gắng tiếp tục cùng với các địa phương để thực hiện tốt hơn công việc này.
Chưa bao giờ các địa phương cùng các ngành làm tốt công tác an sinh như thời gian qua
Đại biểu Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long) hỏi: “Năm 2023 là năm bản lề triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng. Xin hỏi Bộ trưởng có giải pháp gì để triển khai tốt công tác an sinh xã hội trong năm 2023 và trong thời gian sắp tới?”
Trả lời, tư lệnh ngành LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian vừa qua, công tác an sinh xã hội của chúng ta đã rất cố gắng. Tôi cũng mạnh dạn nói rằng, bình quân những năm trước đây, trước năm 2021 ngành lao động, thương binh và xã hội cùng với các địa phương thông thường chỉ hỗ trợ trực tiếp được khoảng 1 triệu người thuộc các đối tượng mà ngoài đối tượng thường xuyên do tác động ảnh hưởng thiên tai, lũ bão, dịch, v.v.
Nhưng 2, 3 năm vừa qua, chúng ta đã hỗ trợ tới 68 triệu lượt người.
Ông Dung nhìn nhận, có lẽ chưa bao giờ các địa phương cùng với các ngành làm tốt công tác an sinh như thời gian vừa qua.
“Các chính sách của chúng ta đến với người dân nhanh nhất, hiệu quả nhất và ít tiêu cực nhất, mặc dù chúng ta phát tiền mặt, số phải xử lý hình sự chỉ trên đầu ngón tay. Đây là một sự cố gắng rất lớn của các ngành, các cấp và nhất là các địa phương và công tác kiểm tra, giám sát của chúng ta”, Bộ trưởng nói.
Ông khẳng định, thời gian tới, tiếp tục phải quan tâm hơn vấn đề này. “Bản thân chúng tôi cũng đã suy nghĩ là phải dự báo được xem tình hình từ nay đến cuối năm và năm 2024 tình hình sản xuất, kinh doanh như thế nào, đời sống sẽ diễn biến ra sao, cuộc sống của những người nghỉ hưu thế nào…”, ông Dung nói và cho biết, đã và đang phải đánh giá tác động tương đối bài bản, kỹ lưỡng và đã chủ trì tuần trước cùng với các ngành để suy nghĩ những chiến lược về an sinh xã hội trong năm 2023 và thời gian tới.
“Còn khi nào tung ra chính sách gì thì sẽ phải báo cáo cấp có thẩm quyền và xin ý kiến Quốc hội cũng như Thường vụ Quốc hội hoặc các cấp cho phép thì chúng ta sẽ tung ra ở thời điểm thích hợp nhất, hiệu quả nhất và đúng lúc nhất”, Bộ trưởng thông tin rõ.
Về quản lý thị trường lao động thời gian vừa qua thì báo cáo lại là thị trường lao động vừa qua, chúng ta đang đi đúng hướng. Đúng hướng này, kể cả vận hành theo quy luật thị trường lẫn sự can thiệp của Nhà nước theo quy luật bàn tay vỗ và chúng tôi đã và đang cố gắng để thị trường lao động thực sự là 1 trong 5 thị trường của nền kinh tế thị trường và thị trường lao động thời gian vừa qua đã và đang đóng một vai trò là một thị trường thiết yếu của kinh tế.
Ngoài sự phát triển, thì các tồn tại, theo ông Đào Ngọc Dung, cũng đã được nêu rõ trong Nghị quyết 06. Thị trường của chúng ta còn non trẻ, đang phát triển; cũng chưa thực sự là đủ sức, đặc biệt là về chất lượng đào tạo, quy mô đào tạo, kỹ năng đào tạo, năng lực cạnh tranh…
Vì vậy, quản trị thị trường chưa tốt thật sự, chủ động hoàn toàn trong ứng phó với tình hình chưa tốt.
“Đại biểu Quý nói trung tâm dịch vụ việc làm công có đáp ứng yêu cầu thị trường lao động chưa? Tôi nói là “có cố gắng rất nhiều nhưng chưa đáp ứng được hết”. Chắc chắn là thời gian tới, đặc biệt là khi sửa Luật Việc làm thì đây sẽ là một trong những nội dung rất quan trọng để làm sao trung tâm việc làm phải đóng một vai trò thiết yếu trong cung ứng cũng như dự báo cung, cầu lao động”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin.