Vì sao em không đến trường?
Thứ 6, Sapa không quá đông khách du lịch như cuối tuần nhưng khu vực nhà thờ, quảng trường thị xã lúc nào cũng nhộn nhịp người qua lại ngắm cảnh, chụp ảnh. Từ sáng sớm, trong làn sương mờ, đôi khi là mưa rơi lất phất, trẻ em dân tộc vùng cao trong những bộ quần áo sặc sỡ sắc màu bắt đầu một ngày mới với công việc bán hàng hoặc chỉ đơn giản là ăn mặc thật đẹp và ngồi đó để chụp ảnh với khách du lịch, bù lại, các em sẽ được khách trả công bằng cách cho tiền hoặc đồ ăn.
Có em đi với bố mẹ, có em đi theo nhóm bạn, một số vừa bán hàng vừa trông em. Nhìn những đứa trẻ mới 6-7 tuổi cõng em vẫn còn đỏ hỏn trên lưng hoặc dắt díu theo sau một đứa nhỏ chừng 3-4 tuổi, chẳng du khách nào nỡ lòng từ chối không mua hàng. Nhưng những món đồ lưu niệm như túi, ví thổ cẩm, vòng tay, vòng cổ bằng bạc, bạn sẽ chỉ mua một lần, không thể lần nào bước chân xuống phố cũng lại mua, nên một số du khách đã lắc đầu từ chối. Không nề hà, lũ trẻ vẫn bám theo, với hy vọng sự kiên nhẫn và vẻ mặt đáng thương có thể làm động lòng trắc ẩn những du khách miền xuôi. Mua hay không mua hàng, du khách thường sẽ cho trẻ một ít tiền lẻ hoặc bánh trái (họ vừa mới mua). Có người cho tiền một đứa trẻ xong thì ở đâu, cả một “tiểu đội” kéo đến. Bất đắc dĩ, họ lại tiếp tục cho tiền tất cả trẻ em vây quanh mình, nhưng cũng có người tỏ ra phiền lòng, rẽ khỏi đám đông để được chút bình yên.
Anh ăn bỏng, em mút tay, mình cùng bán hàng mưu sinh, cánh cổng trường sao mà xa vời quá!
Có du khách bực bội chìa một nắm tiền chẵn ra trước mặt một người mẹ trẻ hỏi, “Có gọi con về không, sao cứ đi theo hoài, thích tiền thì cầm lấy này, tôi dắt con chị về nuôi, đồng ý không?”. Người mẹ trẻ nhìn chỉ chừng ngoài 20 tuổi, mặt thoáng biến sắc, vội vàng nắm tay con kéo lại. Đám đông xin tiền giải tán.
Không phải du khách nào cũng thích mua đồ lưu niệm, không phải du khách nào cũng thích bắt chuyện với trẻ em dân tộc. Có người đến Sapa chỉ đơn giản để ngắm cảnh và tận hưởng bầu không khí trong lành, bị đeo bám hoài, họ cảm thấy vô cùng phiền phức và bực mình. Một Sapa ngày càng lộn xộn trong kiến trúc xây dựng, lại thêm sự lộn xộn trong việc quản lý bán hàng rong khiến cho nhiều du khách đến Sapa một lần và không còn muốn quay lại lần thứ hai.
Và rồi bất chợt từ đâu, tiếng loa phát thanh từ những chiếc xe tuyên truyền di động vang lên cảnh báo từ chính quyền địa phương nhắc nhở du khách không cho tiền, không mua hàng của trẻ dân tộc vùng cao. Nhiều người thoáng chút bất ngờ, họ mua hàng ủng hộ trẻ em địa phương vì nghĩ rằng điều đó có thể khiến cho cuộc sống của các em tốt hơn, các em sẽ có cơm no, áo ấm. Họ nghĩ rằng cuộc sống chắc quá khó khăn nên các em mới phải sớm bước chân vào đời mưu sinh thế này. Nhưng sự thật, chỉ có một số ít trẻ em dân tộc gia nhập vào đội quân bán hàng rong do cuộc sống quá khó khăn, còn lại là do bị cha mẹ ép buộc. Người dân tộc thiểu số, đặc biệt là người Mông ở Sapa bị các đối tượng xấu lợi dụng, kích động, bắt con bỏ học đi bán hàng. Và khi tiền thu được từ việc bán hàng càng cao, họ lại càng cho rằng quyết định bắt con bỏ học của mình là hoàn toàn sáng suốt. Chỉ tội cho những đứa trẻ, đáng ra chúng đang được học con chữ trong các lớp học và vui chơi với chúng bạn đồng trang lứa thì nay phải phơi mặt ngoài đường, đeo bám du khách để bán bằng được những món đồ cha mẹ đã chuẩn bị. Có đứa trẻ, sau khi chụp ảnh cùng với du khách nhưng không xin được tiền đã bị một người mẹ trẻ phũ phàng tát vào mặt, đứa trẻ khóc ré lên nức nở. Chứng kiến cảnh đó, tôi thoáng rùng mình. Liệu người phụ nữ đó có phải mẹ ruột của đứa trẻ, hay chỉ là một nhân vật trong đường dây điều hành trẻ em bán hàng rong tại các điểm du lịch Sapa?
Một “tiểu đội” vây quanh du khách, trẻ em bán hàng rong không chỉ bị tước đi quyền được học tập, vui chơi và phát triển toàn diện của trẻ, mà còn khiến Sapa trở nên xấu xí trong mắt du khách.
Trẻ em dân tộc có quyền được phát triển toàn diện
Như mọi trẻ em trên khắp cả nước, trẻ em dân tộc vùng cao cũng có quyền được học hành, được vui chơi và được phát triển toàn diện. Để xóa bỏ vấn nạn trẻ em bỏ học tham gia bán hàng rong ở Sapa và ở cả một số địa phương khác đang phát triển du lịch mạnh mẽ thời gian gần đây như Hà Giang, Mộc Châu…, chính quyền địa phương cần làm tốt công tác vận động và thuyết phục người dân. Bởi thực tế, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi trong những năm gần đây đã khá lên rất nhiều. Họ không còn nghèo khó đến độ không thể cho con đến trường. Nhưng vì bị kẻ xấu lợi dung, lôi kéo, kích động và vì mải chạy theo vật chất, họ đã hy sinh tuổi thơ của con để đánh đổi lấy chút tiền bạc. Họ hoàn toàn có thể lo cho con ăn học với sự trợ giúp của Nhà nước, của chính quyền địa phương và bằng sức lực lao động của bản thân mình.
Ngoài công việc nương rẫy, chính quyền địa phương có thể tạo công ăn việc làm cho đồng bào các dân tộc thiểu số bằng cách xây dựng các làng nghề truyền thống, gìn giữ và phát triển các nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số và tổ chức cho du khách tham quan nơi ăn, chốn ở của họ. Nếu trẻ em muốn kiếm tiền phụ giúp cha mẹ, chúng có thể cùng dệt thổ cẩm, bán hàng lưu niệm trong các cửa hàng vào những ngày cuối tuần. Điều quan trọng nhất là phải bảo đảm mọi trẻ em dân tộc vùng cao được đi học đúng tuổi và đến trường mỗi ngày theo đúng quy định của Nhà nước và pháp luật.
Những du khách không mua hàng cho trẻ, không cho tiền trẻ em cũng là một cách để giúp các em sớm được quay lại trường học. Không có cầu ắt không có cung, việc bán hàng rong hay xin tiền không còn dễ dàng, thuận lợi sẽ khiến cho cha mẹ của trẻ lung lay ý nghĩ kiếm tiền bằng cách bắt trẻ em chèo kéo du khách.
Bài và ảnh: Thanh Huyền/GĐTE