Theo đó, tất cả người nước ngoài cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện về nước trong thời hạn trên sẽ được miễn phạt tiền và hoãn hạn chế nhập cảnh.
Người lao động cư trú bất hợp phát chỉ cần hộ chiếu, vé máy bay xuất cảnh, đơn khai báo tự nguyện xuất cảnh đến trực tiếp đến các Văn phòng Xuất nhập cảnh tại nơi cư trú để khai báo. Hoặc những người này có thể khai báo trực tuyến trên trang web Hikorea (http://hikorea.go.kr); sau đó đến Văn phòng quản lý xuất nhập cảnh tại sân bay trong ngày xuất cảnh để được nhận xử lý miễn đóng tiền phạt và hoãn hạn chế nhập cảnh rồi xuất cảnh về nước. Thời gian thực hiện khai báo tự nguyện xuất cảnh phải thực hiện muộn nhất trước 3 ngày xuất cảnh.
Tuy nhiên, chính sách này sẽ không áp dụng cho những trường hợp cư trú bất hợp pháp kể từ sau ngày 11/9, người nhập cư bất hợp pháp, người sử dụng hộ chiếu hoặc giấy thông hành giả, người phạm tội hình sự, người không thể thực hiện mệnh lệnh xuất cảnh…
Cũng theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, song song với thời gian thực hiện chính sách lần này, Bộ Tư pháp Hàn Quốc thông báo sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan tập trung, tăng cường công tác truy bắt người nước ngoài cư trú bất hợp pháp trên toàn Hàn Quốc đợt 3 từ tháng 10. Người nước ngoài cư trú bất hợp pháp bị bắt trong thời gian thực hiện chính sách nêu trên sẽ bị phạt tiền lên đến 30 triệu won (khoảng 550 triệu đồng) và tăng thời gian cấm nhập cảnh vào Hàn Quốc.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, tính đến nửa đầu năm nay, Việt Nam có 712.600 lao động đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó có hơn 46.000 người bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp ở nước tới làm việc (chiếm 6% tổng số lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng). Xét về số lượng lao động bỏ trốn, thị trường Đài Loan (Trung Quốc) dẫn đầu với hơn 24.000 lao động bỏ trốn (chiếm 9% trong tổng số hơn 256.500 người đang làm việc tại đây) nhưng xét theo tỷ lệ lao động bỏ trốn, thị trường Hàn Quốc có tỷ lệ cao nhất, với hơn 12.200 người bỏ hợp đồng trốn ra ngoài làm việc “chui”, chiếm tới 26% tổng số lao động được đưa sang làm việc.
Đặc biệt, trong số lao động bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp và làm việc bất hợp pháp tại các nước, có nhiều lao động còn vi phạm pháp luật nghiêm trọng hơn như trộm cắp, nấu rượu lậu, đánh bạc, đánh nhau... làm hưởng đến uy tín và hình ảnh của người lao động Việt Nam ở nước ngoài.
Về lý do lao động bỏ trốn, theo Cục Quản lý lao động ngoài nước là do một số lao động không tìm hiểu kỹ thông tin về thị trường, chưa chú tâm tìm hiểu thông tin pháp luật của quốc gia sang làm việc, không đọc và không hiểu các điều khoản của hợp đồng trước khi ký kết. Người lao động chỉ mong được xuất cảnh nhanh và rút ngắn thời gian đào tạo, sẵn sàng mất tiền thông qua trung gian môi giới để được đi làm việc ở nước ngoài. Trong thời gian làm việc ở nước ngoài, một số lao động tay nghề không đáp ứng yêu cầu, vi phạm hợp đồng, hoặc vi phạm pháp luật nước sở tại, ý thức kỷ luật kém, chưa chấp hành đầy đủ các quy định của nơi làm việc, thiếu tôn trọng phong tục tập quán của nước sở tại. Ngoài ra, do các lý do khách quan, bất khả kháng như tình hình an ninh nước sở tại không đảm bảo, chủ sử dụng phá sản; công trình dự án bị đình trệ, thiếu việc làm.