Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Lão nông làm giàu từ mô hình chăn nuôi chồn hương đầu tiên ở Vĩnh Long

Anh Trần Văn Long (55 tuổi) ở ấp Phước Chí A (xã Bình Phước, huyện Mang Thít) là nông dân đầu tiên ở tỉnh Vĩnh Long nuôi thành công chồn hương sinh sản cho lợi nhuận

Trao đổi với PV Báo Dân Sinh anh Long cho biết, đàn chồn của anh gồm 47 con chồn mẹ, 5 con chồn bố, chồn con thì còn ít vì không đủ cung cấp ra thị trường. Bình quân mỗi năm chồn hương cái sinh sản 2 lần, sinh 2- 6 con/đợt, giá bán chồn hương từ 3,5 - 4 triệu đồng/con.

Nếu chăm sóc, cho ăn đúng và canh phối giống tốt thì chồn có thể sinh sản 3 lần mỗi năm. Chồn 10 đến 12 tháng tuổi là bắt đầu giao phối, mang thai 60 ngày sau khi sinh chồn mẹ tự chăm sóc con được 2 tháng tuổi là bắt đầu tách mẹ. Sau khoảng 40 ngày chồn tiếp tục phối giống.

Video: Lão nông làm giàu từ mô hình chăn nuôi chồn hương ở Vĩnh Long.

Hiện nay, anh Long chỉ tập trung bán con giống trù bị từ 2kg nhưng vẫn không đủ để cung cấp ra thị trường, nhất là thị trường miền Bắc đặt hàng anh rất nhiều vì con giống chồn của anh sức khoẻ tốt, không bị bệnh tật, được nhập từ nước ngoài về nên chồn cũng cho số kg cao hơn so với chồn trong nước. Trong năm qua, anh xuất bán trên 20 đàn chồn con khoảng 80 con thu về trên 300 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng trên 200 triệu.

Nói về nghề nuôi chồn, anh Long tâm sự, để có được thành công như hôm nay, anh đã từng trải qua 3 lần thất bại, bỏ ra gần 500 triệu đồng để “vừa làm vừa học” mô hình chăn nuôi mới mà ở Vĩnh Long chưa ai làm.

 - Ảnh 1Trong năm qua, anh xuất bán trên 20 đàn chồn con khoảng 80 con thu về trên 300 triệu đồng.


Vốn là một nông dân yêu thích học hỏi, tìm tòi những cái mới lạ để tạo hướng đi riêng cho mình, năm 2016, sau khi tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ nhiều mô hình nuôi chồn hương ở các nơi, anh Long đã mạnh dạn bỏ ra gần 500 triệu đồng để đầu tư mua con giống, xây chuồng trại.

Tuy đã có không ít kiến thức trong tay từ nhiều năm chăn nuôi heo, treo, dúi… nhưng khi chuyển qua chăn nuôi loài chồn hương hoang dã anh Long gặp không ít khó khăn, bỡ ngỡ. Anh Long cho biết: “Ban đầu mình nuôi cho chồn ăn đầu gà, chuối chín, cá sống, cháo, thịt nấu chín… tuy nhiên, đàn vật nuôi không thích nghi được nhiều con bị tiêu chảy, nhiễm cầu trùng rồi lây lan cho cả đàn. Vậy là, đi mất cả mấy trăm triệu. Sau lần đó, tôi thêm 2 lần tái đàn nữa nhưng không thành công. Chỉ đến khi tôi mua giống chồn thuần ở các trang trại, kết hợp với cho ăn thức ăn hỗn hợp của heo thì đàn chồn mới ổn định và phát triển đến bây giờ”.

Nói về bí quyết thành công, anh Long cho biết, chỉ cần 1kg thức ăn dạng viên hỗn hợp dùng cho heo con thì đủ dùng cho cả đàn chồn 20 con ăn trong ngày. Mỗi ngày anh cho chồn ăn một bữa vào 16h hàng ngày. Theo anh Long, thức ăn hỗn hợp có nhiều ưu điểm như chồn ăn không bị giun sán như ăn cá sống, dễ tiêu hóa, thức ăn chế biến sẵn có đầy đủ chất dinh dưỡng, giúp đàn chồn lông óng mượt trông rất đẹp mắt... Tính ra một tháng tiền ăn cho một con chồn chỉ tốn khoảng 50 ngàn đồng. Trong quá trình chăn nuôi kết hợp thêm tiêm phòng đầy đủ một số bệnh thông thường cho chồn để tăng cường sức đề kháng thì đàn chồn sẽ phát triển khỏe mạnh.

 - Ảnh 2Trang trại của anh Long hiện đang thử nghiệm chuồng lớn cho 1 con đực và 4 con cái vào chung để giao phối hy vọng với sự thuần chủng, các con chồn sẽ không cắn nhau và cho hiệu quả giao phối cao.


Chồn hương là loài ưa sạch sẽ, không thích chỗ ẩm ướt, hôi hám. Trong quá trình nuôi phải vệ sinh chuồng trại sạch sẽ để chồn không bị bệnh, thay nước uống thường xuyên, định kỳ mỗi tháng xổ giun cho chồn một lần để chồn háu ăn, mau lớn. Vào mùa nắng nóng phải thường xuyên tưới nước làm mát mái chuồng trại.

Bên cạnh đó, chồn nuôi vẫn giữ bản tính hoang dã rất dữ, nếu nuôi chung thường cắn nhau đến chết, nên phải thiết kế những ô chuồng nhỏ để nuôi mỗi con một ô. Người nuôi phải biết quan sát và biết thời kỳ giao phối để mở cửa cho chồn được đi qua chuồng chồn cái, sau khi giao phối xong lại đưa chồn đực về ô chuồng riêng.

Hiện nay, trang trại của anh Long đang thử nghiệm chuồng lớn cho 1 con đực và 4 con cái vào chung để giao phối hy vọng với sự thuần chủng, các con chồn sẽ không cắn nhau và cho hiệu quả giao phối cao. Với thủ nghiệm này thành công sẽ giúp ngắn thời gian giao phối, nâng tầm suất lứa lên, giúp tăng năng suất và hiệu quả kinh tế.

“Trong quá trình nuôi cần theo dõi thời điểm chồn lên giống để tiến hành phối giống làm sao bảo đảm mỗi lần phối đều đạt giúp chúng sinh sản liên tục sẽ cho hiệu quả kinh tế cao”. Anh Long nhấn mạnh.

Hiện nay, anh chỉ cung cấp con giống, tư vấn cách xây dựng chuồng trại, chăm sóc và cách sinh sản hiệu quả nhất cho bà con có nhu cầu. Bên cạnh đó anh cũng thu mua lại con nhỏ 2 tháng tuổi giúp bà con ổn định được đầu ra nếu như không có điều kiện về chuồng trại.

XUÂN TRƯỜNG - HẢI LINH.