Việc cải tạo nhà tập thể cũ ở Hà Nội hiện nay vẫn gặp nhiều vướng mắc và thực tế là không nhiều chủ đầu tư mặn mà tham gia vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, vướng mắc không có nghĩa là sẵn sàng làm mọi thứ để tháo gỡ, mà các giải pháp đưa ra phải hợp lý, được người dân và dư luận đồng tình.
Mới đây, Công ty CP Ðầu tư phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico) lại tiếp tục đề xuất lấp hồ Thành Công trong phương án cải tạo nhà tập thể Thành Công.
Theo đó, nhà đầu tư đề xuất mở rộng diện tích công viên và hồ về phía trung tâm khu đô thị và "bù lại" cũng đề xuất cắt giảm hơn 4.267m2 mặt hồ phía đối diện để làm khu nhà tái định cư chất lượng cao.
Đề xuất này ngay lập tức vấp phải sự phản đối của nhiều chuyên gia.
Theo ông Đỗ Viết Chiến - Nguyên Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị, Bộ Xây dựng, trong định hướng cải tạo các khu chung cư cũ, việc tuân thủ quy hoạch chung được quy định rất rõ. Đặc biệt, trong Luật Thủ đô đã khẳng định, cải tạo các chung cư cũ phải tuân thủ theo quy hoạch chung.
Vấn đề tiếp theo được đặt ra là giữ nguyên không gian xanh, mặt nước. Trong khi cây xanh, mặt nước đang được người dân hết sức quan tâm, nhiều nơi, nhiều chỗ, người dân quyết tâm biến bãi rác thành khu cây xanh, thì doanh nghiệp chủ động đề xuất giảm diện tích không gian xanh là không ổn.
Bênh cạnh đó, việc doanh nghiệp thực hiện tái định cư tại chỗ, rồi lại tiếp tục xây dựng cải tạo chung cư cũ tại vị trí cũ sẽ làm tăng dân số cho cả khu vực khi có cả dân cư mới đến cộng với số dân tái định cư.
"Hiện nay, các vấn đề về môi trường và cảnh quan ngày càng trở nên quan trọng trong quá trình đô thị hóa. Với Hà Nội, cảnh quan cây xanh và mặt nước là rất quan trọng, mặt nước không chỉ làm đẹp cảnh quan mà hồ còn để điều tiết nước", ông Chiến nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội cho biết, đề xuất lấp hồ Thành Công là phản cảm.
Theo ông, hồ Thành Công là diện tích điều tiết nước cho toàn khu vực đó và cả thành phố. Vì thế, ngay cả khi doanh nghiệp nói sẽ mở rộng hồ hơn thì chắc chắn chưa tính tới sự biến đổi về sinh thái, mô hình sử dụng đất vì hồ nước còn liên quan tới vấn đề thoát nước mặt, liên quan tới địa chất, thủy văn.
"Hồ Thành Công đã tồn tại từ nhiều năm, nên đề xuất lấp một phần là không thể chấp nhập được", ông Nghĩa cho hay.
Ông Đào Ngọc Nghiêm - nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng, cải tạo chung cư cũ phải theo quy hoạch, không phải thích xây ở đâu cũng được. Việc lấp hồ Thành Công theo ông Nghiêm là không hợp lý.
"Phải đảm bảo cho Hà Nội phát triển ổn định lâu dài, phải tuân thủ theo quy hoạch. Nếu đặc biệt thì phải cân đối trên toàn địa giới Thủ đô chứ không phải nhấn vào một vùng nào", ông Nghiêm nhấn mạnh.
Còn theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc lấp hồ Thành Công để xây dựng chung cư cần phải cân nhắc cẩn thận.
Theo ông Võ, hồ Thành Công là một hồ lâu đời ở Hà Nội, đã gắn bó mật thiết với người dân. Ông Võ cho rằng, việc chủ đầu tư lấp hồ để xây nhà cao tầng, rồi lại đào hồ để mở rộng diện tích lòng hồ chắc chắn có yếu tố lợi ích, kinh tế.
"Không ai lại bỏ chi phí đi lấp hồ, rồi đào hồ. Phải chăng CĐT muốn lấp hồ ở vị trí đất vàng, rồi đào hồ ở vị trí ít giá trị hơn?", ông Võ đặt câu hỏi.
Chính vì vậy, theo ông Võ, đề xuất này có một vấn đề cần lưu ý đặc biệt là nhà nước cần tính toán kỹ chi phí thực hiện của nhà đầu tư, tránh tình trạng nhà đầu tư "ôm" được đất vàng, bán nhà giá cao, hưởng lợi quá lớn.