Thuê xe: Tiện và rẻ
Ngày 1/2, phóng viên Tiền Phong gặp chiếc xe hiệu Ford Transit loại 16 chỗ, biển số 36B-01465 chở khách vào nghỉ tại một quán nước ven đường Hồ Chí Minh thuộc địa phận huyện Lạc Thủy (Hòa Bình). Trên xe là những thanh niên mặc đồng phục của Trường Đại học Lâm nghiệp; một số là học viên ngành cảnh sát (mặc cảnh phục). Đây là các sinh viên cùng quê ở huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa cùng thuê xe về quê ăn Tết.
Nguyễn Văn Minh, một trong những sinh viên của nhóm này cho hay: Cả nhóm có người biết nhau từ trước, có người không, qua điện thoại, facebook, người này rủ người kia rồi cùng thuê chiếc xe về quê. “Tính tiền thuê xe chia đều, mỗi người khoảng 150.000 đồng, bằng tiền đi xe khách ngày thường, rẻ hơn xe khách dịp Tết nhưng tiện hơn, vì có thể dừng nghỉ chỗ nào dọc đường tùy thích, xe chở khách về tận nhà” - Minh nói.
Đây chỉ là một trong những trường hợp riêng lẻ của “trào lưu” sinh viên tập hợp theo nhóm để thuê xe hợp đồng, né cảnh khó khăn về quê bằng xe khách dịp tết. Tuy đây không phải là cách thức đi lại chủ yếu nhưng thích hợp, tiện lợi, giá rẻ cho những nhóm người cùng quê đi làm ăn xa như công nhân tại các khu công nghiệp, nhóm người đồng hương.
Anh Hồ Hải Hoàng, Giám đốc chi nhánh miền Bắc của Cty Du lịch Toàn Cầu Việt (doanh nghiệp chuyên cho thuê xe hợp đồng) ví dụ: Giá thuê một chuyến xe 45 chỗ 5,8 triệu đồng đi từ Hà Nội về Nghệ An một chiều. Chia ra, 1 người chỉ trả 130 nghìn đồng. Như vậy, so với xe khách (giá vé hiện tại khoảng 200-300.000 đồng/vé, chưa kể nhiều hãng xe thu lên đến 400.000 đồng), phương án thuê xe theo nhóm rẻ rất nhiều. Anh Hoàng cho biết, không chỉ cho thuê xe tuyến ngắn, Cty anh còn hợp đồng chở công nhân từ TPHCM ra Hà Nội trước Tết và chiều ngược lại sau Tết.
Tránh ép tài xế
Ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng An toàn giao thông (Bộ GTVT) cho rằng, mô hình tập hợp khách theo nhóm để vận chuyển như trên có nhiều ưu thế và cũng được Bộ GTVT khuyến khích. Đơn cử, năm nay, Tổng Cty Đường sắt Việt Nam ký hợp đồng đưa 2.000 công nhân của nhà máy Samsung Việt Nam từ Thái Nguyên đi bằng tàu về thẳng miền Trung, tạo thuận lợi cho công nhân, không phải tự ra bến bắt xe khách về quê.
“Với ô tô cũng vậy, hình thức thuê theo nhóm tiện lợi để đi lại, giảm tải cho các bến xe và chắc chắn sẽ rẻ hơn so với đi xe khách nếu khách biết thương lượng tốt, vì chi phí xe hợp đồng rẻ hơn xe khách” - ông Thạch nói.
Ông Thạch phân tích, về mặt pháp lý, hình thức này được phép hoạt động, nên áp dụng trong tình huống đặc biệt như dịp Tết. “Chỉ dịp Tết mới có lượng khách lớn đi về chung một địa điểm; còn ngày thường, loại hình tập hợp nhóm về quê này không xuất hiện nhiều” - ông Thạch nói.
Tuy nhiên, ông Thạch lưu ý, với hình thức thuê xe hợp đồng theo nhóm, lái xe không quen đường bằng các lái xe chuyên tuyến. Vì vậy, hành khách cần lưu ý chọn các doanh nghiệp vận tải có uy tín để tăng tính an toàn. “Các doanh nghiệp có uy tín họ thường đầu tư để đảm bảo ATGT, xe được chăm sóc thường xuyên, lái xe được quản lý chặt chẽ” - ông Thạch nói. Vụ trưởng ATGT cũng lưu ý, ưu điểm của loại hình xe hợp đồng là cơ động về thời gian, tuy nhiên, các đoàn khách thuê xe dịp Tết không nên khởi hành vào những giờ đêm muộn hoặc sáng sớm, vì lái xe không ngủ đủ giấc, không đảm bảo sức khỏe, tỉnh táo để lái xe.
Phó Tổng cục trưởng Đường bộ Phan Thị Thu Hiền vừa có công văn gửi các Sở GTVT trên toàn quốc chấn chỉnh vấn đề “om” vé xe khách dịp Tết. Theo đó, công văn nêu rõ: Ngày 28/1, báo Tiền Phong có bài viết: “Khổ như xe khách dịp Tết: Tung chiêu “om vé”, phản ánh việc các nhà xe không chịu bán vé để bắt ép khách trả giá cao. Để chấn chỉnh, Tổng cục Đường bộ yêu cầu các địa phương đốc thúc nhà xe, bến xe triển khai bán vé Tết sớm, rà soát để bán vé tăng cường những tuyến có nhu cầu tăng và báo cáo về Tổng cục. |